“Bộ phận không nhỏ” có nguy cơ phình to!

10/08/2016 06:43
Ngọc Quang
(GDVN) - PGS.TS Bùi Thị An bình luận, nhiều cán bộ làm việc không đến nơi đến chốn, làm giả hưởng thật, không nghiêm túc nên nhân dân mới bức xúc.

Hội nghị lần 3 Trung ương 12 đã đặt ra vấn đề về quy định thi hành Điều lệ Đảng, quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Đây là nội dung hết sức quan trọng nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, ngăn chặn những phần tử xấu lợi dụng các tổ chức Đảng nhằm phục vụ cho những mưu đồ cá nhân.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa XIII bày tỏ sự đồng tình với yêu cầu siết chặt kỷ luật Đảng, bởi công tác cán bộ là công tác của Đảng, và trong mọi việc thành bại thì quyết định là ở cán bộ - như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Kỷ cương, phép nước lỏng lẻo là do chính cán bộ gây ra

Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Thuật ngữ “suy thoái tư tưởng chính trị” được Đảng ta chính thức sử dụng lần đầu tiên trong Văn kiện Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII (2-1999).

Liên tục từ đó tới nay, Đảng luôn chú trọng tới vấn đề này trong công tác cán bộ, nhiều sai phạm lớn ở liên quan tới cán bộ, liên quan tới các tập đoàn, tổng công ty như Vinashin, Vinaline...

Mới nhất là những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh, cùng với cá nhân, tổ chức để xảy ra thua lỗ hơn 3000 tỷ đồng tại Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí đã được Tổng Bí thư chỉ đạo phải vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm minh.

Ngay trong văn bản thông  báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói rõ, nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng sẽ bị kiểm tra nếu phát hiện có các dấu hiệu sai phạm.

Đó là những động thái cho thấy Đảng sẽ nghiêm khắc với mọi cán bộ, không loại trừ trường hợp nào.

PGS.Bùi Thị An nêu quan điểm: “Tôi phải nói thẳng là giai đoạn vừa rồi bộ phận không nhỏ đã mắc vào khá nhiều vi phạm, bộ phận không nhỏ ấy có nguy cơ phình to.

Điều đó cho thấy kỷ cương, phép nước trong thời gian vừa rồi lỏng lẻo, cái sự lỏng lẻo ấy lại chính là do những cán bộ giữ vị trí chủ chốt.

Nếu họ thực sự nghiêm túc, thực sự gắn bó với vị trí công tác đúng nghĩa là công bộc của dân, hết lòng vì nước vì dân thì làm sao có thể xảy ra những sai phạm tày đình như vụ việc Trịnh Xuân Thanh, không xảy ra chuyện vỡ đường ống nước sông Đà tới 18 lần”.

PGS.TS Bùi Thị An đánh giá, kỷ cương phép nước không nghiêm là do chính cán bộ gây ra. ảnh: Ngọc Quang.
PGS.TS Bùi Thị An đánh giá, kỷ cương phép nước không nghiêm là do chính cán bộ gây ra. ảnh: Ngọc Quang.

PGS.TS Bùi Thị An bày tỏ sự đồng tình với những chỉ đạo hết sức cụ thể của Tổng Bí thư đối với từng vụ việc, và đồng thời yêu cầu toàn hệ thống siết chặt kỷ luật Đảng.

“Chúng ta đã có Điều lệ Đảng trong đó nói rõ những điều cấm đối với Đảng viên. Tôi nghĩ đó chỉ là những quy định cơ bản để cán bộ Đảng viên nhìn vào đó mà soi xét từng việc làm của mình.

Cái quan trọng nhất là trước mỗi việc làm, trước mỗi quyết định thì người cán bộ phải trả lời được câu hỏi: Việc làm ấy có thực sự vì dân không? Để tìm được những cán bộ có tâm, có tài, có đức thì Đảng phải hết sức khắt khe”, bà An chia sẻ.

Đề cập sâu hơn tới vấn đề đạo đức công vụ, PGS.Bùi Thị An cho rằng, Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương... nhưng đã yêu cầu thì phải có kiểm tra và xử lý nghiêm khắc, để lập lại trật tự kỷ cương.

“Tôi rất đồng tình với phát biểu của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương ở kỳ họp Quốc hội vừa rồi, đó là hầu hết những bức xúc trong đời sống xã hội đều xuất phát từ cán bộ công chức, viên chức, những người thực thi công vụ.

Họ làm việc không đến nơi đến chốn, làm giả hưởng thật, không nghiêm túc với từng kiến nghị của dân, do đó niềm tin mới bị suy giảm”, bà An nói.

Trong những năm qua, đã có hàng nghìn Đảng viên, hàng nghìn tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật vì có khuyết điểm.

Đó là điều rất đáng buồn với Đảng ta, nhưng PGS Bùi Thị An cũng nhấn mạnh, không vì thế mà che dấu khuyết điểm.

Bác Hồ đã dạy rằng: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Minh bạch là giải pháp tốt nhất để dân giám sát

PGS.TS Bùi Thị An cho biết, cá nhân bà cũng như rất nhiều Đại biểu Quốc hội, đông đảo cử tri cả nước đều hết sức ủng hộ chỉ đạo của Tổng Bí thư phải rà soát lại toàn bộ hệ thống sau những sai phạm trong công tác cán bộ, giới thiệu bầu ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Bà An nói: “Rõ ràng trong chuyện này có nhiều điều bất thường, bởi vì quy trình về mặt lý thuyết thì rất chặt chẽ, phải trải qua nhiều khâu, nhiều cơ quan, tổ chức.

