Độc giả bàn luận xung quanh câu chuyện thu phí và vấn nạn ùn tắc giao thông:

Bộ trưởng Thăng sẽ vượt "sóng" dư luận về phí giao thông như thế nào?

16/04/2012 14:33
Độc giả Lê Khắc Thế (Cầu Giấy - Hà Nội)
(GDVN) - "Dám nghĩ, dám làm, “trảm tướng” nếu vi phạm và sẵn sàng chịu sức ép từ dư luận, đó là phong cách của vị 'Tư lệnh' của ngành Giao thông Đinh La Thăng. Tuy nhiên, chúng ta cùng chờ xem vị Tư lệnh sẽ hành động như thế nào tiếp theo để vượt qua "sóng gió" thu phí giao thông đang được tranh luận xôn xao dư luận...", độc giả Lê Khắc Thế chia sẻ.
Xung quanh câu chuyện về vấn nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM và phương án đề xuất thu các loại phí bảo trì giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ tháng 6/2012, đã có rất nhiều ý kiến gửi về tòa soạn báo Giáo dục Việt Nam để bày tỏ ý kiến về đề nghị thu phí “lưu hành phương tiện cá nhân” hay nói cách khác là “phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân” mà Bộ Giao thông vận tải mới đề nghị đổi tên. 
Để rộng đường dư luận, Báo Giáo dục Việt Nam xin tiếp tục đăng tải bài viết của độc giả Lê Khắc Thế, thể hiện những suy nghĩ cá nhân xung quanh đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân mà Bộ trưởng Thăng đề xuất. Mời bạn đọc cùng theo dõi: Vị Tư lệnh dám nghĩ, dám làm... Khi mới được Quốc hội phê chuẩn vào chức Bộ trưởng Bộ GTVT, chỉ trong vòng 3 tháng đầu tiên, người dân cả nước đã được chứng kiến một vị Tư lệnh ngành Giao thông vận tải với hàng loạt động thái thể hiện phong thái quyết đoán, dám nghĩ, dám làm đúng tư chất của một vị tư lệnh ngoài "chiến trường". Không chỉ thể hiện bằng những phát ngôn gây sốc, vị “tư lệnh” này luôn luôn thể hiện nó trên mặt trận giao thông vận tải mà ông là người thống lĩnh. 
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Vnexpress).
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng (ảnh: Vnexpress).


