Bố mẹ chạy điểm mà đem tên thí sinh bêu lên là một sai lầm!

16/03/2019 06:33
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo Trung tướng Trần Hữu Phúc: “Các em còn ít tuổi nên phải tính tổng thể con người chứ không phải đem thông tin các em mà dán lên ở các trường đại học”.

Hậu kiểm chưa phát hiện trường hợp nào sai phạm trong năm 2018

Vụ việc gian lận thi cử ở Hòa Bình đang đặt ra nhiều vấn đề trong đó có vấn đề hậu kiểm sau thi cử.

Dư luận rất muốn biết về các trường hợp học sinh học lực yếu, điểm cao thậm chí là thủ khoa lúc vào trường đại học tốp đầu thì kết quả học tập của các em này như thế nào?

Tại cuộc gặp gỡ các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền công tác tuyển sinh quân sự năm 2019  phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đặt vấn đề này với đại diện Ban tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng.

Theo đó, vụ việc gian lận điểm thi ở Hòa Bình, được biết nhiều thí sinh của địa phương này có điểm là thủ khoa, á khoa một số trường quân đội vậy kết quả thực học của các em trong học kỳ đầu tiên tại các trường này như thế nào?

Đại tá Vũ Xuân Tiến - Trưởng ban thư ký Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng (ảnh Trinh Phúc).
Đại tá Vũ Xuân Tiến - Trưởng ban thư ký Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng (ảnh Trinh Phúc).

Trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại tá Vũ Xuân Tiến - Trưởng ban thư ký Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng cho rằng, riêng về công tác hậu kiểm hàng năm làm rất chặt chẽ.

Theo đó, sau khi có kết quả kỳ thi xong các trường tổ chức hậu kiểm, kể cả về mặt kết quả học, thi đều có sự so sánh và xử lý nghiêm túc các sai sót.

Đại tá Vũ Xuân Tiến cũng cho biết, trong năm vừa rồi, một số thí sinh thủ khoa, một số điểm cao không đến nhập học. Đã có một số trường hợp như thế chứ không phải là tất cả.

Những trường hợp các em không đến học không báo lại lý do với nhà trường. Điều này không chỉ riêng Hòa Bình mà các tỉnh khác cũng có trường hợp không đến.

Bố mẹ chạy điểm mà đem tên thí sinh bêu lên là một sai lầm! ảnh 2Nhiều thủ khoa 2018 của trường Quân đội không nhập học

Riêng về quá trình học tập đến nay Cục nhà trường chưa nắm lại, các trường đang trong quá trình đào tạo nên thực tế sẽ rà xét.

Cũng liên quan đến công tác hậu kiểm sau kỳ thi, Trung tướng, Giáo sư Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục nhà trường cho biết, vụ gian lận thi ở Hòa Bình, về quan điểm thì chắc chắn thí sinh nào không đủ điểm thì không bao giờ nhận và ai vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý.

“Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới gửi đến hai ngày hôm nay và Cục nhà trường đã gửi cho các nhà trường để các đồng chí thực hiện đúng quy trình.

Cục nhà trường cũng đang chờ đợi kết quả từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình và sau đó Cục nhà trường sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xử lý theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và quy định của Bộ Quốc phòng” – Trung tướng, Giáo sư Trần Hữu Phúc cho biết.

Liên quan đến việc đánh giá học tập đối với các thí sinh trong danh sách được nâng điểm ở Hòa Bình tại các trường quân đội hiện nay, Trung tướng, Giáo sư Trần Hữu Phúc cho biết, do vừa được cung cấp thông tin nên Cục nhà trường chưa đánh giá được cụ thể những thí sinh này.

Cục trưởng Cục nhà trường cũng cho biết thêm: “Năm ngoái có những thí sinh đỗ thủ khoa không đến trường đó là hiện tượng xã hội mới. Sau này sẽ cho tổng hợp đánh giá quá trình này và thông tin thêm.

Công tác hậu kiểm được các trường Quân đội tiến hành nghiêm túc và rất chất lượng. Năm 2017 đã tổ chức thực hiện, có trường hợp ở Học viện quân y đã xử lý một trường hợp thôi học.

Năm 2018 qua phát hiện không có trường hợp nào. Tuy nhiên, qua hậu kiểm như vậy có hai việc đó là tiếp tục đánh giá các học viên để có phương hướng tổ chức đào tạo tốt hơn.

Qua báo cáo, chất lượng đào tạo tuyển sinh 2017, năm 2018 cơ bản đáp ứng yêu cầu”.

Trung tướng, Giáo sư Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục nhà trường, Bộ Quốc phòng (ảnh Trinh Phúc).
Trung tướng, Giáo sư Trần Hữu Phúc, Cục trưởng Cục nhà trường, Bộ Quốc phòng (ảnh Trinh Phúc).

Chưa tổng hợp số liệu thí sinh Hòa Bình nhập học trường Quân đội

Cũng theo vị Trung tướng này, trên có sở đó để làm tốt hơn công tác hậu kiểm, năm 2019 tiếp tục yêu cầu các nhà trường làm công tác hậu kiểm.

Hậu kiểm ở đây có mấy việc, thứ nhất hậu kiểm chuẩn hồ sơ. Sau đó sẽ đối chiếu năng lực học tập để có giải pháp đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, đó cũng là cái hết sức quan trọng của công tác hậu kiểm.

Qua công tác hậu kiểm như vậy giúp cho Cục nhà trường làm công tác tham mưu cho các nhà trường tốt hơn.

Liên quan đến vụ việc gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Trung tướng, Giáo sư Trần Hữu Phúc còn cho biết thêm: “Hiện Cục nhà trường đang rà soát nên chưa có số liệu có bao nhiêu thí sinh dính tiêu cực ở Hòa Bình đã nhập học trường Quân đội”.

Và quan điểm của Trung tướng Trần Hữu Phúc là: “Nếu các thí sinh vi phạm quy chế thế thì không những không có điểm mà là hủy kết quả.

Bố mẹ chạy điểm mà đem tên thí sinh bêu lên là một sai lầm! ảnh 4Vẫn chưa xử lý danh hiệu thủ khoa, á khoa ở Hòa Bình dù có gian lận thi cử

Còn việc có đồng chí nêu đó là việc vi phạm pháp luật hay không thì đây chính là vấn đề cần phải tính toán kỹ”.

Theo Trung tướng Trần Hữu Phúc: “Đây là vấn đề nhạy cảm xã hội, ví dụ hôm qua các thông tin đại chúng nêu có khi con đi thi nhưng toàn bộ động tác là do phụ huynh làm. Do đó, trách nhiệm là của bố mẹ, phụ huynh.

Ngoài ra, các em còn ít tuổi, là khởi đầu của thế hệ tương lai nên những vấn đề cần phải tính tổng thể con người chứ không phải đem thông tin các em mà dán lên các trường đại học.

Cần phải xét nhiều góc độ, các cháu có thể không biết hành vi của bố mẹ nên đem tên các cháu bêu lên trường học là một sai lầm. Còn nếu các cháu trực tiếp làm thì còn bàn gì nữa”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện gian lận thi cử ở Hòa Bình có tới 64 thí sinh (trong đó có 63 thí sinh của năm 2018 và một thí sinh năm 2017) đã có sự thay đổi điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm đã công bố.

56 thí sinh với 47 bài thi trắc nghiệm đã được thay đổi điểm. Trong đó, bài thi được nâng đến 9,25 điểm. Có thí sinh được nâng điểm 3 môn lên đến 26,45 điểm.

Trinh Phúc