Từ người giới thiệu ông Trịnh Xuân Thanh cũng phải chịu trách nhiệm; Người thẩm tra hồ sơ, tư cách của ông Thanh cũng phải chịu trách nhiệm; địa phương tiếp nhận ông Thanh để giới thiệu bầu vào chức vụ Phó Chủ tịch cũng phải chịu trách nhiệm...

Tất cả những ai để xảy ra hậu quả này đều phải chịu trách nhiệm thích đáng, chứ không thể kiểm điểm qua loa, rút kinh nghiệm là xong”.

Những ngày qua, người dân đã yên tâm phần nào trước những chỉ đạo quyết liệt của Tổng Bí thư, trước những hành động mạnh mẽ từ Thủ tướng Chính phủ, cam kết phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội.

Bà An bình luận: “Việc xử lý rốt ráo những sai phạm của cá nhân, tổ chức có liên quan tới việc bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, có liên quan tới chuyện thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng ở doanh nghiệp nhà nước, hay xử lý sai phạm của một số Đại biểu Quốc hội chính là đi vào cái gốc của vấn đề - xử lý con người cụ thể.

Chỉ có điều, tôi vẫn mong rằng các cơ quan thực thi công vụ phải thực hiện đúng như chỉ đạo của Tổng Bí thư là xử lý cán bộ không có vùng cấm, không loại trừ ai, sai đến đâu xử lý đến đó. Phải nghiêm minh với mọi cán bộ thì mới đảm bảo công bằng với người dân”.

Những sai phạm trong quy trình cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh là một bài học lớn trong công tác cán bộ của Đảng. ảnh: Thanh niên.
Những sai phạm trong quy trình cán bộ đối với ông Trịnh Xuân Thanh là một bài học lớn trong công tác cán bộ của Đảng. ảnh: Thanh niên.

PGS.Bùi Thị An mong muốn, Đảng sẽ tập trung chỉ đạo tất cả các cơ quan nhà nước phải thực sự “minh bạch”, bởi đó là yếu tố quan trọng nhất để nhân dân giám sát cán bộ, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước.

“Lâu nay, chúng ta nói công khai, minh bạch, nhưng tôi thì nhấn mạnh yếu tố minh bạch.

Trước khi đề bạt bổ nhiệm cán bộ thì phải công khai, minh bạch tất cả những gì có liên quan tới cán bộ để trước hết là toàn cơ quan đó biết và nêu ý kiến, và cũng là để nhân dân biết mà giám sát.

Nếu không công khai, minh bạch thì làm sao dân biết mà giám sát, làm sao thể hiện quyền làm chủ được?

Trừ những chuyện liên quan tới an ninh quốc gia thì phải giữ bí mật, còn lại thì chẳng có gì mà phải bí mật.

Cán bộ được bầu ra để làm việc phục vụ nhân dân, phục vụ tổ quốc thì sao lại phải bí mật làm gì? Cứ áo gấm đi đêm là rất mệt mỏi cho Đảng, cho dân”, bà An bày tỏ.

“Bộ phận không nhỏ” có nguy cơ phình to! ảnh 3

Nhận diện nhóm lợi ích "bán nước, hại dân”

(GDVN) - Những kẻ đang làm cho đất nước “đội sổ”, khiến lòng dân không yên có phải là những kẻ "bán nước, hại dân"?

Nữ Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng chỉ ra điệp khúc “đúng quy trình” trong rất nhiều việc của cơ quan nhà nước, nhưng cứ bóc ra thì lại có sai phạm, cho thấy những thủ tục đánh giá trong hồ sơ chỉ là một kênh tham khảo, và quan trọng hơn là phải chú trọng tới những đánh giá từ cộng đồng.

Bà An nói: “Cả giai đoạn vừa rồi, có rất nhiều sai phạm của cán bộ nhà nước, tham nhũng, nhũng nhiều đều do nhân dân và các nhà báo phát hiện ra đấy chứ, còn thì kiểm toán hay thanh tra nhà nước rất ít.

Tôi nói ngay một thí dụ đơn giản là vụ đại án 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng, Phạm Công Danh và những đồng phạm làm sao có thể qua mặt các cơ quan chức năng suốt một thời gian dài như vậy?

Thanh tra ngân hàng vào cuộc rồi mà cũng không phát hiện ra những sai phạm lớn ấy, cho nên dư luận có quyền đặt ra câu hỏi là: Do cán bộ năng lực yếu kém, thanh tra không phát hiện ra sai phạm hay phát hiện ra nhưng coi như không biết?

Đấy cũng là chuyện phải làm cho rõ sau vụ đại án này. Cho nên yếu tố minh bạch là quan trọng nhất, và phải công khai tất cả mọi việc với dân kịp thời.

Nhân dân chính là tai mắt của Đảng, sẽ góp nhiều tiếng nói và phát hiện ra nhiều sai phạm của cán bộ để góp phần làm trong sạch bộ máy của Đảng”.

Ngọc Quang