"Bỏ xe máy, đầu tư 4 triệu mua xe đạp và đi tàu điện, sau 1 năm tôi đã có lãi"

07/06/2022 10:05
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là chia sẻ của chị Bùi Khánh Linh (30 tuổi, trú tại Trung Văn, Nam Từ Liêm) - nhân viên văn phòng tại phố Giảng Võ (Đống Đa).

Sáng 6/6, thời tiết Hà Nội có mưa, trong khi giao thông ùn ứ, xe buýt bị "chôn chân", thì tàu điện tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn đều đặn chạy 10 phút/chuyến.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại khu vực lối lên xuống của các nhà ga tuyến đường sắt trên cao đều có thang cuốn, thang máy. Người dân có thể mua vé trực tiếp tại phòng bán vé hoặc tại máy thanh toán tự động với các mức giá vé lượt từ 7.000 đồng đến 15.000 đồng nếu đi theo chặng, còn vé ngày là 30.000 đồng. Vé tháng giảm 50% cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.

Theo đó tuyến đường sắt trên cao này có 12 chặng gồm Yên Nghĩa - Văn Khê - La Khê - Hà Đông - Văn Quán - Phùng Khoang - Vành đai 3 - Thượng Đình - Láng - Thái Hà - La Thành - Cát Linh.

Tại khu vực nhà ga, có nhân viên hướng dẫn người dân mua vé và lối đi. Sau khi có vé, hành khách đi qua khu vực quẹt thẻ để đến khu vực tàu điện chạy. Đến đây, có bảng biển thông báo thời gian tàu sắp đến, chuyến tàu tiếp, nhân viên đảm bảo an ninh túc trực ở hai chiều của ga.

Tại điểm dừng của các nhà ga, người lên tàu không phải lo chen chúc do sức chứa của 4 khoang tàu lên đến 960 người (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tại điểm dừng của các nhà ga, người lên tàu không phải lo chen chúc do sức chứa của 4 khoang tàu lên đến 960 người (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Chị Nguyễn Thị Hà (nhà gần bến xe Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) cho hay, từ ngày tuyến đường sắt trên cao đi vào hoạt động, thay vì chị phải đi quãng đường hơn chục cây số từ nhà tới cơ quan ở phố Cát Linh (Đống Đa) mất hàng tiếng đồng hồ, thì nay thời gian được rút ngắn đi rất nhiều.

"Khi trời mưa, nhiều đoạn đường bị ùn tắc nghiêm trọng, nhất là đoạn Ngã Tư Sở. Điều này khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, chặng đường như xa gấp mấy lần.

Từ khi có tàu điện trên cao, tôi mua vé tháng chỉ 200 nghìn đồng, vừa tiết kiệm được tiền bạc vừa tiết kiệm thời gian và sức khỏe. Quan trọng là việc di chuyển đảm bảo an toàn hơn so với việc đi xe máy tham gia giao thông trong điều kiện đường xá Hà Nội thường xuyên ùn tắc, lưu lượng phương tiện tham gia đông như hiện nay", chị Hà chia sẻ.

Cũng giống như chị Hà, chị Bùi Khánh Linh (30 tuổi, nhân viên văn phòng, trú tại Phùng Khoang, Trung Văn, Nam Từ Liêm) chia sẻ, ngay từ những ngày đầu tuyến đường sắt trên cao đi vào hoạt động và cho người dân được trải nghiệm miễn phí, chị đã hào hứng đi tàu để trải nghiệm.

"Tôi thích sự tiện nghi, lịch trình đúng giờ, nhân viên phục vụ tận tình chu đáo khi đi tàu. Vì vậy, tôi quyết định đầu tư chiếc xe đạp gấp gọn khung thép của Nhật Bản với giá 4 triệu đồng để đạp từ nhà ra ga đi tàu điện, khi đến cuối bến thì đạp xe tới cơ quan", chị Linh chia sẻ.

Chị Linh chọn xe đạp để làm phương tiện từ nhà ra ga và từ điểm cuối ga đến cơ quan. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Chị Linh chọn xe đạp để làm phương tiện từ nhà ra ga và từ điểm cuối ga đến cơ quan. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Chị Linh chia sẻ thêm về tiện ích khi đi tàu điện trên cao, nếu như trước đây chị xe máy từ nhà đến cơ quan khoảng 8 cây số, vào những ngày mưa tắc đường thì mất khoảng gần 1 tiếng đồng hồ. Trong khi đó, nếu đi tàu điện thì chị chỉ mất tổng thời gian khoảng 30 phút.

Đi xe máy, mỗi tháng chị Linh mất khoảng 500 nghìn đồng tiền xăng, thì nay với vé tháng tàu điện chị chỉ mất 200 nghìn đồng. Bên cạnh đó là giúp chị rèn luyện sức khỏe.

