Bộ Giáo dục trao đổi lại những ý kiến của ĐBQH nêu tại nghị trường Quốc hội

05/06/2023 16:15
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ GD&ĐT vừa có văn bản trao đổi lại với ý kiến của Đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận về kinh tế-xã hội ngày 01/6/2023.

Cụ thể, tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 ngày 01/6/2023 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn Đà Nẵng) đã có ý kiến phát biểu về một số nội dung liên quan đến ngành giáo dục; nội dung trao đổi đề cập đến một số vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai thực hiện, được cử tri và xã hội quan tâm.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận yêu cầu làm rõ ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản trao đổi lại như sau:

Thứ nhất, ý kiến của Đại biểu: "Về những sai phạm ở Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (doanh nghiệp trực thuộc Bộ, phải xử lý hình sự có phần trách nhiệm của cơ quan chủ quản (tức Bộ Giáo dục và Đào tạo).”

Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau: Trong hơn 60 năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam được giao nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn và phát hành các loại sách giáo khoa và các xuất bản phẩm giáo dục, phục vụ giảng dạy, học tập của các ngành học, bậc học trong cả nước.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có nhiều đóng góp với ngành giáo dục, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã có sai phạm của một số đơn vị và cá nhân.

Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn

Ảnh minh hoạ: giaoduc.net.vn

Trong năm 2021 và năm 2022, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban kiểm tra Trung ương, Đảng ủy khối Cơ quan Trung ương đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và đã có kết luận về những sai phạm của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong giai đoạn trước đó.

Một số đơn vị và một số cá nhân của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bị xử lý kỷ luật. Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đang tiếp tục điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hiện nay đang tập trung in ấn và phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước khi bắt đầu năm học mới. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam vừa phối hợp tốt với cơ quan chức năng để làm rõ mọi vấn đề theo quy định, vừa phải vượt qua khó khăn, thực hiện mọi biện pháp để tổ chức in ấn, phát hành sách giáo khoa, bảo đảm đủ sách giáo khoa cho học sinh trước khi bắt đầu năm học 2023–2024.

Thứ hai, ý kiến của Đại biểu: "Về sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới. Tuy chia sẻ với khó khăn của Bộ và ngành giáo dục, nhưng tôi cho rằng thái độ của Bộ và các nhà xuất bản trong và tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng, dư luận không đồng tình. Hiện nay hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các nhà xuất bản và Bộ trả lời”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau: Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng cảm ơn các Đại biểu Quốc hội và cử tri đã luôn quan tâm, có nhiều ý kiến góp ý, phản biện, đặt ra nhiều câu hỏi, vấn đề cần giải quyết của ngành giáo dục.

Những câu hỏi, vấn đề mà Đại biểu Quốc hội, cử tri nêu ra có tác dụng rất lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Với sự trân trọng và tinh thần cầu thị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản trả lời tất cả ý kiến của Đại biểu Quốc hội, cử tri gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong số đó có nhiều ý kiến về chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Đối với các ý kiến của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời đầy đủ các phiếu chất vấn gửi đến Bộ trưởng. Gần đây nhất, ngày 19/5/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn số 2291/BGDĐT-KHTC trả lời chất vấn của Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy về các vấn đề liên quan đến tiến độ cung cấp sách giáo khoa, việc lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương và các vấn đề liên quan đến năm học mới.

Trước một vài hạn chế, thiếu sót trong sách giáo khoa được dư luận phản ánh, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn chỉ đạo các nhà xuất bản giải trình, tiếp thu các ý kiến xác đáng được phản ánh; tổ chức rà soát nội dung sách giáo khoa, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo những nội dung cần chỉnh sửa, trình Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa xem xét, thông qua theo đúng quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.

Khi tiếp nhận báo cáo của các Nhà xuất bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung được phản ảnh. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung quy trình biên soạn, thẩm định để nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Tiếp thu ý kiến của Đại biểu liên quan đến việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa ở các địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện nghiêm theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 08 đoàn thanh tra về quá trình các tỉnh, thành phố lựa chọn sách giáo khoa.

