Biển Đông, Trung-Mỹ sẽ ra sao nếu bà Hillary Clinton trở thành Tổng thống?

13/04/2015 11:33
Hồng Thủy
(GDVN) - 39% người Mỹ nói rằng họ không nghe nói gì về các tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á, nhưng bà Hillary Clinton chắc chắn nhận thức được điều này.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố chính thức tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ảnh: Đa Chiều.
Cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố chính thức tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Ảnh: Đa Chiều.

The Diplomat ngày 13/4 bình luận về sự kiện cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton tuyên bố sẽ tranh cử Tổng thống năm 2016 đã đặt câu hỏi, điều này sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với châu Á, chính sách của Washington đối với khu vực này sẽ ra sao dưới sự lãnh đạo của bà Hillary? Theo truyền thống, chính sách đối ngoại đóng một phần rất nhỏ trong việc xác định kết quả bầu cử ở Mỹ, nhưng kết quả nghiên cứu của Trung tâm Pew gần đây cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ coi trọng chính sách đối ngoại hơn đối nội của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Nhìn chung tỉ lệ này chiếm khoảng 20% những người được hỏi và nó không nhất thiết là một dấu hiệu người dân Mỹ sẽ đưa ra quyết định của họ lựa chọn ai là Tổng thống thứ 45 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Cuộc thăm dò từ Pew cho thấy người Mỹ tin tưởng đảng Cộng hòa hơn đảng Dân chủ khi nói đến các vấn đề của chủ nghĩa khủng bố và chính sách đối ngoại. Với kinh nghiệm của nhiệm kỳ Ngoại trưởng Mỹ 2009-2013, dù sao bà Hillary Clinton cũng có một xuất phát điểm khá tốt để khẳng định kinh nghiệm điều hành chính sách đối ngoại, đặc biệt là khi nói đến châu Á.

Michael Fullilov, Giám đốc điều hành của Viện Lowy bình luận rằng, chiến lược xoay trục sang châu Á là thành tích trong chính sách đối ngoại của bà Hillary Clinton với vai trò Ngoại trưởng, bà đã đầu tư nhiều vào đó. Chính bà đã vạch ra những ý tưởng ban đầu của chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương năm 2011. Thuật ngữ này được bà sử dụng trước tiên, và trên thực tế bà cùng Tổng thống Barack Obama đã có nhiều chuyến công du sang châu Á - Thái Bình Dương 2 năm trước đây, tham gia vào nền ngoại giao "triển khai về phía trước".

Châu Á -  Thái Bình Dương đã trở thành một động lực chính của nền chính trị toàn cầu và cam kết của Mỹ xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương là điều cần thiết, bà Hillary Clinton từng khẳng định. Cựu Ngoại trưởng Mỹ phân chia chiến lược xoay trục thành 3 yếu tố: Thực hiện gắn kết trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Làm việc để xây dựng lòng tin giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ; Cam kết mở rộng hợp tác kinh tế - chính trị - an ninh ở bất cứ nơi nào có thể. 

Khi thuyết trình về quan hệ Mỹ - Trung trong thế kỷ 21 năm 2011, bà Hillary Clinton đã nhấn mạnh: "Một số nước trong khu vực cũng như một số quan điểm trong chính nước Mỹ coi sự tăng trưởng của Trung Quốc như một mối đe dọa sẽ dẫn đến xung đột theo kiểu Chiến tranh Lạnh, hoặc dẫn đến sự suy giảm của Mỹ. Trong khi một số quan điểm ở Trung Quốc lo lắng rằng Hoa Kỳ đang tìm cách kiềm chế sự tăng trưởng của Trung Quốc, chính những quan điểm này đang làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc cứng rắn ở Trung Quốc. Chúng tôi bác bỏ những quan điểm đó". 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ thừa nhận rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai quốc gia phức tạp với những câu chuyện rất khác nhau, kể cả hệ thống chính trị cũng như triển vọng,  nhưng điều này không nhất thiết sẽ ngăn cản sự hợp tác, và hợp tác cũng không nên ngăn cản cạnh tranh.

Một tỉ lệ đáng kể người dân Mỹ dường như không hoàn toàn nhận thức được các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng. 39% người Mỹ nói rằng họ không nghe nói gì về các tranh chấp lãnh thổ ở Đông Á, nhưng bà Hillary Clinton chắc chắn nhận thức được điều này và các điểm nóng khác ở châu Á. Đây là nơi yếu tố đầu tiên và thứ 3 trong chiến lược xoay trục của Mỹ đi vào, nó cũng là nơi Washington tham gia hợp tác với khu vực để giải quyết các thách thức toàn cầu trong lĩnh vực kinh tế - chính trị và an ninh.

Năm 2010 khi nhận xét sau cuộc họp với các Ngoại trưởng ASEAN, bà Hillary Clinton chính thức nêu quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông: Hoa Kỳ cũng như mọi quốc gia khác, có lợi ích trong tự do hàng hải, tiếp cận với châu Á, tuân thủ tự do hàng hải và luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Mỹ ủng hộ một tiến trình ngoại giao hợp tác của tất cả các bên để giải quyết tranh chấp lãnh thổ mà không bị ép buộc. Hoa Kỳ phản đối việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực dưới bất kỳ hình thức nào, trong khi Mỹ không đứng về bất kỳ bên nào trong các bên tranh chấp ở Biển Đông.

Hoa Kỳ tin rằng các bên nên giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua kênh ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Lần đầu tiên đến ASEAN với tư cách Ngoại trưởng Hoa Kỳ năm 2009, bà Hillary Clinton đã nói với Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan, chuyến thăm cho thấy mức độ coi trọng của Hoa Kỳ về việc chấm dứt sự vắng mặt ngoại giao của Mỹ trong khu vực. 

Tổng thống Mỹ thứ 45 sẽ phải quyết định ưu tiên làm những gì trong chính sách đối ngoại và chiến lược tái cân bằng sang châu Á đang bị bỏ dở hoặc đặt sang một bên vì các vấn đề đối nội cũng như cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông, khủng hoảng Ukraine. Tầm quan trọng ngày càng tăng của châu Á trong các thể kỷ tiếp theo là không có gì phải bàn cãi, những gì Tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ làm để thúc đẩy chiến lược xoay trục sẽ là câu hỏi đáng chú ý đặt ra đối với bà Hillary Clinton trong chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng năm 2016.

Hồng Thủy