Độc giả bàn luận xung quanh câu chuyện thu phí và vấn nạn ùn tắc giao thông:

Bộ GTVT nên phối hợp với Bộ GD đưa kiến thức giao thông thành môn học

21/04/2012 06:33
Độc giả Phan Chí Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội)
(GDVN) - Khi luật giao thông trở thành một môn học, mọi người đều được giáo dục và học kỹ về các kiến thức, luật giao thông ngay từ trên ghế nhà trường thì chắc chắn ý thức tham gia giao thông sẽ được nâng cao, cảnh ùn tắc giao thông chắc chắn sẽ giảm dần...
Xung quanh câu chuyện về giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và phương án đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam.
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Phan Chí Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội) với nội dung hiến kế nhằm chống ùn tắc giao thông gửi đến Bộ trưởng Đinh La Thăng. Mời bạn đọc cùng theo dõi:Việc thu phí giao thônglà khó khả thi? Vài tuần qua, câu chuyện về đề án thu phí giao thông và vấn nạn ùn tắc giao thông đã trở thành đề tài nóng, thu hút sự chú ý, quan tâm của của người dân ở khắp cả nước. Với tôi cũng không nằm ngoài số đó. Sau nhiều ngày theo dõi tin tức về các loại phí mà Bộ GTVT đưa ra và từ thực tế lưu thông trên đường hàng ngày tôi cũng xin được mạn phép đưa ra một số ý kiến đóng góp thể hiện quan điểm cá nhân của mình về vấn đề này. 
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Vnexpress).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Vnexpress).

Trước hết, tôi xin khẳng định ngay, việc thu các loại phí giao thông mà Bộ GTVT đang trình lên Chính phủ là rất khó khả thi trong điều kiện ở nước ta hiện nay? Vì trong thời buổi kinh tế còn khó khăn hiện nay, cơn bão giá vẫn đang ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, thì việc đề xuất thu thêm phí này sẽ tiếp tục là gánh nặng đè lên túi tiền đang bị "viêm màng" của họ.
Thêm vào đó, việc chưa có một lộ trình cho việc thu các loại phí giao thông rõ ràng này cũng làm cho tôi không khỏi nghi ngại. Thực tế cũng đã cho thấy, cứ vấn đề gì dính đến tiền thì thường sẽ xuất hiện không tiêu cực nọ thì tiêu cực kia. Vì thế ở đây trong khi lộ trình chưa rõ ràng mà đã tiến hành thu thì liệu Bộ trưởng Đinh La Thăng có đảm bảo đồng tiền mà người dân đóng sẽ được sử dụng một cách công khai, minh bạch (?). Một vấn đề nữa cũng cần nói lại, đó là hiện nay, để sở hữu, sử dụng một chiếc xe ôtô chạy trên đường, mỗi người dân Việt Nam phải chịu đến gần chục loại thuế và phí. Giá xe ở Việt Nam hiện cao hơn giá xe ở nước nước trên thế giới từ 2 - 3 lần rồi nay lại áp thêm các loại phí này thì có thực sự hợp lý (?).... Thu phí hạn chế phương tiện cá nhân với mục tiêu giảm tắc đường, tôi cho đó là việc không dễ để thực hiện. Bởi trong khi cơ sở hạ tầng giao thông của ta còn thấp kém, đường sá ở các đô thị lớn đa phần là chật hẹp, nhiều đoạn đường rất xấu, phương tiện công cộng thì thiếu và chất lượng phục vụ chưa đảm bảo; chất lượng thi công các công trình cũng còn nhiều điều đáng bàn; ý thức của người tham gia giao thông còn kém; lượng xe sẽ không giảm... thì việc áp thu phí vào lúc này chắc chắn sẽ không đạt được mục tiêu. Đó chính là những lý do, nghi ngại khiến cho tôi đưa ra khẳng định, tôi không ủng hộ đề án thu phí giao thông này. 
Nên đưa môn học kiến thức giao thông vào giảng dạy
trong nhà trường. Từ thực tế tham gia giao thông ở Việt Nam và trao đổi với những người bạn thường xuyên có những chuyến đi nước ngoài. Tôi thấy rằng, trước hết, muốn giảm được ùn tắc giao thông ở nước ta thì việc làm đầu tiên đó là phải nâng cao chất lượng đào tạo lái xe, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Anh bạn tôi mới có dịp sang nước bạn Lào đầu tháng 4 năm 2012 vừa qua, khi trở về đã phải thốt lên rằng, người dân ở thủ đô Viêng Chăn của họ chấp hành giao thông một cách không thể tin nổi. Trên đường phố của họ chủ yếu là ôtô thay vì xe máy như ở ta, bởi lẽ thuế của họ rất thấp, thế nhưng không hề có cảnh chen lấn hay một tiếng còi inh ỏi như ở nước ta. Đường ôtô thì ôtô đi, khi xảy ra tình trạng ùn ứ một lúc thì không thấy cảnh xe này vượt lên xe khác để đi mặc dù làn đường bên cạnh đang rất thoáng. Kết thúc câu chuyện, anh bạn tôi đã khẳng định, đó là do ý thức của người dân nước họ hiểu nếu chí vì muốn nhanh mà lách lên trước thì đã tắc càng thêm tắc khi có xe đi ngược chiều lại với mình.
Nên đưa kiến thức giao thông thành một môn học bắt buộc trong trường phổ thông và đại học (Ảnh minh họa/ Internet)
Nên đưa kiến thức giao thông thành một môn học bắt buộc trong trường phổ thông và đại học (Ảnh minh họa/ Internet)