Ông đã dám “trảm tướng” ngay tại công trình thi công cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, rồi yêu cầu các công chức của Bộ GTVT kể Bộ trưởng cũng sẽ thường xuyên sử dụng xe buýt, rồi tiếp theo đó ông có văn bản lại cấm cán bộ, công chức ngành giao thông không được chơi goft trong... Không dừng lại ở đó, có lẽ ông cũng là Bộ trưởng đầu tiên công khai số điện thoại cá nhân để nhân dân có thể phản ánh những tâm tư của mình. Đây cũng có thể nói là một động thái làm người dân thêm phần tin tưởng.
Có thể nói Tư lệnh Thăng đã nổi lên như một hiện tượng, trên các mặt báo, diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng đều đồng loạt lên tiếng ủng hộ ông. Người dân ví ông như một "hiện tượng" mới của một ngành mà bấy lâu nay có quá nhiều điều để nói đến. Kế tiếp đó, khi một loạt vụ “trảm tướng” chưa kịp lắng xuống thì Bộ trưởng quyết liệt trong giải quyết vấn đề ùn tắc tại Thủ đô. Với giải pháp “đổi giờ học, giờ làm”, dù có rất nhiều ý kiến khác nhau, nào là: “đổi giờ không phải là chiếc đũa thần”, “đổi giờ không giải quyết được ùn tắc”, thậm chí có chuyên gia còn tuyên bố “đổi giờ mà hết tắc đường… tôi xin đi tù”... Tuy nhiên đâu đó vấn rất nhiều người ủng hộ ông, có độc giả đã thẳng thắn ủng hộ Bộ trưởng “Bộ trưởng ơi đừng vì nhiều luồng dư luận mà giảm sút ý chí để rồi không quyết đoán, mạnh tay làm nữa...”.Vượt "Sóng gió" đề án thu phí giao thông bằng...? Tuy nhiên đến "sáng kiến" thực hiện đề án thu phí bảo trì đường bộ, phí hạn chế phương tiện cá nhân và một số phát biểu có vẻ như “nhầm lẫn” của vị Tư lệnh ngành giao thông, không ít người đã tỏ ra hoài nghi và đặt câu hỏi về tính khả dụng của đề án này và tôi cảm nhận thấy rằng, dường như dư luận có vẻ đang quay lưng với ông?. Như chúng ta đã thấy, dù đã không ít lần lên tiếng trả lời báo chí về mục tiêu cũng như biện pháp thực hiện đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó mục đích chính nhằm giảm nạn ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông ở các đô thị lớn nhưng đa phần người dân vẫn chưa thông. 
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Bởi một lẽ, Bộ trưởng cho rằng, thu phí lưu hành là nhằm hạn chế phương tiện, tiến tới giảm ùn tắc nhưng người dân lại hỏi, vậy khi mà giao thông công cộng chưa đáp ứng thì hạn chế dân đi bằng gì?.  Thêm vào đó, thu phí là chuyện lớn, liên quan đến hàng triệu gia đình trên cả nước, trong khi đó lại không hề có một lộ trình thực thi một rõ ràng cho vấn đề này. Số tiền phí thu được đó, theo dự kiến lên tới 20.000 tỉ đồng sẽ được sử dụng cụ thể như thế nào, vào những mục đích gì, do ai quản lý, Bộ trưởng có dám đảm bảo sẽ không có những tiêu cực, đi đêm, những chuyện tham ô, tham nhũng xung quanh số tiền này không?... Đó là câu hỏi vẫn còn canh cánh trong lòng không ít người dân hiện tại.
Vấn đề thi công các công trình hiện nay của chúng ta cũng là một rào cản khiến người dân còn quan ngại, khi mà hàng loạt các công trình giao thông trọng điểm như Đại lộ Thăng Long, mặt cầu Thăng Long, cao tốc Trung Lương... bị thanh tra vừa qua đều phát hiện ra những sai phạm. Thêm vào đó, nhiều chuyên gia, người dân cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi, liệu rằng thu phí có thực sự đạt được mục đích giảm ùn tắc giao thông khi mà hạ tầng giao thông chưa đảm bảo, ý thức tham gia giao thông của người dân còn quá kém và phí thì được nộp nhưng phương tiện chưa chắc đã giảm... Có lẽ lúc này vị "Tư lệnh" của ngành Giao thông đang ở "chiến trường" thực sự, mà đã như ông từng nói “tư lệnh trên chiến trường phải được quyết lùi hay tiến nếu cứ chờ sẽ lỡ cơ hội”. Vậy người dân sẽ hỏi lúc này lùi sẽ lỡ cơ hội gì và chấp nhận cứ để tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng, hay sẽ quyết tâm thực hiện đề án thu phí từ hầu bao của dân (!?) Mới đấy thôi, như để củng cố thêm niềm tin hay cơ sở của "sáng kiến" thu phí, Tư lệnh Thăng đã cho rằng tại Nghị quyết trả lời chất vấn được Quốc hội thông qua với tỷ lệ 92,4% về chủ trương thu 2 loại phí (phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí lưu hành ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm), tuy nhiên một loạt đại biểu Quốc hội đã “phản pháo” và khẳng định Quốc hội không hề thông qua việc thu 2 loại phí này.  Một số đại biểu đã chỉ ra rằng, Nghị quyết này chỉ  thông qua định hướng chủ trương là có giải pháp chỉnh lại một số loại thuế, phí để điều tiết giao thông và giảm ùn tắc giao thông chứ chưa hề đề cập đến hai loại phí mà Bộ trưởng đề cập? Ngay từ khi câu chuyện thu phí bắt đầu được khởi sướng đến nay, có vẻ những ý kiến ủng hộ đang ít dần đi thay vào đó là sự phàn nàn cho rằng thu phí thực sự đánh vào túi tiền vốn đã eo hẹp trong thời buổi kinh tế còn vô vàn khó khăn của người dân. Và một khi đã đụng chạm vào nồi cơm, túi tiền của từng gia đình thì có lẽ sự phản ứng của người dân cũng là điều không thể tránh khỏi được. Chính bản thân Bộ trưởng Thăng cũng phải thừa nhận “chả ai muốn nộp phí cả, tự dưng mất đi một khoản tiền mà đáng lẽ mình không phải mất”.  Và khi đó vị “tư lệnh” đã phải viện dẫn đến cả lòng yêu nước để lý giải cho "sáng kiến" của mình, “tôi nghĩ rằng hơn 600.000 người đi ô tô sẽ tự hào vì mình đã đóng góp cho đất nước”. Đến bây giờ chính là thời điểm mà bản lĩnh của một vị Tư lệnh thực thụ cần được thể hiện, ông sẽ làm gì để chèo lái 'con thuyền' giao thông vượt qua "sóng gió", và đề án thu phí hạn chế phương tiện cá nhân đang gây xôn xao, thậm chí là tranh luận nảy lửa trong dư luận xã hội. Chúng ta hãy cùng chờ xem...Để bày tỏ quan điểm của mình và đóng góp ý kiến cho ngành giao thông, mời bạn đọc gửi bài viết về tòa soạn theo địa chỉtoasoan@giaoduc.net.vn
Độc giả Lê Khắc Thế (Cầu Giấy - Hà Nội)