Bộ Giáo dục đào tạo và giáo viên ở Đức

24/09/2017 13:14
Bài, ảnh: Đinh Tuyết Mai
(GDVN) - Kết quả điều tra thống kê ở những người có trình độ đại học ở Đức đã chứng minh: giáo viên là một nghề có chỗ làm việc chắc chắn và có cuộc sống ổn định nhất.

LTS: Tiếp tục chia sẻ về nền giáo dục tại Đức, nhà giáo Đinh Tuyết Mai từ Cộng hòa Liên bang Đức gửi đến độc giả bài viết về chế độ dành cho giáo viên tại đây.

Đồng thời, tác giả cũng cung cấp những thông tin về chính sách của Bộ Giáo dục Cộng hòa Liên bang Đức trong việc giải quyết các bài toán giáo dục hóc búa mà họ gặp phải.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo điều tra thống kê mới nhất, vào năm học 2015 - 2016 trên toàn nước Đức có 795.479 giáo viên.

Các thầy cô giáo được đào tạo chính qui từ các trường đại học với trình độ khác nhau và có nhiệm vụ trang bị kiến thức cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12.

Sinh viên khoa sư phạm nhận bằng Master tại Trường Đại học Tổng hợp
Sinh viên khoa sư phạm nhận bằng Master tại Trường Đại học Tổng hợp

Mức thu nhập của giáo viên:

Tùy theo từng tiểu bang, các thầy cô giáo được nhận lương hằng tháng khác nhau.

Giáo viên trường trung học chất lượng cao (Gymnasium) được nhận lương cao hơn giáo viên trung học cơ sở và tất nhiên, mức lương cho giáo viên tiểu học thấp hơn giáo viên trung học cơ sở.

Mức lương trung bình hiện hành của giáo viên mỗi tháng (tiền Euro) như sau:

Tiu bang

Mức lương (trước thuế)

Ghi chú

Baden-Württemberg

3.804

Tây Đức cũ

Bayern

3.247

Tây Đức cũ

Thủ đô Berlin

3.274

Đông và Tây

Brandenburg

2.697

Đông Đức cũ

Bremen

3.353

Tây Đức cũ

Hamburg

3.657

Tây Đức cũ

Hessen

3.986

Tây Đức cũ

Mecklenburg-Vorpommern

2.622

Đông Đức cũ

Niedersachsen

3.195

Tây Đức cũ

Nordrhein-Westfalen

3.470

Tây Đức cũ

Rheinland-Pfalz

3.432

Tây Đức cũ

Saarland

3.256

Tây Đức cũ

Sachsen

2.726

Đông Đức cũ

Sachsen-Anhalt

2.668

Đông Đức cũ

Schleswig-Holstein

3.081

Tây Đức cũ

Thüringen

2.769

Đông Đức cũ

Kết quả điều tra thống kê về “sự an toàn nơi làm việc” cho những người có trình độ đại học ở Đức đã chứng minh: giáo viên là một nghề có chỗ làm việc chắc chắn và có cuộc sống ổn định nhất.

Thời gian làm việc và quyền lợi nghỉ phép của giáo viên: (Theo báo cáo của ông Josef Kraus, Chủ tịch Liên hiệp hội giáo viên Đức):

1) Nếu chỉ đơn thuần nhìn số giờ giảng dạy hằng ngày của giáo viên (từ 8 đến 13 giờ), rất nhiều người hiểu nhầm rằng các thầy cô phải làm việc chỉ có nửa ngày.

Thực tế, số thời gian giảng dạy trên lớp chỉ chiếm 50% thời gian làm việc của giáo viên.

50% thời gian còn lại, giáo viên phải chuẩn bị bài giảng, chữa bài hoặc chấm bài cho học sinh, thảo luận cùng đồng nghiệp, tư vấn cho phụ huynh và học sinh v.v.

Ngoài ra, họ còn cần nhiều thời gian đề chuẩn bị cho các hoạt động ngoại khóa của lớp hoặc của trường, phần lớn hoạt động ngoại khóa được tiến hành vào những ngày cuối tuần hoặc buổi tối.

2) Thời gian nghỉ phép của giáo viên:

Tổng cộng tất cả các kỳ nghỉ của học sinh trong một năm là 3 tháng. Trong đó, 6 tuần nghỉ hè; số còn lại là các kỳ nghỉ từ 10 đến 14 ngày như lễ phục sinh, lễ giáng sinh và một vài ngày nghỉ ngắn khác.

Nhiều người thắc mắc: giáo viên cũng được nghỉ 3 tháng/ năm??? Thực tế, các thầy cô giáo chỉ được nghỉ phép 6 tuần vào kỳ nghỉ hè của học sinh, tương đương như các ngành nghề khác (30 ngày/ năm).

Các kỳ nghỉ khác, giáo viên phải chuẩn bị nội dung các bài tập, bài kiểm tra, bài thi cuối học kỳ, cuối năm, nhận xét, ghi học bạ cho học sinh và đặc biệt là tham dự các khóa học bồi dưỡng thêm về chuyên môn...

