Bộ trưởng Bộ KH&CN nhận trách nhiệm khi chậm thành lập TT khởi nghiệp sáng tạo

07/06/2023 11:45
Huệ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Bộ trưởng Bộ KH&CN nhận trách nhiệm khi chậm trễ thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mong các ĐB chia sẻ vì đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ.

Sáng ngày 7/6, sau khi Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết thúc nhóm vấn đề thứ hai, Quốc hội tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ với những nội dung trọng tâm gồm: (1) Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. (2) Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm khoa học, công nghệ tiên tiến vào cuộc sống. Việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. (3) Việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho nghiên cứu khoa học thời gian qua, việc quản lý, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia. (4) Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập. (5) Cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. (6) Việc thực hiện chính sách, pháp luật về Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đăng đàn trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Chịu trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Tư pháp, Công Thương cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Khó thống kê số liệu đề tài ứng dụng vào thực tiễn

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) đề nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, trong năm qua, số đề tài nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước có bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng? Trong số đó, có bao nhiêu đề tài mang lại kết quả thiết thực?

Bên cạnh đó, đâu là điểm “kích nổ” về chính sách để Việt Nam bứt phá về công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và bảo vệ quốc phòng, an ninh của Tổ quốc?

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau). Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, về việc hỗ trợ hoạt động chuyển giao, hấp thu công nghệ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chính sách, cơ chế pháp luật điều chỉnh về vấn đề này đã sẵn có, vấn đề đặt ra là cần áp dụng, triển khai thực hiện sao cho hiệu quả trong thực tiễn.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng biết, trong thời gian qua, nhiều công nghệ mới tiên tiến đã được ứng dụng, mang lại hiệu quả trong các ngành y tế, viễn thông, xây dựng, giao thông vận tải. Một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh.

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu, vẫn còn hạn chế, vướng mắc khi cơ chế, chính sách chưa thực sự phát huy, khó tiếp cận với các doanh nghiệp, các hoạt động kết nối, dịch vụ hỗ trợ đi kém chưa hiệu quả. Nguồn lực từ ngân sách, doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động này còn khiêm tốn, cơ sở hạ tầng kỹ thuật hạn chế, đặc biệt với công nghệ tiên tiến.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cơ chế, chính sách, quy định phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy chương trình tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ nước ngoài vào Việt Nam.

“Dù hoạt động khoa học, công nghệ có nhiều tính đặc thù, việc tính toán cụ thể bao nhiêu đề tài được đưa vào ứng dụng là điều rất khó xác định.

Điều quan trọng là cần xác định được kết quả đó trước hết phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của bản thân các nhà khoa học, đội ngũ nghiên cứu, đóng góp vào uy tín của các viện nghiên cứu, các trường đại học” - Bộ trưởng cho biết.

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) cho biết, trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đầu tư cho các chương trình khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, thực tế tính ứng dụng của nhiều đề tài khoa học còn thấp. Nữ đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam). Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho hay, lĩnh vực khoa học công nghệ có tính đặc thù, có rủi ro và độ trễ, việc thống kê số liệu bao nhiêu đề tài ứng dụng vào thực tiễn là điều rất khó. Có những đề tài phải nhiều năm sau này mới phát huy giá trị, có những đề tài nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng, có đề tài nghiên cứu lĩnh vực khoa học xã hội, nghiên cứu phát triển...

Về việc thống kê số liệu chính thức này cũng tương đối khó khăn, tuy nhiên, Bộ sẽ có thống kê chính xác hơn để phục vụ cho các đại biểu Quốc hội một các thỏa đáng”.

Phát biểu tranh luận, Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, điểm “kích nổ” trong chính sách để Việt Nam bứt phá về khoa học công nghệ chính là nhân tài. Chỉ có nhân tài, nhất là nhân tài khoa học công nghệ mới có thể làm thay đổi diện mạo khoa học công nghệ Việt Nam.

Theo vị đại biểu, thứ tự ưu tiên lựa chọn các chính sách để “kích nổ” trong công nghệ đó là nhân tài ở các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, blockchain, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới…

Trả lời tranh luận, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tiếp thu ý kiến gợi ý của Đại biểu Lê Thanh Vân và cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ trình đề án về đội ngũ trí thức trong giai đoạn từ nay đến năm 2030.

Bộ trưởng nhận trách nhiệm chậm trễ thành lập Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho biết, Nghị quyết số 52 ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị có chủ trương thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đẩy nhanh thành lập các Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, trước mắt tại Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 50 ngày 17/4/2020 về việc thực hiện chủ trương này.

Tuy nhiên, sau Nghị quyết của Bộ Chính trị, gần 4 năm, qua nhiều lần làm việc trực tiếp và trao đổi bằng văn bản giữa Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng và Bộ Khoa học và Công nghệ, Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo quốc gia ở Đà Nẵng vẫn chưa ra đời.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Trần Chí Cường đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao các Nghị quyết của Bộ Chính trị và Chính phủ chậm được triển khai như vậy? Trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc này như thế nào và Bộ trưởng có cam kết gì để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trên?