"Đầu tư chiếc xe đạp 4 triệu đồngkết hợp đi tàu metro, tôi thấy rằng sau một năm là có lãi từ việc tiết kiệm tiền đổ xăng, dầu nhớt.... Mỗi buổi chiều tan tầm, đồng nghiệp cơ quan tôi cũng từng tốp đạp xe ra nhà ga Cát Linh để về nhà.

Tàu điện trên cao đã trở thành phương tiện văn minh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm chi phí cho người dân", chị Linh cho hay.

Chị Linh đạp xe đến cơ quan. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Chị Linh đạp xe đến cơ quan. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Có mặt trên chuyến tàu điện vào sáng 6/6 là gia đình chị Phạm Thị Thắm (quê ở Quảng Nam) gồm 7 thành viên ra Hà Nội du lịch.

Chị Thắm cho hay, đây là lần đầu gia đình được trải nghiệm tàu điện Cát Linh - Hà Đông.

"Khi đến nhà ga mua vé thì được nhân viên hướng dẫn tận tình, không gian bên trong tàu thoáng đãng, đỡ phải chen chúc như đi ô tô, xe máy", chị Thắm chia sẻ.

Ông Phạm Văn Tuấn (78 tuổi, trú tại Đống Đa) cho hay, mọi khi ông thường đi xe buýt BRT để xuống bến xe Yên Nghĩa bắt xe về Chương Mỹ, tuy nhiên hôm nay ông quyết định đi thử tàu điện để trải nghiệm.

"Tôi được miễn phí vé vì là người cao tuổi, khi vào bên trong tàu tôi thấy không gian rất thoáng đãng, sạch sẽ. Điểm dừng tại các bến và thời gian đi cũng nhanh hơn so với xe buýt. Lúc về, tôi vẫn sẽ đi phương tiện này", ông Tuấn nói.

Một số hình ảnh được phóng viên ghi nhận trong sáng 6/6:

Sáng 6/6, thời tiết tại khu vực trung tâm Thành phố Hà Nội có mưa rào rải rác. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Sáng 6/6, thời tiết tại khu vực trung tâm Thành phố Hà Nội có mưa rào rải rác. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Người dân đi thang cuốn lên khu vực nhà ga Yên Nghĩa. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Người dân đi thang cuốn lên khu vực nhà ga Yên Nghĩa. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Phía bên trong nhà ga, người dân có thể mua vé tại quầy bán vé hoặc tại máy bán vé tự động.

Phía bên trong nhà ga, người dân có thể mua vé tại quầy bán vé hoặc tại máy bán vé tự động.

Tại khu vực bán vé tự động "ế ẩm", do nhiều người đã mua vé tháng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Tại khu vực bán vé tự động "ế ẩm", do nhiều người đã mua vé tháng. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Chị Hà cho cô con gái lên chỗ làm chơi vào ngày đầu tuần. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Chị Hà cho cô con gái lên chỗ làm chơi vào ngày đầu tuần. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Hơn 9h sáng, tại đường trên cao Vành đai 3 và đường Nguyễn Xiển vẫn ùn ứ. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Hơn 9h sáng, tại đường trên cao Vành đai 3 và đường Nguyễn Xiển vẫn ùn ứ. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Gia đình chị Thắm đi tham quan Hà Nội bằng phương tiện tàu điện. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Gia đình chị Thắm đi tham quan Hà Nội bằng phương tiện tàu điện. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ngồi trên tàu điện, hành khách cũng có thể ngắm cảnh quan của thành phố. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ngồi trên tàu điện, hành khách cũng có thể ngắm cảnh quan của thành phố. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Ông Phạm Văn Tuấn phấn khởi khi lần đầu được đi tàu điện trên cao. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Ông Phạm Văn Tuấn phấn khởi khi lần đầu được đi tàu điện trên cao. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (đơn vị vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông), mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người/đoàn, tốc độ cao nhất 80 km/giờ, tốc độ khai thác 35 km/giờ. Tổng thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến hết hơn 23 phút. Hiện có 54 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trong đó ga Cát Linh và Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt và các ga trung gian có từ 8 - 9 tuyến buýt. Lượng khách bình quân đạt hơn 10.000 khách/ngày, riêng hai ngày cuối tuần khoảng 15.000 khách. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (đơn vị vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông), mỗi đoàn tàu gồm 4 toa, sức chở tối đa 960 người/đoàn, tốc độ cao nhất 80 km/giờ, tốc độ khai thác 35 km/giờ. Tổng thời gian đoàn tàu di chuyển toàn tuyến hết hơn 23 phút. Hiện có 54 tuyến buýt kết nối với đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, trong đó ga Cát Linh và Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt và các ga trung gian có từ 8 - 9 tuyến buýt. Lượng khách bình quân đạt hơn 10.000 khách/ngày, riêng hai ngày cuối tuần khoảng 15.000 khách. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Mạnh Đoàn