Giáo viên tham dự khóa học bồi dưỡng chuyên môn.
Giáo viên tham dự khóa học bồi dưỡng chuyên môn.

3) Tình trạng sức khỏe của giáo viên:

Nghề giáo là một nghề bị áp lực tinh thần lớn nhất.

Trong vòng 10 năm gần đây, ở Đức đã tiến hành đề tài nghiên cứu “sức khỏe và nghề nghiệp” với sự tham gia của: Giáo sư Bauer/Uni Freiburg, Giáo sư Schaarschmidt/Uni Potsdam, Giáo sư Szadkowski/Uni Hamburg, Giáo sư Scheuch/TU Dresden, Giáo sư Müller-Limmroth/TU München. (Uni: đại học tổng hợp; TU: đại học kỹ thuật tổng hợp).

Kết quả điều tra đã chứng minh rõ: trong tổng số người về hưu sớm, mất sức sau hơn 30 năm làm việc, nhóm giáo viên chiếm tỷ lệ cao nhất.

Là một nước công nghiệp phát triển, mức thu nhập tính theo đầu người cao, các phương tiện giao thông, sinh hoạt, tiện nghi và hiện đại…, ở Đức, mỗi học sinh đều có phòng riêng, có máy tính riêng.

Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng: cha mẹ khó kiểm tra và giám sát con cái hằng ngày.

Bộ Giáo dục đào tạo và giáo viên ở Đức ảnh 3

Nước Đức đào tạo sư phạm như thế nào?

Mặt khác nữa, công nghiệp điện tử, viễn thông càng phát triển nhanh thì học sinh cũng bị nhiều chi phối phụ: dựa dẫm vào thiết bị điện tử, lười suy nghĩ hơn, mất nhiều thời gian cho các trò chơi điện tử, giảm thời gian học tập và còn nhiều biểu hiện tiêu cực khác...

Trong khi đó chất lượng giảng dạy và đào tạo của nhà trường không thay đổi, thậm chí còn đòi hỏi cao hơn.

Mâu thuẫn này là nguyên nhân chính gây ra áp lực lớn cho giáo viên.

Ngoài 55 tuổi, nhiều thầy cô giáo hay bị đau đầu, mất ngủ, sức khỏe giảm sút nhanh… Chính vì vậy, lương hưu của giáo viên có thêm “hệ số sư phạm”.

Bộ Giáo dục đào tạo hỗ trợ giáo viên tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn:

Từ năm 2008, Bộ Giáo dục đào tạo đã ban hành qui định trợ cấp kinh tế cho giáo viên tình nguyện tiếp tục bồi dưỡng chuyên môn trên toàn lãnh thổ Đức.

Tiền trợ cấp tối đa cho một giáo viên: 500 Euro/ năm. Đối tượng được nhận trợ cấp là những giáo viên có tổng thu nhập gia đình thấp.

Mỗi người được phép xin trợ cấp 2 năm. Điều kiện để được trợ cấp là: khóa học bồi dưỡng chuyên môn mà giáo viên muốn tham gia, phải có ít nhất 15 giờ/ tuần.

Mỗi giáo viên có thể tự lựa chọn và đăng ký học các khóa bồi dưỡng phù hợp với chuyên môn của mình.

Thời gian bồi dưỡng chuyên môn được tính như thời gian làm việc và giáo viên được hưởng lương như bình thường.

Sau khi được bồi dưỡng, giáo viên sẽ được cấp “chứng chỉ” để nộp cho nhà trường. Qua đó, chất lượng giảng dạy của họ sẽ tốt hơn.

Kết quả tiếp theo nữa là: có thể họ sẽ được bổ nhiệm chức vụ cao hơn hoặc sẽ được tăng lương…

Ngày nhập trường của sinh viên cho cấp đào tạo giáo viên Gymnasium, năm học 2015 - 2016
Ngày nhập trường của sinh viên cho cấp đào tạo giáo viên Gymnasium, năm học 2015 - 2016

Chính phủ và Bộ Giáo dục đào tạo phải “phòng bệnh hơn chữa bệnh”:

Ngạn ngữ “phòng bệnh hơn chữa bệnh” cũng có ở Đức, đòi hỏi các chính trị gia, những người được dân bầu ra để lãnh đạo, điều hành từng ngành của một quốc gia - phải thường xuyên liên kết chặt chẽ, đồng bộ với nhau, để có tầm nhìn xa, xây dựng được chiến lược đúng đắn và kịp thời.

Qua đó sẽ ngăn chặn được các hậu quả xảy ra.

Nặng nề hơn nữa là “sai một ly, đi một dặm”, những hậu quả này sẽ rất khó khắc phục, sửa chữa và sẽ đòi hỏi rất nhiều về chi phí và thời gian…

Hiện nay, nước Đức đang đứng trước tình trạng dân số tăng trưởng đột ngột, khách quan bất ngờ, đặc biệt là sự tăng trưởng của trẻ em.

