Bộ Giáo dục không biên soạn một bộ sách giáo khoa sẽ có nhiều cái lợi

19/05/2020 06:38
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Suy cho cùng, việc Bộ không biên soạn bộ sách giáo khoa riêng không phải là một thất bại mà nó mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho các Nhà xuất bản.

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội thì Bộ Giáo dục sẽ chủ trì biên soạn một bộ sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thế nhưng, vì nhiều lý do khác nhau nên đến thời điểm này Bộ đã chính thức “xin rút”.

Việc Bộ không thực hiện biên soạn một bộ sách giáo khoa thực tế nó sẽ mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho các Nhà xuất bản và cũng là cách để xã hội hóa bộ sách giáo khoa được thuận lợi hơn.

Suy cho cùng, Bộ chỉ nên quản lý về cơ chế, chính sách còn việc thực hiện bộ sách giáo khoa lúc này có lẽ đã không còn cần thiết nữa khi mà hiện tại đã có tới 5 bộ sách giáo khoa mới.

Bộ Giáo dục đã chính thức xin rút việc thực hiện bộ sách giáo khoa riêng (Ảnh nguồn Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam)

Bộ Giáo dục đã chính thức xin rút việc thực hiện bộ sách giáo khoa riêng

(Ảnh nguồn Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam)

Chiều ngày 16/5/2020 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện, triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Theo đó, Nghị quyết 88 của Quốc hội cho phép thực hiện một chương trình và nhiều sách giáo khoa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông.

Và, Bộ Giáo dục sẽ tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn.

Tuy nhiên, sau nhiều lần thông báo tuyển chọn tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa của Bộ đã không thành công vì Bộ không tuyển đủ người. Chính vì thế, Bộ đã lên tiếng xin không thực hiện bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội đã yêu cầu.

Suy cho cùng, việc Bộ không biên soạn bộ sách giáo khoa riêng không phải là một thất bại mà nó còn mở ra nhiều cơ hội cạnh tranh bình đẳng cho các Nhà xuất bản khác nhau.

Vì sao Bộ không tuyển chọn đủ tác giả để biên soạn một bộ sách giáo khoa riêng?

Nếu độc giả theo dõi sự việc này trên giaoduc.net.vn trong thời gian qua sẽ thấy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Chuyện Bộ không biên soạn bộ sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 đã được đề cập, phân tích khá nhiều.

Bộ Giáo dục không biên soạn một bộ sách giáo khoa sẽ có nhiều cái lợi ảnh 2Sách giáo khoa cứ để xã hội hóa, Bộ không nên làm nữa

Làm một bộ sách giáo khoa vẫn được xem là một công việc vất vả và phải là những chuyên gia, nhà giáo có nhiều kinh nghiệm mới có thể thực hiện được.

Thế nhưng, ngay từ khi công bố Chương trình tổng thể thì một số Nhà xuất bản đã nhanh tay ký hợp đồng với số đông tác giả có kinh nghiệm viết sách giáo khoa.

Điều này đã được Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời trước Quốc hội vào tháng 5/2019 như sau: “Phương án trực tiếp tuyển chọn tác giả biên soạn bộ sách giáo khoa không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.

Bởi, hầu hết các tác giả có khả năng viết sách giáo khoa đều đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu việc biên soạn từ năm 2018 khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được công bố để xin ý kiến.

Nhân sự trong việc biên soạn như biên tập viên, họa sĩ trình bày cũng thuộc biên chế của các Nhà xuất bản nên không thể tham gia với Giáo dục và Đào tạo

Trong đó, phải kể đến bộ sách Cánh Diều của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh và Công ty Cổ phần Đầu tư Xuất bản Thiết bị Giáo dục Việt Nam (VEPIC) phối hợp thực hiện.

Họ đã mời được 41/56 thành viên Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tham gia viết bộ sách giáo khoa cho mình.

Số những thành viên còn lại của Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và phần lớn những tác giả có khả viết sách giáo khoa thì đã đầu quân cho Nhà xuất bản Gáo dục Việt Nam để viết thêm 4 bộ sách giáo khoa khác.

Vì thế, nếu bây giờ Bộ thực hiện thêm một bộ sách giáo khoa nữa thì chắc chắn một điều việc xuất bản cũng sẽ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đảm nhận. Trong khi, đơn vị này lại đang do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý.

Bộ không làm sách sẽ hay hơn

Bộ Giáo dục không biên soạn một bộ sách giáo khoa sẽ có nhiều cái lợi ảnh 3Kế hoạch biên soạn bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục đã bị phá sản hoàn toàn

Theo trình bày của lãnh đạo Bộ Giáo dục thì Bộ không tuyển được người để biên soạn sách giáo khoa nhưng rõ ràng chúng ta thấy từ đầu là Bộ cũng có phần lừng khừng…

Khi các thành viên của Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 viết Chương trình tổng thể, Chương trình môn học cho Bộ nhưng cuối cùng họ lại không ký hợp đồng với Bộ mà ký hợp đồng viết sách cho các Nhà xuất bản.

Nếu Bộ chủ tâm, chủ động thực hiện từ đầu thì có lẽ các thành viên này khó ký hợp đồng với các đơn vị khác được. Thành ra, Chương trình thì họ viết cho Bộ nhưng sách giáo khoa lại viết cho đơn vị khác.

Nhưng, nó lại có nhiều cái hay bởi sau này Bộ chỉ tập trung cho việc chỉ đạo thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa đã được xã hội hóa rồi.

Kinh phí 16 triệu USD không phải dùng đến mà cái quan trọng là thuận tiện cho các địa phương lựa chọn sách giáo khoa trong tương lai.

Công việc tập huấn cho giáo viên để thay đổi chương trình cũng sẽ do các Nhà xuất bản đảm nhận chính để họ có thể quảng bá và kinh doanh sách giáo khoa của mình.

Bộ cũng không phải chịu những lời thị phi từ xã hội cho việc phát hành sách, chỉ đạo chuyên môn hay công việc ra đề cho các kỳ thi chung.

Khi xã hội hóa bộ sác giáo khoa, dù người tiêu thụ phải chấp nhận giá cả thị trường nhưng tất nhiên các Nhà xuất bản phải đảm bảo được các tiêu chí tốt nhất thì mới có thể cạnh tranh được với nhau.

Từ đó, nội dung, chất lượng sách sẽ được đầu tư tốt hơn so với bộ sách giáo khoa hiện hành và tất nhiên các thầy cô giáo và học sinh cũng có nhiều thuận lợi hơn trong giảng dạy và học tập từ các bộ sách giáo khoa xã hội hóa.

THANH AN