Kết quả thanh tra cho thấy việc lựa chọn sách giáo khoa tại các địa phương đã cơ bản được tổ chức thực hiện đúng theo quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các Nhà xuất bản đã cầu thị, lắng nghe các ý kiến cử tri, ý kiến nhân dân và Đại biểu Quốc hội để làm cho việc biên soạn, thẩm định và phát hành sách giáo khoa ngày càng được tốt hơn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Thứ ba, ý kiến của Đại biểu: “Một số trường hợp được trả lời thì không đúng thực tế. Ví dụ, trong văn bản trả lời chất vấn của tôi, Bộ trưởng khẳng định Nhà xuất Bản Giáo dục Việt Nam đã thu hồi để sửa chữa 110.000 cuốn, đồng thời hủy và in lại 38,000 cuốn sách Khoa học tự nhiên lớp 6 của Bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Nhưng theo phản ánh của giáo viên nhiều trường thì sách chưa được thay bằng sách mới. Muốn biết thông tin nào đúng, thông tin nào sai, chỉ cần kiểm tra hồ sơ thẩm định sách là rõ. Nếu sách được sửa chữa thì việc sửa chữa diễn ra vào thời gian nào. Quyết định thành lập Hội đồng thẩm định và biên bản của Hội đồng thẩm định quyết định phê duyệt của Bộ trưởng có hay không?”

Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau: Việc chỉnh sửa sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên lớp 6 (Kết nối tri thức với cuộc sống) của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT.

Khi phát hiện có một số nội dung cần chỉnh sửa ở 3 trang (157, 160, 189), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có báo cáo để xin ý kiến Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa thông qua (biên bản gửi kèm). Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đã thu hồi để sửa chữa hơn 110.000 cuốn, hủy sửa in lại 38.000 cuốn (gửi kèm Báo cáo số 1867/BC-NXBGDVN ngày 06/8/2021).

Việc thu hồi để thay 3 trang sách có nội dung chỉnh sửa được thực hiện khi sách còn đang trong quá trình lưu kho và vận chuyển, chưa được phát hành rộng rãi đến học sinh, giáo viên; việc huỷ sửa in lại được thực hiện ngay trong quá trình in ấn chưa đóng quyển bằng cách hủy các bản in có chứa các trang phải chỉnh sửa để in lại và đóng quyển. Vì vậy không có việc phải đổi sách giáo khoa cho giáo viên, học sinh đã mua sách.

Thứ tư, ý kiến của Đại biểu: "Trong thư trả lời chất vấn mới đây của tôi, Bộ trưởng tái khẳng định ý kiến của đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng vào chiều ngày 10/5/2023. Tính đến ngày 30/4/2013, tỷ lệ in sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 4, 8, 11 đạt 79%, trong khi đó trên thực tế ngày 5/5/2023, nhà xuất bản này mới có công văn mời thầu in sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Đà Nẵng. Thời gian mở thầu là 9 giờ ngày 21/5/2023. Như vậy, có nghĩa là số lượng 79% sách giáo khoa mà Nhà xuất bản báo cáo với Phó Thủ tướng đã được in trước khi đấu thầu”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau: Tại Công văn số 2291/BGDĐT-KHTC, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời chất vấn Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy không có nội dung như ý kiến Đại biểu đã nêu tại Hội trường ngày 01/6/2023 (gửi kèm văn bản).

Ngày 10/5/2023, trong cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì với sự tham dự của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, Ngành, có các phóng viên báo chí dự công khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị tài liệu báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, tài liệu phát cho tất cả đại biểu dự họp và phóng viên báo chí (gửi kèm báo cáo). Tài liệu báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cập tới kế hoạch in ấn và phát hành sách giáo khoa lớp 4, 8, 11. Để kịp tiến độ in và có sách trước khai giảng năm học 2023-2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dự kiến kế hoạch in sách giáo khoa lớp 4, 6, 11 với số lượng tương ứng 79% kế hoạch in dự kiến để lựa chọn nhà cung cấp và dự kiến việc in sách giáo khoa sẽ hoàn tất trước ngày 30/6/2023.

Như vậy số lượng in 79% trong báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo là số liệu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để lại chọn nhà thầu, in so với dự kiến kế hoạch phát hành sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 cho năm học 2023-2024. Đây không phải con số đã in.

Thông tin mà Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu tại Hội trường ngày 01/6/2023 không có trong văn bản chuẩn bị cho cuộc họp cũng như trong nội dung phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp.

Thứ năm, ý kiến của Đại biểu: "Tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, của nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn sách giáo khoa mà báo chí thường phản ánh bắt nguồn từ Thông tư số 25 ngày 26/8/2020 của Bộ hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa."

Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau: Khi xây dựng Thông tư số 25/2020 TT-BGDĐT, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất thận trọng thực hiện theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xin ý kiến rộng rãi nhân dân, các Sở Giáo dục và Đào tạo.

Việc lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT được thực hiện cơ bản không có khó khăn, vướng mắc. Trong 63 báo cáo của Ủy ban nhân tỉnh/thành phố báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết 51/2017/QH14 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi về đoàn giám sát của Quốc hội chỉ có 05 tỉnh/thành phố có kiến nghị, đề xuất liên quan đến lựa chọn sách giáo khoa, các ý kiến chủ yếu tập trung vào đề xuất ban hành văn bản hướng dẫn chi trả kinh phí lựa chọn sách giáo khoa, tăng thời gian đọc bản mẫu sách giáo khoa trước khi họp Hội đồng.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thực hiện nghiêm túc quy định tại khoản 4 Điều 8 Thông tư 25 bảo đảm công tâm, khách quan, minh bạch, tôn trọng ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục; đặc biệt lưu ý đối với các sách giáo khoa có nhiều cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn trước khi tổ chức bỏ phiếu kín lựa chọn sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức 8 đoàn thanh tra về việc lựa chọn sách giáo khoa ở một số địa phương. Qua quá trình thanh tra, trao đổi, phỏng vấn với giáo viên, tổ trưởng chuyên môn, hiệu trưởng cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo không nhận được phản ánh có sức ép từ cơ quan quản lý cấp trên trong việc lựa chọn sách giáo khoa; phiếu chọn sách giáo khoa của giáo viên tại tổ chuyên môn trùng với danh sách đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp trình Hội đồng lựa chọn cấp tỉnh, trùng với phiếu nhận xét sách giáo khoa của giáo viên. Qua thống kê báo cáo của các địa phương về kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các hội đồng cơ bản theo đề xuất của các nhà trường.

Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa phải thực hiện đúng quy định tại Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT; địa phương nào không thực hiện theo đúng quy định của Thông tư 25 phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo phản ánh của Đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cung cấp thông tin, minh chứng trường hợp sai phạm cho Bộ Giáo dục và Đào tạo để xử lý theo quy định.

Thứ sáu, ý kiến của Đại biểu: “Trong tay tôi đây là bản thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam, là một trong những công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thì chỉ chưa đầy 2 năm, công ty này đã chi gần 100 tỷ để phát triển thị trường và tập huấn, không rõ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thanh tra nội dung này chưa. Nếu chúng ta không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tượng chạy chọt, đi đêm trong việc này rồi có ngày hối không kịp giống như vụ Việt Á hoặc như các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiết bị trong chính ngành giáo dục.”

Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến như sau: Công ty Cổ phần đầu tư Phương Nam có 43% vốn điều lệ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam góp vốn. Công ty cổ phần đầu tư Phương Nam là công ty cổ phần, hoạt động theo điều lệ của công ty và theo quy định của pháp luật. Hàng năm đều có kiểm toán độc lập, thanh tra thuế.

Báo cáo về vai trò quản lý của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đối với Công ty Cổ phần Phương Nam đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tại Công văn số 387/BGDĐT-TTr ngày 07/02/2022.

Kết quả về doanh thu, lợi nhuận đều đã được kiểm toán và được thông qua tại Đại hội cổ đông. Các số liệu đều công khai qua báo cáo tài chính. Theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chi phí bán hàng của công ty gồm: lương nhân viên, chi phí thuê kho tàng, văn phòng, khấu hao tài sản cố định, chi phí phát triển thị trường, dịch vụ mua ngoài, chi phí khác. Trong đó, chi phí phát triển thị trường (liên quan đến thù lao báo cáo viên, chi phí tổ chức giới thiệu và tập huấn sách giáo khoa, chi phí tặng sách, phí phát hành khen thưởng sách tham khảo cho các đại lý, công ty sách...) năm 2020 là 29,7 tỉ đồng và năm 2021 là 24,2 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 4,9% và 3,5% so với doanh thu.

Trong thời gian từ năm 2019 tới năm 2022, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ủy ban kiểm tra của Đảng Ủy Khối các cơ quan Trung ương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Hiện nay, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đang tiếp tục điều tra các hoạt động của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra, điều tra theo đúng quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Phạm Minh