Bộ cần có những thay đổi mạnh tay trong khoảng thời gian còn lại trong năm học

03/04/2020 06:20
NHẬT DUY
(GDVN) - Chúng tôi cho rằng việc phải điều chỉnh các kế hoạch vĩ mô của ngành trong lúc này là rất cần thiết để phù hợp với thực tế dịch bệnh hiện nay.

Ngày 30/3/2020, trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải bài viết Vẫn còn cơ hội tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia của tác giả Trinh Phúc phản ánh về những chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia và kiểm tra định kỳ đối với học sinh phổ thông.

Đọc bài viết, chúng tôi cảm nhận được cái lý của ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhưng trong bối cảnh hiện nay mà Bộ không thay đổi, vẫn muốn giữ tất các các bài kiểm tra định kỳ, vẫn tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia như các năm trước đây e rằng sẽ khó bởi thực tế thì nó cũng không cần thiết.

Giảm bài kiểm tra định kỳ và tinh giản các kỳ thi là cần thiết trong thời gian còn lại của năm học (Ảnh minh họa: TTVN)

Giảm bài kiểm tra định kỳ và tinh giản các kỳ thi là cần thiết trong thời gian còn lại của năm học

(Ảnh minh họa: TTVN)

Không thể bỏ kiểm tra định kỳ, đợi khi nào đi học lại sẽ cho kiểm tra?

Những tuần qua, Bộ đã chủ trương để các địa phương tổ chức dạy qua internet và truyền hình. Và, tất nhiên việc triển khai kế hoạch này là tất yếu trong bối cảnh mà đất nước ta đang phải đối mặt với tình hình dịch bệnh.

Song, thực tế thì việc học của học sinh chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Sở và các nhà trường vẫn triển khai nhưng học sinh không phải em nào cũng có thể tham gia học tập.

Phần vì những ràng buộc chưa cụ thể, phần vì động lực của nhiều em học sinh không có và cách triển khai dạy trực tuyến của nhà trường vẫn chưa được đầu tư bài bản, chu đáo. Chính vì thế mà chất lượng không đồng đều giữa các nhà trường.

Nhưng, theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Thành- Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thì không thể bỏ các bài kiểm tra định kỳ, vì: “chờ đến khi kiểm soát được dịch bệnh, học sinh tiếp tục quay trở lại trường thì nhà trường sẽ tiến hành ôn tập, bổ sung kiến thức những bài học đã dạy trên internet và truyền hình.

Sau đó các nhà trường sẽ tổ chức làm các bài kiểm tra định kỳ, học kỳ. Việc này để đảm bảo thời gian năm học cũng như chương trình và trang bị cho học sinh đủ kiến thức để theo học các năm học tiếp theo”.

Từ chia sẻ của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, chúng tôi cảm thấy băn khoăn. Bởi thực tế thì học sinh cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông hiện nay đang thực hiện việc kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 58 của Bộ Giáo dục nên có quá nhiều áp lực, nhất là trong thời điểm học kỳ II của năm học này.

Bởi, đến thời điểm bây giờ học sinh phổ thông trên cả nước đang nghỉ học, thời gian ấn định cho năm học này là sẽ kết thúc vào trước ngày 15/7 tới đây. Với tình hình hiện nay, có lẽ trong tháng 4 này thì học sinh khó có thể đồng loạt đi học trở lại. Nếu đầu tháng 5 học sinh đi học trở lại thì chỉ còn hơn 2 tháng trời học tập.

Bộ cần có những thay đổi mạnh tay trong khoảng thời gian còn lại trong năm học ảnh 2Công nhận kết quả dạy qua truyền hình, internet, Bộ cần sửa gấp Thông tư 58

Trong khi, Bộ đã chủ trương tinh giản chương trình từ 5-7 tuần học. Vậy nếu không bỏ bớt đi những bài kiểm tra định kỳ thì khoảng thời gian này học sinh chỉ có kiểm tra hay sao? Bởi, chỉ riêng môn Ngữ văn có từ 5-7 bài kiểm tra định kỳ, 3-4 bài kiểm tra thường xuyên mà học sinh phổ thông thì lớp nào cũng có hơn 10 môn học!

Việc ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: “Học sinh ngừng đến trường nhưng không ngừng việc học” là cách nói…cho vui chứ thực tế không hẳn là vậy. Những em lớp 12 còn lo lắng cho kỳ thi phía trước chứ những lớp còn lại có bao nhiêu học sinh tự học?

Không biết lãnh đạo Bộ dựa vào đâu để nhận định như vậy, Bộ đánh giá bằng công cụ và tiêu chí nào? Các trường học vẫn đang chủ trương là triển khai dạy còn học sinh học đến đâu thì học bởi thực tế Bộ cũng như các cấp ở cơ sở có kiểm soát được việc học của học trò đâu. Nhiều học sinh học trên lớp còn không học chứ nói gì đến chuyện tự học ở nhà!

