Bộ trưởng Đinh La Thăng:Bỏ mặc người gặp nạn không cứu sẽ bị xử lý

13/08/2013 09:14
Ngọc Quang
(GDVN) - Sau khi Bộ trưởng Đinh La Thăng trình bày Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, hai Phó Chủ tịch Quốc hội là ông Huỳnh Ngọc Sơn và ông Uông Chu Lưu đã đặt vấn đề: Cần phải có quy định cụ thể hơn về việc chịu trách nhiệm trước pháp luật với những trường hợp gặp tai nạn nhưng không ứng cứu.

Chiều 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luật về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung  một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có tờ trình gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó có một số nội dung đang chú ý như: Bổ sung quy định về “Đăng kiểm phương tiện”, góp phần nâng cao chất lượng của phương tiện; Với phương tiện mất chủ động, vào ban đêm phải thắp hai đèn đỏ đặt ở vị trí cao nhất, nhằm tránh nhầm lẫn với tín hiệu trên phương tiện chở hàng nguy hiểm;

Bổ sung “Chủ phương tiện quy định tại khoản 1 Điều 24 khi hoạt động vận tải đường thủy nội địa phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ phương tiện đối với người thứ ba” để bảo vệ quyền lợi cho bên thứ ba cũng như giảm gánh nặng cho chủ phương tiện khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

Từ vụ tai nạn ở Cần Giờ, đang đặt ra vấn đề trách nhiệm của những người thấy tai nạn nhưng không ứng cứu.
Từ vụ tai nạn ở Cần Giờ, đang đặt ra vấn đề trách nhiệm của những người thấy tai nạn nhưng không ứng cứu.

Trong báo cáo thẩm tra sơ bộ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa do Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thực hiện đã nêu một số điểm đáng chú ý:

Về đăng ký phương tiện quy định tại Điều 24 của Luật 2004, Thường trực Ủy ban nhận thấy sau 8 năm thực hiện, loại phương tiện cần đăng ký chỉ đạt 34% và số phương tiện phải đăng kiểm chỉ đạt 61% là rất thấp. Trong các nguyên nhân dẫn đến kết quả thực hiện còn thấp nêu trên, có thể có nguyên nhân do quy định về đăng ký, đăng kiểm chưa phù hợp với thực tế cuộc sống của người dân, đặc biệt là đối với dân cư ở Đồng bằng sông Cửu Long, nơi phương tiện thủy là phổ biến.

Do đó, đề nghị Ban soạn thảo có phân tích thêm về nguyên nhân kết quả thưc hiện việc đăng ký, đăng kiểm để trên cơ sở đó có điều chỉnh các quy định liên quan để quản lý phương tiện cho phù hợp với thực tế, bảo đảm an toàn cho việc giao thông trên mặt nước nói chung.

Có ý kiến đề nghị ngoài quy định tại Điều 24 “Điều kiện hoạt động của phương tiện”, đề nghị bổ sung quy định phương tiên phải “đủ thiết bị an toàn, thiết bị hỗ trợ hành trình, thiết bị thông tin, định vị, dẫn đường theo quy định” vì hiện nay phương tiện thủy nội địa đã phát triển rất mạnh so với những năm trước đây.

Phương tiện có trọng tải từ 200-1000 tấn chiếm tỷ lệ chủ yếu, cá biệt có loại đến 2000 tấn, nhưng lại trang bị rất thô sơ, thiếu thiết bị hỗ trợ hành trình như thông tin liên lạc, máy đo sâu, hải bàn, ra đa, thiết bị định vị…; đồng thời, bổ sung cụm từ “trang thiết bị cho từng loại phương tiện” vào trước “và bảo vệ môi trường…” tại khoản 3 Điều 26 cho phù hợp với bổ sung ở Điều 24.

Thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất. Đồng thời, đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan QLNN, cơ quan cứu nạn, công an, quốc phòng.

Bên cạnh việc cần nâng cao trách nhiệm quản lý tàu thuyền, cấp phép rời bến, bãi, trách nhiệm trong quản lý vận tải hành khách..., cần nâng cao ý thức của người dân khi tham gia GTĐTNĐ, tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là trong vận chuyển hành khách. Do đó, Thường trực Ủy ban về cơ bản nhất trí bổ sung quy định về cứu nạn vào Dự thảo Luật.

Tuy nhiên, quy định trong Dự thảo còn chung, đơn giản, chỉ có 01 Điều, gồm 02 khoản. Đề nghị Ban soạn thảo quy định chi tiết hơn về sự phối hợp và trách nhiệm của các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các cơ quan tìm kiếm và cứu nạn … trong hoạt động cứu nạn.

Trong phần thảo luận, Ông Huỳnh Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Quốc hội đưa ra một số điểm cần được lưu ý để có bổ sung chặt chẽ hơn.

“Tại Điều 8 có ghi là cấm lạng lách gây nguy hiểm, nhưng không quy định rõ tốc độ từng phương tiện trong phạm vi hẹp thế nào, phạm vi rộng thế nào, tôi đề nghị xem xét lại điểm này để có quy định cụ thể hơn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy ở trên bờ có tình trạng thấy tai nạn bỏ đi không ứng cứu, bây giờ dưới nước cũng xảy ra tình trạng đó, như vụ tai nạn ở Cần Giờ vừa qua là thí dụ điển hình. Vậy thì quy định thế nào về việc cứu người trên sông nước? Đây là vấn đề đạo đức, cho nên phải quy định cụ thể, nếu không sẽ dẫn tới tình trạng cứu cũng được, không cứu cũng được, vì trên thực tế có nhiều người sợ có liên quan nên họ đã né tránh, bỏ mặc người bị nạn”, ông Sơn cho hay.

Cùng quan điểm này, ông Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc xác định trách nhiệm của người có liên quan ở đây chưa rõ về mặt pháp lý.

“Điều 98d quá đơn giản, trách nhiệm của từng loại chủ thể thế nào thì chưa được làm rõ, thí dụ: Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện thế nào? Trách nhiệm của người quản lý phương tiện thế nào? Trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ra sao?

Vấn đề cứu hộ, cứu nạn cũng cần phải được bổ sung thêm, trong đó cần lưu ý thêm tới trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng”, ông Lưu nói.

Trước những ý kiến này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của Thường vụ Quốc hội và ý kiến của nhân dân để bổ sung vào dự thảo Luật dễ hiểu, chặt chẽ hơn.

Bộ trưởng Thăng cũng cho biết thêm: “Vụ tai nạn ở Cần Giờ, sẽ quy trách nhiệm đối với hai phương tiện biết tai nạn nhưng không quay lại cứu”.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tổng kết: “Việc xây dựng luật cần phù hợp với tình hình của đất nước ta hiện nay và thời gian tới, chú ý tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là tính khả thi của dự án luật sau khi ban hành… Trong thời gian qua tình trạng tai nạn đường thủy diễn ra rất nghiêm trọng, do đó trong quá trình đẩy mạnh hoạt động giao thông đường thủy phải đảm bảo các yếu tố cần thiết nhất định để đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện, đồng thời làm rõ trách nhiệm của những người thấy tai nạn không cứu hoặc không thông báo”.

Ngọc Quang