Bầu Kiên: Thần tượng của bóng đá Việt Nam

21/08/2012 14:40
Ngọc Hòa (TTVH)
Chúng ta có một nền bóng đá sôi động, nhưng những ngày Xuân này để tìm ra một thần tượng đại diện cho những người đang tham dự địa hạt bóng đá, thực sự đi vào lòng người - khó như tìm đường lên trời.

* Bài báo đăng ngày 30/1/2012.

Tôi tìm em, em tìm ai...

… Để đôi khi tiếng thở dài hòa chung” (Phạm Đức).

Trong cuộc bầu chọn huấn luyện viên, vận động viên tiêu biểu của năm 2011, bóng đá có hai đại diện là cầu thủ Phạm Thành Lương và huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng. Rốt cuộc, cả Lương “dị” lẫn Hữu Thắng đều dễ dàng bị đánh bật. Nhìn lại thành tích suốt một năm qua, Hữu Thắng xứng đáng được ghi nhận. Chính Sông Lam Nghệ An là niềm tự hào với bóng đá Việt Nam trong bối cảnh gam màu xám vẫn là chủ đạo ở mùa giải 2011.

Việc cả Hữu Thắng lẫn Thành Lương đều bị che mờ, có gì đó nghịch lý khi bóng đá luôn gây cơn sốt trong lĩnh vực thể thao. Bóng đá thực sự là “vua”, khi sự đầu tư lẫn quan tâm của xã hội luôn là số một.

Nghịch lý nhưng không có gì lạ, bởi thành công của Hữu Thắng và Sông Lam Nghệ An bị lu mờ trước hàng loạt chiến tích mang tính đột khởi cho thể thao Việt Nam của các vận động viên Hà Thanh, Quý Phước, Thanh Hằng, Quang Liêm hay dấu ấn tuyệt vời của các người thầy như Đỗ Thùy Giang (thể dục dụng cụ), Đỗ Anh Tuấn (bơi), Hồ Thị Từ Tâm (điền kinh), Nguyễn Thị Nhung (bắn súng)...

Bầu Kiên: Thần tượng của bóng đá Việt Nam ảnh 1
Nhân vật “hot” nhất năm trong làng bóng đá lại là bầu Kiên.

Càng không lạ việc thể thao vua bị cho ra rìa, khi bức tranh chung của bóng đá Việt Nam đã nhạt nhòa, không chỉ trong năm 2011. Kể từ khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáp nhập (năm 2007) đến nay, đã trải qua 5 lần bình chọn. Chỉ duy nhất một lần đại diện bóng đá - thủ môn Dương Hồng Sơn và tiền đạo Lê Công Vinh - chia nhau ngôi nhì và ba. Đấy là năm 2008 mà đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Suzuki Cup. Từ đó đến nay, bóng đá chỉ mang lại cay đắng và thất vọng nhiều hơn niềm hạnh phúc - từ cấp độ vĩ mô đến cơ sở.

Những nhà tổ chức lẫn các nhà báo bầu chọn danh hiệu “Quả bóng Vàng” thực sự ngày càng băn khoăn, khi đến hẹn lại lên phải vắt óc trong việc tìm ra một gương mặt xuất sắc nhất trong năm. Cầu thủ giờ nổi tiếng ở người yêu đẹp, nhiều tiền cùng các hoạt động ngoài bóng đá, nhưng trong chuyên môn lẫn tư cách thì để tìm một chân dung vẹn toàn là thách thức nghiêm trọng cho người đi chọn “vàng”.

Phải đến gần đầu quý 3/2011 thì chủ nhân “Quả bóng Vàng” năm 2010 mới được tìm ra. Minh Phương ẵm vòng nguyệt quế ở thời điểm anh đã ngả bóng, nên danh hiệu này được coi như một sự tưởng thưởng cho một chân dung ít tì vết, điều quá hiếm với bóng đá Việt Nam.

Ít ra thì Minh Phương xứng đáng nhận được danh hiệu đó. Bầu bán lần này, rồi người ta sẽ phải chọn một “Quả bóng Vàng” năm 2011. Có điều, người được bầu có thực sự vinh dự với những gì mình đã làm được “cho đời” hay không, lại là chuyện khác.

Sản phẩm của nền “văn minh bóng đá” vật chất

Có rất nhiều tiêu chí để bầu chọn thần tượng, nhưng không thể thiếu ba tiêu chí: Thực tài, tư cách và những đóng góp cho xã hội. Chỉ như thế thì người được bầu chọn mới có chỗ đứng trong trái tim người hâm mộ.