Về vấn đề liên quan đến Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết, Bộ đã xây dựng, hoàn thiện đề án thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo quốc gia tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến trong tháng 6 hoặc đầu tháng 7 sẽ ban hành các quyết định thành lập 3 trung tâm này.

Các trung tâm này được lập với mục tiêu khai thác nguồn lực địa phương dành cho đổi mới sáng tạo, hướng tới áp dụng các mô hình thử nghiệm chính sách trong các lĩnh vực mới chưa có quy định nhằm khuyến khích đổi mới, sáng tạo, làm cơ sở để đúc kết kinh nghiệm, nhân rộng hoặc điều chỉnh kịp thời các chính sách, mô hình triển khai trên phạm vi quốc gia.

Bên cạnh đó, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được ban hành, nên việc ban hành các quyết định thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo là có cơ sở để thực hiện, và các cơ sở này sẽ sớm đi vào vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về hiệu quả các đề tài nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng cho biết, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, cân đối bố trí vốn cho ngành.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt trả lời chất vấn. Ảnh: quochoi.vn.

Phát biểu tranh luận, Đại biểu Trần Chí Cường cho biết, việc thành lập các Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là mong mỏi lớn của cử tri Đà Nẵng, tuy nhiên Bộ trưởng chưa trả lời nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, của Bộ trưởng trong việc thực hiện chủ trương này, bởi sau khi có Nghị quyết 52 cúa Bộ Chính trị, Chính phủ đã sớm có Nghị quyết 50, Quyết đinh 188 để điều chỉnh vấn đề này, tuy thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực cố gắng làm việc với Bộ, nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được trung tâm này.

Liên quan đến ý kiến của đại biểu Trần Chí Cường về thành lập Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhận trách nhiệm về sự chậm trễ như đại biểu nêu; mong các đại biểu Quốc hội chia sẻ vì đây là vấn đề rất mới, chưa có tiền lệ, phải có thời gian nghiên cứu cẩn trọng, cần cân nhắc, đảm bảo đúng quy định và hiệu quả.

Theo dự kiến, cuối tháng 6/2023 làm việc với thành phố Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hình thành các Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hoàn toàn.

Phát biểu tranh luận, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) cho biết, Bộ trưởng có chia sẻ đây là lần đầu tiên có mô hình đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội cũng đã nói rõ về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, qua 4 năm hoạt động, từ năm 2019 đến nay Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia đã rút ra kinh nghiệm như nào để có thể ứng dụng trong các trung tâm mới một cách thực chất để phát triển được khoa học, công nghệ. Đề nghị Bộ trưởng chia sẻ thêm kinh nghiệm về mô hình này.

Ngoài ra, Bộ trưởng có nhận định coi nhân tài là hướng để phát triển khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, việc thực hiện còn khó khăn. Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới đây sẽ phương án như nào để chiêu mộ nhân tài về Bộ Khoa học và Công nghệ làm việc.

Trao đổi với ý kiến của Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu về việc thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết, Trung tâm đổi mới sáng tạo đã được thành lập tại Hòa Lạc, Hà Nội, qua khảo sát thực tế, trung tâm có nhiều mô hình, cách làm đáng học tập để triển khai lan tỏa ra các trung tâm ở các địa phương khác. Mỗi địa phương có những đặc thù riêng, cần có sự điều chỉnh đề phù hợp nhất với các địa phương.

Bộ trưởng cho biết, kinh nghiệm rút ra từ Trung tâm đổi mới sáng tạo Hà Nội là có những chính sách đặc thù cho hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó có chính sách giảm thuế, kết nối với các quỹ đầu tư mạo hiểm, phát triển không gian làm việc chung cho các nhà khoa học, nhànghiên cứu, nhà đầu tư.

Về thu hút nhân tài, Bộ trưởng cho biết đây là điều trăn trở lớn, bởi khi triển khai ở cơ sở thì gặp nhiều khó khăn do quy định của pháp luật về công chức, viên chức, tài chính. Vừa qua, triển khai Nghị quyết 27 về xây dựng đội ngũ tri thức, Bộ được giao xây dựng đề án. Đây là nhiệm vụ khó khăn, nhưng Bộ sẽ cố gắng để đề án thu hút được những nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về làm việc một cách hiệu quả nhất.

Xây dựng nghị định riêng về tự chủ trong khoa học công nghệ

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) đề nghị Bộ trưởng cho biết Nhà nước đã có giải pháp, chính sách gì để tổ chức khoa học công nghệ, nâng cao năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực hiệu quả trong thời gian tới.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh). Ảnh: quochoi.vn.

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh). Ảnh: quochoi.vn.

Trả lời về giải pháp tăng cường phát minh sáng chế, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ nhận thức được ý nghĩa của điều này Bộ Khoa học - Công nghệ hình thành tổ công tác sửa thông tư để tổ chức sửa đổi hệ thống bảo đảm tính thống nhất trong đó hướng đến tính thực tiễn giải quyết các vấn đề liên quan đến đăng kí phát minh sáng chế. Luật Khoa học công nghệ có quy định cho phép chủ nhiệm đề tài đăng kí trong khi thực hiện đề tài.

Huệ Phương