Bầu Đức mang 50.000 tấn đường về Việt Nam, VASS thừa nhận "không ảnh hưởng"

25/04/2015 14:58
Mai Anh
(GDVN) - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường thừa nhận, việc Chính phủ đồng ý cho Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 50.000 tấn đường không ảnh hưởng thị trường trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa đồng ý đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư, sản xuất tại Lào vào Bản thỏa thuận về các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu Việt Nam - Lào với số lượng 50.000 tấn, thuế suất trong hạn ngạch 2,5%.

HAGL được nhập khẩu 50.000 tấn đường.
HAGL được nhập khẩu 50.000 tấn đường.

Trước đó năm 2013, vấn đề cho phép Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu đường từng vấp phải sự phản đối quyết liệt của Hiệp hội Mía đường Việt Nam khi Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Lào Cai về việc cho phép Công ty Cổ phần Đường Biên Hòa (Mã CK: BHS) được nhập 30.000 tấn đường thô của Hoàng Anh Gia Lai tại Lào.

Năm 2015 Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp&Phát triển nông thôn thống nhất hạn ngạch nhập khẩu 81.000 tấn đường.

Năm 2014 Việt Nam nhập khẩu khoảng 77.200 tấn đường trong đó 40.000 tấn đường nhập cho các doanh nghiệp chế biến, số còn lại cấp cho một số nhà máy tinh luyện đường trong nước. 

Ví dụ như Mía đường Biên Hòa được cấp hạn ngạch nhập 15.000 tấn, Thành Thành Công Tây Ninh 10.000 tấn, Mía đường Lam Sơn 5.000 tấn... 

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tính đến ngày 15/12/2014, tồn kho đường khoảng hơn 250.000 tấn và sức mua trong nước vẫn tiếp tục thấp.

Chia sẻ với báo chí khi đó, ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho rằng, nếu chấp nhận đề xuất nhập đường của Hoàng Anh Gia Lai, vô hình chung sẽ tạo tiền lệ cho những trường hợp tương tự sau này, khi mà lượng đường tiêu thụ trong nước đang dư thừa. 

Niên vụ 2012-2013, cả nước dư thừa 400.000 tấn đường và niên vụ 2013-2014 có thể tồn kho lên đến 600.000 tấn, chưa kể hàng nhập lậu giá rẻ từ Thái Lan sang Campuchia, Lào rồi về Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Liêm – Phó Chủ tịch VSSA, việc nhập đường sẽ gây thiệt hại cho 40 nhà máy đường trong nước cùng hàng triệu nông dân trồng mía. 

Theo ông, đường do Hoàng Anh Gia Lai đầu tư sản xuất tại Lào có giá thành rất thấp khi công ty này thu mua mía chỉ xấp xỉ 296.000 đồng/tấn, tương đương khoảng 4,3 triệu đồng/tấn đường. Trong khi đó, các nhà máy mía đường trong nước phải thanh toán tiền mía cho hộ trồng từ 950.000 đến 1,15 triệu đồng/tấn, đưa giá thành một tấn đường lên 9-11 triệu đồng.

Tuy nhiên thời điểm này, sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu 50.000 tấn đường từ Lào với với thuế suất trong hạn ngạch 2,5%, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường cho rằng: Mức thuế suất áp dụng này là phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo ông Hải, việc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai được Chính phủ cho nhập khẩu đường sẽ không ảnh hưởng đến thị trường mía đường trong nước.

Trước đó Bộ Công thương đề xuất cho phép Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhập 50.000 tấn đường từ Lào vào Việt Nam với thuế suất 0% nhưng Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã phản đối.

Hiệp hội Mía đường cho rằng, nhập khẩu đường phải đúng quy định pháp luật hiện hành. Việc cho nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hàng năm, nếu như 50.000 tấn đường đó về thì trừ trong hạn ngạch thuế quan hàng năm mà chúng ta đã có thỏa thuận với WTO. Còn về thuế suất, áp dụng thuế suất của AFTA là 5%, nhưng đồng thời cũng có thể áp dụng hiệp định song phương giữa Việt Nam và Lào là 50% của thuế suất đó. Có nghĩa là ít nhất cũng phải áp thuế suất 2,5% là hợp lý.

Mai Anh