Nguyên nhân thứ nhất: Từ năm 2015 đến 2017, số trẻ sơ sinh trên lãnh thổ Đức tăng nhanh chưa từng có, tính từ năm 2000.

Số lượng trẻ sơ sinh tăng đến 738.000 em. Đây là nguyên nhân chủ quan, rất đáng mừng và được Nhà nước ưu tiên, khuyến khích.

Bộ Giáo dục đào tạo và giáo viên ở Đức ảnh 5

Giáo dục ở trường trung học cơ sở tại Cộng hòa liên bang Đức

Nguyên nhân thứ hai: Người tị nạn đến từ các nước đạo hồi từ châu Á và các nước Bắc Phi: hoặc là họ đến toàn bộ gia đình (với 2 đến 5 trẻ em), hoặc là các trẻ em 12 – 16 tuổi vượt biển không có cha mẹ, xin tị nạn.

Theo số liệu thống kê mới nhất, số người đến Đức nộp đơn xin tị nạn như sau: năm 2013: 127.023; năm 2014: 202.834; năm 2015: 476.649; năm 2016: 745.545 và từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2017: 129.903 người.

Nguyên nhân khách quan này là một vấn đề xã hội phức tạp, nan giải và rất khó giải quyết.

Gần 2 triệu người gia tăng này là một gánh nặng khổng lồ cho nền kinh tế, chính trị và giáo dục đào tạo của Đức.

Nếu không giải quyết kịp thời, nước Đức sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu giáo viên và chỗ học cho trẻ em trong thời gian tới.

Chính phủ Đức, Bộ Giáo dục đào tạo, từ năm 2015, đã tiến hành kịp thời một đề tài nghiên cứu, để tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và thiếu chỗ học cho trẻ em.

Đề tài mang tên “Bertelsmann-Studie”. Kết quả nghiên cứu thống kê được đưa ra như sau:

Về số lượng học sinh: Trên toàn nước Đức vào năm 2025, số lượng học sinh sẽ nhiều hơn so với năm 2013 là 1,1 triệu.

Như vậy, đòi hỏi phải có đủ giáo viên và lớp học cho các em trong khoảng 5 - 6 năm tới cho số trẻ gia tăng này.

Về số lượng giáo viên: Đến năm 2025, nước Đức cần có thêm 3.325 giáo viên tiểu học và đến năm 2030, sẽ phải bổ sung thêm ít nhất là 8.000 giáo viên từ tiểu học đến Gymnasium.

Đây là một “bài toán hóc búa” phải giải đáp nhanh trong thời gian sắp tới đối với chính trị gia của các bộ, các ngành có liên quan tại Cộng hòa liên bang Đức.

Ngày nhập trường của sinh viên cho cấp đào tạo giáo viên tiểu học, năm học 2015 - 2016
Ngày nhập trường của sinh viên cho cấp đào tạo giáo viên tiểu học, năm học 2015 - 2016

Bộ Giáo dục đào tạo Đức đã giải quyết “bài toán hóc búa” này thế nào?

1) Để có đủ giáo viên trong tương lai, Bộ Giáo dục đào tạo đã yêu cầu các tiểu bang lên kế hoạch tăng số lượng sinh viên ngành sư phạm hằng năm trên toàn nước Đức từ năm học 2015 - 2016. Bước đầu là giáo viên tiểu học…

2) Để có đủ phòng học, Bộ Giáo dục đào tạo đã làm việc với Bộ Xây dựng, ngành xây dựng công trình xã hội, để lập kế hoạch từng bước, bước đầu - khẩn cấp nhất là mở rộng phòng học ở các trường tiểu học…

3) Khâu quan trọng nhất là kinh phí: “Bertelsmann-Studie” đã đưa ra số liệu về tài chính như sau: hằng năm, Nhà nước phải chi thêm 4,7 tỷ Euro để giải quyết bài toán này.

Dự tính kinh phí này đã được đệ trình kịp thời lên Bộ Kế hoạch tài chính…

Ngày nhập trường của sinh viên cho cấp đào tạo giáo viên trung học cơ sở, năm học 2015 - 2016
Ngày nhập trường của sinh viên cho cấp đào tạo giáo viên trung học cơ sở, năm học 2015 - 2016

Tiểu bang gương mẫu nhất đã giải bài toán này là Baden-Wuertemberg: vào năm học 2015 - 2016, số lượng sinh viên đại học sư phạm (cấp đào tạo giáo viên tiểu học) được tăng 30%.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo của tiểu bang đã lập tức gửi công hàm yêu cầu Bộ Tài chính giải quyết chi phí gia tăng này…

Nếu các bộ chủ quản có liên quan, kết hợp làm việc đồng bộ và có kế hoạch hợp lý, chắc chắn nước Đức sẽ không để xảy ra khủng hoảng thiếu giáo viên và phòng học cho học sinh trong thời gian sắp tới.

Bài, ảnh: Đinh Tuyết Mai