Bộ tinh giản nội dung dạy và học, hóa ra chương trình hiện tại rất...lạ

15/04/2020 06:32
THANH AN
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Tại sao những nội dung, bài học không còn phù hợp hoặc quá tải vừa được Bộ tinh giản đã tồn tại gần hai chục năm trời với chừng ấy thế hệ học trò đã qua?

Dù vẫn biết rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa rà soát tinh giản chương trình học kỳ II của năm học 2019-2020 là bất khả kháng nhưng nó cũng cho ta thấy rằng chương trình hiện hành đang rất nặng và có nhiều những bài học không còn phù hợp với thực tế.

Trong số 15 tuần còn lại của năm học này nhưng Bộ đã chủ trương giảm tải từ 5-7 tuần mà lãnh đạo ngành cho rằng việc giảm tải vẫn “đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản” thì cũng đồng nghĩa là nhiều nội dung, bài học hiện nay đã không thực sự cần thiết đối với học trò.

Nhưng, tại sao những nội dung, bài học không còn phù hợp hoặc quá tải vừa được Bộ tinh giản đã tồn tại gần hai chục năm trời với chừng ấy thế hệ học trò đã qua?

Bộ sách lớp 1 của chương trình mới cũng có đến cả chục cuốn sách giáo khoa (Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Bộ sách lớp 1 của chương trình mới cũng có đến cả chục cuốn sách giáo khoa

(Ảnh minh họa: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam)

Hậu quả của việc quá tải chương trình

Bắt đầu từ năm 2002 thì chương trình, sách giáo khoa hiện hành được áp dụng đại trà ở các cấp học phổ thông trên cả nước. Chương trình hiện hành lấy sách giáo khoa làm pháp lệnh nên nội dung học, kiểm tra đánh giá đều nằm cơ bản trên sách giáo khoa.

Để thực hiện chương trình, sách giáo khoa hiện hành thì Bộ đã huy động hàng ngàn chuyên gia, nhà giáo để viết sách và thực nghiệm nhiều năm trời mới đem ra áp dụng đại trà.Thế nhưng, khi thực hiện thì vẫn quá tải. Bộ ban hành hướng dẫn giảm tải, ban hành sách chuẩn kiến thức kĩ năng, cho các trường tự chủ xây dựng phân phối chương trình…

Bây giờ, khi sự cố dịch bệnh Covid-19 xảy ra, Bộ chủ trương tinh giản chương trình học kỳ II “kịch khung” từ 5-7 tuần học.

Nhưng, ngay sau khi ban hành nội dung giảm tải (ngày 31/3/2020) thì ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học đã cho biết: “Tinh thần lần này thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản, nền tảng cho học sinh  để đảm bảo các em có đủ năng lực học tiếp ở các lớp sau”. 

Như vậy, việc tinh giản chương trình từ 5-7 tuần của học kỳ II từ lớp 1 đến lớp 12 cho thấy đó là những kiến thức không thực sự cần thiết bởi như lời của ông Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học thì việc tinh giản như vậy nhưng học sinh vẫn “đảm bảo chuẩn kiến thức cơ bản, nền tảng cho học sinh để đảm bảo các em có đủ năng lực học tiếp ở các lớp sau”.

Bộ tinh giản nội dung dạy và học, hóa ra chương trình hiện tại rất...lạ ảnh 2Bộ Giáo dục cho biết, đã giảm kịch khung chương trình

Điều này cũng đồng nghĩa là Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học đã thừa nhận những bài học được giảm ấy là không ảnh hưởng nhiều đến kiến thức cơ bản của học sinh phổ thông. Những bài học ấy có thể học mà không học cũng chẳng sao.

Dù chúng tôi cũng biết rằng việc tinh giản chương trình vừa qua là nằm ngoài dự kiến của Bộ nhưng nó cũng cho thấy một sự thật là chương trình hiện hành đang quá tải. Và, cũng chính vì chương trình, sách giáo khoa hiện hành đang quá tải nên kéo theo nhiều hệ lụy suốt hàng chục năm qua.

Thứ nhất: sách giáo khoa phải in ấn nhiều trang hơn, ắt giá sẽ cao hơn. Qua nhiều lần giảm tải, tái bản nhưng trong sách giáo khoa vẫn tồn tại những bài như lần xuất bản đầu tiên.