Không bỏ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia                           

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cho biết là Bộ sẽ không bỏ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, vì theo ông: “Ngay cả thi tốt nghiệp cũng không thể bỏ vì thi tốt nghiệp là để đánh giá cả giai đoạn học phổ thông. Việc này hết sức quan trọng.

Với tình hình như hiện nay việc tổ chức kỳ thi vẫn còn có cơ hội để thi. Bởi vì từ nay đến tháng 8 mới thi. Chính vì thế học sinh phải nỗ lực học tập theo hướng dẫn của các thầy cô”.

Chúng tôi cho rằng bỏ hay không bỏ nằm trong quyền tự quyết của Bộ. Dù biết rằng không bỏ cũng có những ưu điểm riêng nhưng trong tình hình thực tế hiện nay mà Bộ vẫn nhất quyết tổ chức kỳ thi này là điều khiên cưỡng vô cùng.

Thời gian tổ chức kỳ thi quốc gia được điều chỉnh vào ngày 8 đến ngày 11/8 là thời điểm mà miền Trung, miền Bắc đang bước vào giữa mùa hè nắng gay gắt. Gần 1 triệu học sinh phải lao vào học, ôn thi trong thời điểm này có phải là phương án khả thi không?

Tại sao Bộ không tạo ra hành lang pháp lý để đề nghị công nhận xét tốt nghiệp cho học sinh lớp 12? Nó vừa giảm được áp lực cho ngành, cho học trò mà đỡ được hàng trăm tỉ đồng cho ngân sách nhà nước, các địa phương và phụ huynh. Thi mà năm nào cũng trên 90%, thậm chí gần ngưỡng 100% đậu tốt nghiệp thì xét cũng có thể làm được những con số tương tự như thế này.

Bộ cần quyết đoán và mạnh tay hơn.

Chúng tôi cho rằng việc phải điều chỉnh các kế hoạch vĩ mô của ngành trong lúc này là cần thiết để phù hợp với thực tế. Dù biết rằng trong lúc này thì không có kế hoạch nào có thể hoàn hảo được nhưng phải xét đến cái nào lợi hơn cho ngành, cho học trò thì Bộ nên thực hiện.

Vì thế, chúng tôi tiếp tục đề xuất các vấn đề sau:

Thứ nhất: tinh giản hẳn một số bài học tương đương với dự kiến của Bộ là 5-7 tuần. Không nên tinh giản một vài đơn vị kiến thức trong mỗi bài học để vẫn giữ nguyên vẹn các bài như hiện hành. Tinh giản như vậy vẫn gây áp lực mà thực tế học sinh cuối cấp vẫn phải học tập bình thường mới có thể thi được.

Thứ hai: khi học sinh trở lại học tập bình thường thì các bài kiểm tra định kỳ nên tinh giản bớt theo tinh giản chương trình học, chỉ nên cho học sinh làm những bài kiểm tra quan trọng và bài kiểm tra học kỳ. Đương nhiên, Bộ phải tính đến việc điều chỉnh Thông tư 58 trong năm học này cho phù hợp.

Thứ ba: Bộ nên mạnh dạn bỏ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia trong năm nay hoặc chí ít là miễn thi cho những học sinh lớp 12 không có nguyện vọng xét tuyển đại học sẽ lợi hơn việc tổ chức một kỳ thi cho gần 1 triệu học sinh trong tháng 8 tới đây. Những học sinh không có nguyện vọng xét tuyển đại học thì các em cũng không thiết tha để học, ôn thi, tham gia kỳ thi này làm gì.

Việc ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng: “thi tốt nghiệp là để đánh giá cả giai đoạn học phổ thông” thì cũng giống như học sinh Tiểu học, học sinh Trung học cơ sở hiện nay Bộ cũng có tổ chức kỳ thi đâu mà 2 cấp học này vẫn đánh giá được và công nhận tốt nghiệp?

Nếu bỏ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia thì giao việc tuyển sinh đại học cho các trường đại học tự chủ- họ sẽ có phương án tuyển sinh riêng theo tiêu chí của từng trường.

Thứ tư: Bộ nên định hướng phương án tuyển sinh 10 năm nay ở các đại phương cần tinh gọn nhưng vẫn có thể đảm bảo được chất lượng. Đó là, những địa phương tổ chức thi chỉ cần tổ chức 2 môn hoặc tối đa là 3 môn, bỏ hẳn môn thứ tư. Những địa phương có ít thí sinh dự thi thì chỉ nên tổ chức thi tuyển khối với trường chuyên, các trường còn lại nên mạnh dạn xét tuyển bằng học bạ.

Trong lúc này, không phải là lúc Bộ cứ khư khư giữ những kế hoạch đã lên từ đầu năm học và những quy định đã có trước đây. Dịch bệnh đã và đang làm thay đổi tất cả và đương nhiên ngành giáo dục cũng phải thay đổi cho phù hợp với thực tế.

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/van-con-co-hoi-to-chuc-thi-trung-hoc-pho-thong-quoc-gia-post208190.gd

NHẬT DUY