Bỏ làm giáo viên hợp đồng một quyết định rất đúng đắn của tôi!

26/12/2019 06:15
Như Hải
(GDVN) - Đồng lương ít ỏi, thân phận của kẻ ăn bám, năng lực không ai ghi nhận nên từ bỏ để tìm cho mình chân trời mới là việc nên làm.

Thời gian qua, nhiều tỉnh thành trên cả nước sa thải giáo viên hợp đồng đồng loạt khiến hàng ngàn giáo viên đột ngột bị đẩy ra đường.

Riêng Hà Nội, một lúc có đến gần 3 nghìn giáo viên không được ký hợp đồng điều này khiến nhiều thầy cô rất hoang mang. Trong số những giáo viên đó, rất nhiều người có thâm niên giảng dạy hơn 20 năm.

Ở vào cái tuổi ngoài 40 nay đột ngột bị đẩy ra đường sẽ rất khó để thầy cô tìm cho mình một công việc phù hợp.

Vốn đã quen với bục giảng, bảng đen phấn trắng nay đi lao động chân tay thực sự rất tủi cực nên việc suy sụp tinh thần của những thầy cô như vậy là điều dễ dàng thông cảm được.

Cũng là những giáo viên đứng trên bục giảng nhưng giáo viên hợp đồng luôn phải cam chịu nhiều tủi cực và đồng lương ít ỏi (ảnh V.N).
Cũng là những giáo viên đứng trên bục giảng nhưng giáo viên hợp đồng luôn phải cam chịu nhiều tủi cực và đồng lương ít ỏi (ảnh V.N).

Từng là giáo viên hợp đồng dạy bậc trung học phổ thông, từng đứng bục giảng nên bản thân tôi hiểu được tâm trạng của những đồng nghiệp như vậy.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao với đồng lương hàng tháng hơn 1 triệu đồng thầy cô vẫn cố làm. Câu trả lời vì đa phần họ mong mỏi một ngày nào đó mình được vào biên chế.

Mong mỏi đó trở thành động lực để hàng nghìn thầy cô trên cả nước hết năm này, qua năm khác bấu víu lấy nghề mà quên đi tuổi trẻ của chính bản thân mình.

Chính vì mong mỏi đó, hàng nghìn thầy cô nay đã rơi vào tấm bi kịch của cuộc đời. Họ mất hết cơ hội nghề nghiệp trong khi tuổi già đã chạm đến. Cái giá của sự nhẫn nhịn, cam chịu quả thực hết sức nặng nề.

Nếu giờ này họ là những thanh niên trai trẻ mới ra trường chắc chắn sẽ ít người dấn thân vào cái bị cực tủi hổ như vậy.

Tuy “nghề giáo là nghề cao quý” nhưng ngoài xã hội còn có rất nhiều ngành nghề cao quý khác.

Ở đó, những giá trị sức lao động được đánh giá một cách công bằng hơn và chắc chắn không có việc 20 năm lặn lội lao động mà mức lương nhận được chỉ mang tính phụ họa.

Giáo viên bị cắt hợp đồng được mời thỉnh giảng với mức công 50.000 đồng/tiết
Giáo viên bị cắt hợp đồng được mời thỉnh giảng với mức công 50.000 đồng/tiết

Trước đây, tôi vốn là sinh viên sư phạm, ra trường cũng không có cơ hội được vào biên chế.

Trải qua một năm giáo viên hợp đồng mức lương nhận được 600 nghìn đồng hàng tháng.

Trong khi, công việc mình cáng đáng nặng nề không kém một giáo viên trong biên chế.

Tôi đã nhận ra đây không phải là nơi mình có thể cống hiến và gắn bó suốt cuộc đời. Không thể dành cả thanh xuân để “sống mòn” như vậy được nên tôi quyết từ bỏ cái nghề mình học tập.

Ở thời điểm cách đây 15 năm, quyết định như vậy được xem là việc làm tày đình. Gia đình tôi vốn có truyền thống nhiều đời làm nghề giáo. Dòng họ có gần 50 người từng đứng trên bục giảng nên mọi người hy vọng tôi sẽ là thế hệ kế tiếp truyền thống đó.

Nhưng bỏ qua tất cả, tôi đã chuyển nghề và cũng từ bỏ luôn mơ tưởng được làm viên chức nhà nước.

Hành trình đến nay của tôi là quãng đường dài rất gian khổ, vất vả. Bởi, những kiến thức của chuyên ngành sư phạm để bước vào một môi trường lao động mới gần như phải học lại hoàn toàn.

Nhưng sau 15 năm bỏ đi cái ảo vọng đeo đuổi viên chức giáo viên, giờ tôi đã có một công việc ổn định, thu nhập đủ để trang trải gia đình ở Thủ đô. Tôi luôn tự nhủ rằng, bản thân đã có một cuộc lột xác thần kỳ.

Rõ ràng quyết định từ bỏ làm giáo viên hợp đồng là một quyết định rất đúng đắn đã cho tôi một tương lai rộng lớn hơn cùng những trải nghiệm tuyệt vời.

Nhìn cảnh hàng nghìn thầy cô khổ sở vì bị sa thải, khổ sở đấu tranh, tuần hành để mong có chính sách phù hợp đến từ các cấp chính quyền lòng tôi bất giác thấy thương vô cùng.

Như Hải