Bí quyết giúp học sinh thị xã La Gi nhẹ gánh đóng góp

04/09/2018 06:54
Phan Tuyết
(GDVN) - Khác với nhiều địa phương, địa bàn thị xã La Gi trong nhiều năm học qua, chưa bao giờ xảy ra tình trạng bị phụ huynh phản ánh vì thu nhiều khoản tiền...

LTS: Bước vào năm học mới, học sinh tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận không phải quá nặng nề với những khoản đóng góp.

Đây là tin vui được cô giáo Phan Tuyết chia sẻ trong bài viết sau đây.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mới vào năm học được vài tuần, nhiều trường học trong cả nước đã vướng vào lạm thu bởi có quá nhiều khoản nhà trường buộc phụ huynh phải đóng góp.

Một đứa trẻ mới vào lớp 1 đã phải oằn lưng cõng biết bao loại phí như tiền học kĩ năng sống, học Anh văn tăng cường, tiền xã hội hóa, tiền ủng hộ tự nguyện, tiền sửa chữa và bảo dưỡng cơ sở vật chất…

Sau phản ứng của phụ huynh, một số trường học đã bị "tuýt còi" buộc nhà trường phải trả lại số tiền lạm thu cho phụ huynh.

Không ít người thắc mắc “đa phần những vụ lạm thu đều do phụ huynh phát hiện và phản ánh.

Vậy vai trò quản lý, giám sát của các cấp quản lý địa phương ở đâu mà để các trường tự tung tự tác?

Phải chăng có sự chỉ đạo hoặc làm ngơ từ các cấp có thẩm quyền?”.

Ảnh mang tính minh hoạ: baobinhthuan.com.vn
Ảnh mang tính minh hoạ: baobinhthuan.com.vn

Lẽ nào có sự tiếp tay và làm ngơ của cấp trên?

Thường thì trong cùng một địa bàn, mức thu của các trường luôn tương đương nhau.

Để cho việc thu tiền đầu năm an toàn, những hiệu trưởng này thường “liên kết” với nhau đề ra những khoản sẽ thu.

Không thể mạnh ai nấy làm vì như thế phụ huynh trường thu cao sẽ phản ánh dữ dội.

Ví như trường A thu 3 triệu đồng/học sinh mà trường B chỉ thu khoảng 2 triệu đồng chắc chắn cha mẹ các em sẽ có sự so bì và phản ứng.

Theo quy định, nhà trường không tự ý đề ra các mức thu. Thu bao nhiêu, thu những khoản gì phải được sự đồng ý của chính xã phường nơi ấy.

Nhưng tại sao ở một số địa phương, tình trạng lạm thu vẫn diễn ra?

Câu hỏi được xem là thuyết phục nhất “phải chăng có sự tiếp tay và làm ngơ của các cấp có liên quan?”. Cái này được gọi là “lạm thu có chỉ đạo”.

Bí quyết giúp học sinh thị xã La Gi nhẹ gánh đóng góp ảnh 2Học sinh xã đặc biệt khó khăn bị bớt xén hàng trăm triệu đồng tiền bán trú

Lạm thu bộc phát từ nhà trường còn dễ dẹp, địa phương nào có “lạm thu chỉ đạo” thì xem như khá an toàn vì nếu xảy ra kiện cáo sẽ được cấp trên dẹp đơn, hoặc tìm mọi cách bảo vệ (trừ phi phụ huynh phải cậy nhờ đến báo chí, đến mạng xã hội lên tiếng).

Vậy, những trường học hiện nay đang vướng vào chuyện lạm thu có thể hiểu đã dính đến kiểu “lạm thu có chỉ đạo”.

Vì nếu không thế, họ sẽ có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu chi thì không thể nào xảy ra lạm thu được.

Khác với nhiều địa phương, địa bàn thị xã La Gi trong nhiều năm học qua, chưa bao giờ xảy ra tình trạng bị phụ huynh phản ánh vì thu nhiều khoản tiền và mức thu cao.

Bởi trước khi đưa ra mức thu cho năm học đó, các trường học trên cùng một địa bàn phải làm tờ trình chi tiết và được Ủy ban nhân dân xã phường hoặc đích danh Chủ tịch thị xã kí duyệt. 

Học sinh thị xã La Gi phải đóng những khoản tiền nào?

Bậc tiểu học các em đóng chưa tới 1 triệu đồng/học sinh. Trong đó, 2 loại bảo hiểm y tế và tai nạn đã chiếm gần 700 ngàn đồng.

Tiền đóng cho nhà trường chỉ có tiền ấn phẩm 30 ngàn đồng, ghế ngồi chào cờ (chỉ học sinh lớp 1 phải đóng) là 30 ngàn đồng, chụp hình và ép thẻ (chỉ học sinh lớp 1) là 10 ngàn đồng.

Các đồng phục như quần áo, đồ thể dục phụ huynh tự mua hoặc các em có thể mặc đồ cũ của anh chị để lại.

Bí quyết giúp học sinh thị xã La Gi nhẹ gánh đóng góp ảnh 3Phụ huynh bức xúc nghi ngờ có bất minh trong thu, chi ở trường Phan Phu Tiên

Bậc trung học cơ sở mức đóng khoảng 1.300.000 ngàn đồng/học sinh.

Trong đó, tiền học phí đã chiếm 540 ngàn đồng và 2 loại bảo hiểm gần 700 ngàn đồng.

Học sinh chỉ phải đóng 50 ngàn đồng tiền ấn phẩm, có tiền thu thêm 30 ngàn đồng tiền nước uống nhưng có trường không thu.

Riêng học sinh lớp 6 phải mua thêm bộ đồ thể dục giá 64 ngàn đồng (học sinh có thể dùng đồ cũ).

Khoản tiền thỏa thuận với phụ huynh là tiền vệ sinh (bồi dưỡng thêm cho nhân viên phục vụ và mua thêm chổi, nước rửa, nước lau nhà vệ sinh) tùy trường có mức thu khác nhau nhưng giao động chỉ ở mức từ 20-30 ngàn đồng/học sinh/năm học.

Riêng khoản tiền tự nguyện gọi là quỹ hội phụ huynh, nhà trường chỉ thông báo trong cuộc họp đầu năm mà không có sự ép buộc hay vận động một cách thái quá.

Nhiều năm trở lại đây, phụ huynh thường tự góp khoảng 100 ngàn đồng/học sinh hỗ trợ thêm cho chi phí của lớp và của trường.

Những gia đình nghèo, khó khăn không ủng hộ. Năm nào cũng thế và đã thành thói quen.

Khoản tiền học buổi chiều của bậc tiểu học, mức thu chỉ với 50 ngàn đồng em/tháng nhưng không yêu cầu phụ huynh phải đóng gộp 9 tháng để tránh gây áp lực cho nhiều gia đình.

Những học sinh nghèo có gia cảnh đặc biệt khó khăn thường được miễn giảm khoản tiền này.

Dù đã đồng ý cho phép thu nhưng sau 2 tháng đầu của năm học mới, Phòng Giáo dục địa phương cùng Ủy ban xã phường, thị xã lại tổ chức kiểm tra lại một lần nữa xem việc thu các khoản đầu năm có đúng như kế hoạch đã được duyệt trước đó hay không. 

Có lẻ nhờ cách làm và kiểm tra chặt chẽ như thế mà bao năm nơi này chưa bao giờ vướng vào vòng xoáy lạm thu như nhiều địa phương khác.

Phan Tuyết