Bình Nhưỡng khéo khai thác mâu thuẫn Trung-Mỹ, Bắc Kinh tập trận đe Triều Tiên

05/08/2017 09:26
Hồng Thủy
(GDVN) - Bình Nhưỡng đã từng là một chuyên gia trong việc khai thác mâu thuẫn để có được những gì cần thiết. Họ đặc biệt giỏi trong việc tạo ra căng thẳng Trung - Mỹ.

South China Morning Post, Hồng Kông ngày 5/8 đặt câu hỏi, liệu Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên có đẩy Trung Quốc và Hoa Kỳ đến bờ vực (chiến tranh, xung đột)? [1]

Tờ báo dẫn lời các nhà phân tích cảnh báo, chương trình tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng có thể tạo ra hoặc phá vỡ căng thẳng giữa hai siêu cường toàn cầu.

"Bình Nhưỡng là chuyên gia khai thác mâu thuẫn Trung - Mỹ"

Brendan Taylor, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng Đại học Quốc gia Australia cho rằng, có những dấu hiệu cho thấy hợp tác Mỹ - Trung dường như đang tan rã sau "tuần trăng mật" Donald Trump - Tập Cận Bình ở Mar-a-Lago.

Tiến sĩ Carla Freeman, một chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc từ Đại học Johns Hopkins ở Washington bình luận:

"Bình Nhưỡng đã từng là một chuyên gia trong việc khai thác mâu thuẫn để có được những gì cần thiết. Họ đặc biệt giỏi trong việc tạo ra căng thẳng Trung - Mỹ để thúc đẩy chương trình của mình."

Tiến sĩ Rex Xiao chuyên nghiên cứu các vấn đề quốc tế ở Đại học Phúc Đán, Thượng Hải nhận định:

"Mục tiêu chung của Trung Quốc và Hoa Kỳ là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mục tiêu này là nhất quán.

Sự khác biệt nằm ở chỗ làm thế nào để đạt được nó."

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: VOX / Getty.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: VOX / Getty.

Hôm nay Diễn đàn ASEAN khai mạc tại Manila, Philippines với kỳ vọng (của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson?) sẽ khiến Trung Quốc tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng, nhưng ông Rex Xiao nói rằng, áp lực của người Mỹ là vô ích.

Tiến sĩ Sung-yoon Lee, giáo sư nghiên cứu người Hàn Quốc tại Đại học Tufts ở Boston bình luận:

"Bắc Triều Tiên rất biết tính toán và tỉnh táo, ông Kim Jong-un thì vẫn vững như bàn thạch. 

Về lâu dài việc chấm dứt chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng hầu như là không thể, trừ khi có sự thay đổi lãnh đạo cấp cao nước này.

Sức mạnh quân sự và chương trình hạt nhân gần như là một lá bài của nhà họ Kim. Mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn, trước khi có chuyển biến tốt."

Trung Quốc răn đe Bình Nhưỡng

Trong một bài báo khác, South China Morning Post dẫn lời các nhà phân tích nhận định, cuộc tập trận hải quân Trung Quốc đang tiến hành ở Hoàng Hải là nhằm vào Bình Nhưỡng.

Cuộc tập trận bắt đầu từ ngày hôm nay 5/8 và kéo dài 4 ngày, phạm vi từ bờ biển Thanh Đảo đến bờ biển cảng Liên Vân, Giang Tô.

Điều đáng nói là, đây là cuộc tập trận thứ 2 của hải quân Trung Quốc chỉ 1 tuần sau vụ Triều Tiên bắn thử tên lửa hôm 28/7. Lần tập trận trước cũng ở Hoàng Hải, từ 27/7 đến 29/7.

Malcolm Davis, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc từ Học viện Chính sách chiến lược Australia nói với South China Morning Post:

Bình Nhưỡng khéo khai thác mâu thuẫn Trung-Mỹ, Bắc Kinh tập trận đe Triều Tiên ảnh 2

Triều Tiên bình luận 3 phương án của Mỹ, ông Duterte chỉ trích ông Kim Jong-un

"Về cơ bản, cuộc tập trận là một cảnh báo đối với Bình Nhưỡng. Trung Quốc thực sự muốn Bắc Hàn quay đầu trở lại.

Tuy nhiên điều này phần lớn phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có sẵn sàng hay không.

Không có gì là trùng hợp ngẫu nhiên trong quan hệ quốc tế. Thời điểm củng cố thông điệp.

Nhưng Trung Quốc cũng có thể nhắm tới nhiều mục đích, và tôi nghĩ rằng trọng tâm chính sách của họ là tránh một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ."

Collin Koh, một chuyên gia về an ninh hàng hải Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore nhận định cuộc tập trận của Trung Quốc ở góc độ khác:

"Đây là một phần của ngoại giao, có những cuộc đàm phán luôn luôn đi kèm với tiếng trống tập trận.

Nó báo hiệu cho các nước như Hoa Kỳ chớ nên nghĩ đến hành động quân sự chống lại Bắc Triều Tiên." [2]

Một động thái khác có liên quan cũng rất đáng chú ý, ngày 4/8 Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo:

Ông Vũ Đại Vỹ - trưởng đoàn Trung Quốc về đàm phán 6 bên phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên 10 năm qua, đại diện đặc biệt của Trung Quốc về vấn đề bán đảo Triều Tiên sẽ nghỉ hưu.

Người kế nhiệm ông Vũ Đại Vỹ là ông Khổng Huyễn Hựu, Trợ lý Ngoại trưởng, và là cựu Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.

Đa Chiều ngày 4/8 đặt câu hỏi, việc Bắc Kinh "đột ngột thay tướng" phải chăng là đang mất dần kiên nhẫn với Bình Nhưỡng? [3]

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2105426/will-north-korea-take-china-and-us-right-brink

[2]http://www.scmp.com/news/china/article/2105483/beijing-sends-warning-second-naval-drill-yellow-sea

[3]http://news.dwnews.com/global/news/2017-08-04/60005181.html

Hồng Thủy