Bí thư Thành ủy Hội An, ông Nguyễn Sự |
* Hội An gần đây được biết đến như một điểm du khách khá hài lòng vì không sợ bị "chặt chém". Ông có nhận xét gì về vấn đề này?
- Thật ra ở Hội An không phải là không có tình trạng "chặt chém". Có nhưng chỉ là những trường hợp cá biệt và bị xử lý nghiêm minh, kịp thời, dứt điểm ngay và không để lây lan. Cách đây không lâu, một quán cơm gà trên đường Phan Châu Trinh đã bán đĩa cơm với giá gấp đôi bình thường. Chỉ cần nghe tin, UBND phường Minh An, Đội quản lý thị trường thành phố đã tìm đến xác minh, xử lý, phạt. Chủ quán nhận tội và cam kết không tái phạm. Đến nay thì quán cơm gà đó không còn để xảy ra tai tiếng nữa.
Hay như mới đây dịp lễ 30-4 và 1-5. Mỗi ngày có ít nhất 5.000 du khách đổ về Hội An để tham quan du lịch. Khách đông, hàng hóa bán chạy, nhưng không một du khách nào tỏ ra oán thán vì nạn "chặt chém".
Thật đáng buồn vì "chặt chém" đã trở thành vấn nạn ở nhiều nơi khiến hình ảnh “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn” bị lệch lạc khá nhiều. Có lẽ những người tham gia “chặt chém” chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà quên rằng đó là một nguy cơ lớn khi du khách bực bội, chán nản, không quay trở lại nữa.
* Vậy thưa ông, có được kết quả đó là nhờ đâu?
- Như tôi đã nói, Hội An vẫn có trường hợp "chặt chém" du khách nhưng hiếm, không phổ biến. Đó là điều đáng mừng. Sở dĩ như vậy trước hết là ở người dân Phố Hội. Người Hội An đôn hậu, thân thiện, thật thà. Và đời ông cho chí đời con, mọi người luôn nhắc nhau giữ cho được nét đẹp đó. Chính vì vậy, bản thân người Hội An có ý thức rất rõ rằng: "chặt chém" du khách chỉ được một lần mà tiếng xấu thì còn mãi và họ tự thấy xấu hổ nếu phải làm điều đó. Và điều này mới quan trọng: người Hội An đã “bán” sự thân thiện của mình để đổi lấy hiệu quả du lịch. Do vậy, họ không ủng hộ nạn "chặt chém" du khách. Hàng quán bán buôn đều có niêm yết giá công khai. Khách du lịch kể cả nước ngoài vào quán chỉ nhìn menu, gọi món và trả tiền theo giá ghi trên đó, không gì phải phàn nàn.
Nhờ không có tình trạng "chặt chém" nên các hàng quán ở Hội An thường đông khách |
Ngược lại, biết ai, quán nào có tình trạng "chặt chém", du khách phản ứng là người dân sẵn sàng gọi điện báo cho chính quyền biết đến can thiệp. Nhẹ thì nhắc nhở, giáo dục, yêu cầu bán đúng giá. Nặng hơn thì xử phạt vi phạm hành chính, đóng cửa có thời hạn. Nặng hơn nữa thì tước giấy phép kinh doanh, đóng cửa vĩnh viễn.
Nói tóm lại, chính ý thức, lòng tự trọng của người dân Phố Hội cộng với việc tuyên truyền giáo dục thường xuyên cùng các biện pháp xử lý kiên quyết, kịp thời của chính quyền đã hạn chế xảy ra nạn "chặt chém" du khách.
* Như ông nói, Hội An đã thành công trong việc ngăn chặn tình trạng "chặt chém" làm phiền hà du khách. Vậy cái lợi thu được cụ thể là gì?
- Không để xảy ra "chặt chém" thì cái lợi trước hết là về văn hóa. Không có "chặt chém", không chạy theo "chặt chém" nên nếp sống thân thiện ngàn đời của người dân không bị xáo trộn.
Bản thân người dân cũng tự tạo “chất kháng thể” cho mình khi không tham gia nạn "chặt chém", nếu không sẽ bị cả cộng đồng lên án. Người dân nhờ vậy được sống trong môi trường an lành, tin tưởng lẫn nhau.
Đối với môi trường du lịch, không có "chặt chém" cũng dẫn đến không có nạn cò mồi, chèo kéo, chụp giật, mang lại một niềm tin tốt đẹp đối với du khách. Từ đó, hình ảnh đẹp của một Hội An - di sản văn hóa thế giới ngày càng vang tiếng khắp năm châu, thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng. Mà khách đến đông thì người dân càng được nhờ. Lợi cả trăm bề như thế, hà cớ gì phải nâng giá, "chặt chém"?
* Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.