Bóng đá Việt Nam không thiếu nhân tài, nhưng hai tiêu chí sau thì thực sự là thiếu. Những nhân tố cấu thành nền bóng đá dường như đang tắm mình trong “nền văn minh bóng đá” vật chất. Chúng ta thấy rất rõ điều đó, khi quyền lợi của khán giả luôn bị đặt xuống hàng thứ yếu. Cấp quản lý nặng về tư duy nhiệm kỳ, sẵn sàng làm tất cả vì lợi ích trước mắt, bất chấp hệ lụy lâu dài. Cầu thủ được treo thưởng mới chịu đá hết mình.

Để tìm ra một thần tượng trong giới trọng tài cũng khó khăn không kém. Hội Cổ động viên thì đa số ông chủ phải bỏ tiền họ mới nhiệt tình cổ vũ. Đến thời điểm này, các bộ phận vĩ mô đang “đánh nhau” chí tử, thay vì phải thiết lập trật tự, tạo kỷ cương để nâng tầm Super League, đúng như tên gọi của nó...

Bóng đá chưa sinh lãi ròng, nhưng như thế không có nghĩa là những người đầu tư chẳng thu lợi gì từ bóng đá. Danh hiệu “Doanh nhân của năm 2011” do VnEconomy trao cho bầu Kiên cũng có công lớn của bóng đá. Ba tiêu chí mà VnEconomy bình chọn là: Khả năng gây ảnh hưởng, truyền cảm hứng đến xã hội nói chung và môi trường kinh doanh nói riêng; kết quả hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu hoặc tham gia quản lý; đại diện hoặc liên quan nhiều đến một xu thế vận động nổi bật trong năm.

Rõ ràng, ông Kiên đã tạo cảm hứng, hay nói cách khác, mang đến một góc nhìn về vai trò quản lý một cách chính thức hoặc không chính thức của các cơ quan quản lý nhà nước nói chung hay các tổ chức “kiểu VFF” đã và đang có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp và cá nhân trong xã hội.

Vấn đề, với những gì đã làm được, dư luận vẫn chờ bầu Kiên và những người đã làm nên cuộc thay đổi lớn cho bóng đá Việt Nam thời gian qua ở cấp vĩ mô, sẽ đi những bước tiếp theo như thế nào? Những động thái sau khi VPF ra đời có thể vấp phải vô số rào cản, nhưng nếu thực sự lãnh đạo VPF có tâm vì bóng đá Việt Nam, thì sớm hay muộn họ cũng được xã hội ghi nhận. Còn không, chỉ vì phục vụ quyền lợi của mình, tổ chức mình, thì “bia miệng” sẽ còn lưu truyền mãi, tiền bạc hay sự giàu có bao nhiêu cũng khó mà gột bỏ.

Đến đây, chúng ta đã thấy rõ ràng bóng đá đang nợ xã hội rất nhiều thứ. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đang phát triển lệch chuẩn, cần phải nắn dòng để đi đúng quỹ đạo. Tại sao những năm tháng bao cấp, điều kiện kinh tế khó khăn như thế nhưng nền bóng đá vẫn sản sinh ra nhiều thần tượng tài đức vẹn toàn. Quá nhiều đội bóng trở thành biểu tượng, nhiều sân bóng là thánh địa đúng nghĩa.

Vậy mà, càng lên chuyên, thì những giá trị tốt đẹp đó biến mất, nhường chỗ cho thứ bóng đá vật chất hoành hành. Một nền bóng đá đang khủng hoảng thần tượng trầm trọng, thiếu những tên tuổi được khán giả quý trọng. Các em thiếu nhi không còn mè nheo bố mẹ mua những tấm áo có tên thần tượng, mặc không muốn giặt và trong giấc mơ trọn vẹn hình ảnh lung linh thần tượng của mình.

Bạn nghĩ gì khi trong 7 gương mặt tiêu biểu của TP.HCM năm 2011, thể thao chỉ có một - kỳ thủ cờ vua Lê Quang Liêm, không phải môn bóng đá. Còn tại Hà Nội, trong 10 tên tuổi tiêu biểu thì thể thao cũng chỉ có một, vẫn không phải bóng đá - vận động viên thể dục dụng cụ Đỗ Ngân Thương?

Bóng đá thực sự là nỗi xấu hổ, là đứa con ngỗ ngược đang làm phiền lòng xã hội!
Ngọc Hòa (TTVH)