Tại sao những bài không học, không phải là bài đọc thêm, không phải là bài tự học có hướng dẫn nhưng vẫn để trong sách giáo khoa? Sách giáo khoa hiện hành đã nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung tại sao không bỏ đi những bài không học, để trong sách giáo khoa làm gì cho tốn giấy, tốn tiền?

Thứ hai: Cũng vì chương trình, sách giáo khoa quá tải nên các nhà xuất bản, các tác giả sách giáo khoa cũng tranh thủ viết thêm nhiều sách bổ trợ để “giảm tải” cho giáo viên và học sinh. Vì thế, có những sách bổ trợ cho giáo viên trong việc soạn giáo án, ra đề kiểm tra…và nó cũng liên tục thay đổi, đổi mới.

Học sinh thì ngoài sách giáo khoa có sách bài tập, chuẩn kiến thức, giải bài tập, bài văn mẫu…đi kèm.

Các nhà xuất bản thì tăng cường sách bổ trợ và bán cho giáo viên, học sinh theo đường nội bộ được hợp thức hóa bằng các văn bản hướng dẫn của lãnh đạo Sở, Phòng nên nhà trường phải triển khai cho phụ huynh mua sách cho con em mình. Tất nhiên, thời buổi này chẳng ai làm không cho ai cái gì, nhất là việc kinh doanh qua nhiều thang, bậc như sách dùng cho học trò trong các nhà trường.

Bộ tinh giản nội dung dạy và học, hóa ra chương trình hiện tại rất...lạ ảnh 3Chương trình, sách giáo khoa mới có giảm tải cho giáo viên và học sinh?

Thứ ba: Các thầy cô giáo một số môn học cũng tranh thủ mở các lớp dạy thêm vì họ cho rằng chương trình học nặng quá. Thời gian trên lớp không đủ để dạy, để hướng dẫn cho học trò.

Vì thế, gánh nặng chi phí cho con em đi học của phụ huynh bây giờ không đơn thuần nằm ở những cuốn sách giáo khoa vì thực tế sách giáo khoa chỉ là một khoản tiền rất nhỏ trong tổng chi phí mà phụ huynh phải chi cho con em mình học tập hàng năm.

Chương trình mới liệu có thay đổi hay không?

Nhiều người đã hy vọng và chương trình mới sẽ giảm tải được nội dung, kiến thức nhưng chúng tôi không cho là vậy. Bởi, cứ nhìn 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 của các nhà xuất bản đã được Bộ phê duyệt thì chúng ta cũng đủ hiểu chương trình tới đây không hề nhẹ nhàng.

Học sinh lớp 1 nhưng có tới 9-10 cuốn sách giáo khoa/ bộ sách đủ hiểu con cháu chúng ta trong những năm tới đây sẽ phải học hành ra sao rồi.

Khi ban hành chương trình mới, các tác giả viết chương trình tổng thể, chương trình môn học, sách giáo khoa đều nói chương trình mới lần này ưu việt hơn chương trình hiện hành. Nhưng, chúng tôi không cho là như vậy. Dù lần thay đổi này thì Bộ đã chủ trương "chương trình" mới là pháp lệnh. Nhưng, ngay từ bây giờ thì sách giáo khoa đã được các nhà xuất bản giới thiệu rầm rộ đến các địa phương.

Sách giáo khoa lớp 1 tăng gần 4 lần so với sách giáo khoa hiện hành. Khi đến các diễn đàn, hội thảo về sách giáo khoa lớp 1 thì các nhà viết sách, các lãnh đạo nhà xuất bản không quên đưa thêm danh sách sách bổ trợ đi kèm. Như vậy, ngay từ khi chưa bắt đầu thì chúng ta đã mường tượng ra sự quá tải trong những năm tới.

Rõ ràng, sự quá tải của chương trình hiện nay và cả trong tương lai thì Bộ biết, các nhà xuất bản biết, tác giả sách giáo khoa biết nhưng sự quá tải ấy vẫn tồn tại bất biến với thời gian. Phía sau sự quá tải ấy là gì chắc nhiều người đã biết!

THANH AN