Từ câu chuyện này tôi thiết nghĩ một nước bạn ngay cạnh chúng ta đã thành công về giao thông được là họ đã giáo dục cho mọi người từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường và khi đi học lấy bằng lái xe thì lại được giáo dục về văn hoá giao thông khi đi trên đường và phải biệt nhuờng nhịn nhau khi tham gia giao thông.
Còn ở nước ta thì sao? Khi đi học lấy bằng xe máy hoặc ôtô thì chỉ dạy qua loa cho nhanh rồi ra xa hình để thực hiện bài thi cho mau rồi lấy bằng lái. Cá nhân tôi cũng tham gia 2 kỳ lấy bằng xe máy và ôtô nên tôi cảm nhận được điều đó, thứ nhất là anh lấy được bằng đấy nhưng khi ra đường anh lại không nắm được các chức năng đi trên đường như thế nào. Đặc biệt vào các giờ cao điểm, khi cảnh ùn ứ bắt đầu xảy ra thì chẳng phương tiện nào chịu nhường nhau dù chỉ là vài chục cm. Phân làn dù đã thực hiện nhưng cái cảnh vô làn vẫn diễn ra thường xuyên rồi cảnh xe máy bạt ngay trước đầu ôtô, quay ngang, quay dọc, nếu xảy ra ùn tắc thì bất kể làn nào, bất kể vỉa hè nào cũng lao lên để cố vượt qua... Đưa ra những dẫn chứng như vậy, tôi mong muốn Bộ GTVT nên cải cách lại giảng dạy để giúp nâng cao ý thức cho từng cá nhân khi tham gia học và lấy bằng lái xe cho từng học viên khi tham gia giao thông. Và cao hơn nữa, tôi xin mạn phép được đề nghị Bộ GTVT nên sớm phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo, đề xuất lên Chính phủ, Quốc hội đưa môn học kiến thức giao thông vào làm môn học bắt buộc tại các trường học từ cấp 1 đến cấp phổ thông và đại học trên cả nước. Khi mọi người đều được giáo dục và học kỹ càng về các kiến thức giao thông thì chắc chắn ý thức tham gia giao thông sẽ được nâng cao, tình hình giao thông của nước ta sẽ có chuyển biến rất tích cực, cảnh ùn tắc chắc chắn sẽ giảm dần. Và khi đó không cần nghĩ đến đánh phí thật cao thì cũng sẽ giải quyết được vấn nạn ùn tắc giao thông đang hết sức cấp bách ở  các đô thị nước ta. Bên cạnh việc nâng cao, tạo lập ý thức tham gia giao thông an toàn, đúng luật cho người dân thì việc đẩy mạnh xây dựng, nâng cấp hạ tầng, kết cấu giao thông ở các đô thị lớn cũng cần được triển khai đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả. Đường đã rộng nhưng hè phải thoáng, việc giải phóng, xóa cảnh lấn chiếm, buôn bán trên lòng đường, vỉa hè ở các tuyến phố trong thành phố là điều cần phải làm ngay hiện nay. Làm được như vậy, chắc chắn sẽ góp phần rất lớn giúp giảm ùn tắc giao thông. Để giảm phương tiện cá nhân thì theo tôi, một biện pháp rất hiệu quả mà các nước đã và đang thực hiện thành công đó là tăng cường đầu tư, phát triển các loại hình phương tiện công cộng như tăng cường đầu xe, tăng tuyến, mở thêm tuyến xe buýt, đẩy nhanh triển khai các hệ thống tàu trên cao, tàu điện ngầm...  Đặc biệt hơn là việc chống thất thoát, tiêu cực, lãng phí trong các công trình giao thông hiện nay cần phải được quan tâm sát sao. Chúng ta nên có cơ chế giám sát đặc biệt và xử lý thật nghiêm các cá nhân, tổ chức cố tình có dấu hiệu tiêu cực, làm thất thoát ở các công trình giao thông. Có mạnh tay với tiêu cực thì mới mong có được những tuyến đường, công trình tốt nhất để phục vụ cho nhu cầu đi lại và sự ra tăng phương tiện ngày càng nhanh hiện nay.... Nước ta còn nghèo và để sắm được một chiếc xe đã khó khăn rồi nên nhà nước phải nghĩ đến người dân se phải sống ra sao nếu như lại tiếp tục thu thêm một loại phí mà người dân thấy rất không hợp lý như vậy. Hãy đưa kiến thức giao thông thành một môn học để tuyên truyền thật sâu rộng đến từng người dân thì hiệu quả sẽ đạt được rất tốt. Ngoài ra để giảm ùn tắc giao thông thì cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp và phái có sự phối hợp của tất cả các cấp, các ngành và toàn dân. Mọi ý kiến đóng góp của độc giả xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn.
Độc giả Phan Chí Dũng (Hoàng Mai, Hà Nội)