Bồi dưỡng giáo viên các môn tích hợp 150 ngàn đồng/tín chỉ, đắt quá!

19/12/2021 07:00
HƯƠNG MAI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đất nước đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn về kinh tế, đời sống của giáo viên cũng vậy nên giảm bớt được chi phí trong lúc này là điều rất cần thiết.

Những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đến năm học này đã đưa vào giảng dạy chương trình, sách giáo khoa mới ở lớp 1, lớp 2 và lớp 6 trên phạm vi cả nước.

Chương trình mới có nhiều môn học mới nên đòi hỏi giáo viên phải trang bị thêm kiến thức để đảm đương việc giảng dạy cả môn học. Chính vì thế, trong thời gian qua thì lãnh đạo Bộ đã có ban hành nhiều văn bản để hướng dẫn cho công việc này.

Đặc biệt là ngày 21/7/2021 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành một số văn bản hướng dẫn cho giáo viên Tin học ở đi bồi dưỡng thêm kiến thức để về dạy môn Tin học và Công nghệ; giáo viên Lịch sử, Địa lí đi học để về dạy môn Lịch sử và Địa lí; giáo viên Vật lí, Sinh học, Hóa học đi học để về dạy môn Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở.

Đây được xem là những việc cần thiết để trang bị kiến thức môn học mới đến đội ngũ nhà giáo bởi cả 3 Quyết định đều nhấn mạnh: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn Tin học và Công nghệ ở Tiểu học; môn Khoa học tự nhiên; môn Lịch sử và Địa lí ở cấp Trung học cơ sở”.

Tuy nhiên, để hoàn thiện các khóa bồi dưỡng theo chứng chỉ với đơn giá 150 ngàn đồng/ 1 tín chỉ quả là một áp lực rất lớn cho ngân sách nhà nước và cho cả chính giáo viên giảng dạy các môn học này.

Chương trình năm 2018 có thêm một số môn học mới (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Chương trình năm 2018 có thêm một số môn học mới (Ảnh minh họa: VTV.vn)

Gần một nửa giáo viên dạy các môn học hiện nay ở cấp trung học cơ sở phải đi học để lấy chứng chỉ dạy môn học mới

Có lẽ, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 thì trên cả nước chỉ có Thành phố Hồ Chí Minh là đã bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên về 2 môn học mới là Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí.

Chính vì thế, khi triển khai chương trình lớp 6 thì phần lớn các địa phương còn lại có phần bị động trong việc sắp xếp, bố trí giáo viên giảng dạy 2 môn học này. Đa phần, các địa phương vẫn đang bố trí giáo viên dạy các phân môn của môn học mới chứ chưa bố trí 1 giáo viên dạy cả môn học.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì nội dung giáo dục công nghệ và nội dung giáo dục tin học được ghép lại với nhau tạo thành môn học mới với tên gọi là môn Tin học và Công nghệ, được dạy từ lớp 3 đến lớp 5 ở cấp tiểu học.

Ở cấp trung học cơ sở thì môn Lịch sử, Địa lí của chương trình 2006 được tích hợp lại với nhau thành môn học Lịch sử và Địa lí. Đối với 3 môn học Vật lí, Sinh học, Hóa học được tích hợp thành môn Khoa học tự nhiên.

Chính vì vậy, để tiến tới việc 1 giáo viên đơn môn hiện nay có thể dạy được môn tích hợp của chương trình mới thì ngày 21/7/2021 vừa qua thì Bộ đã ban hành Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT; Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT; Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT để hướng dẫn các địa phương có kế hoạch bố trí giáo viên đi học.

Cả 3 quyết định trên đều hướng dẫn cụ thể các đối tượng tham gia học bồi dưỡng các chứng chỉ này. Những người học được Bộ hướng dẫn không chỉ là những giáo viên đang giảng dạy tại các nhà trường mà có cả sinh viên sư phạm năm cuối của các trường cao đẳng sư phạm khi học các chuyên ngành liên quan đến các phân môn của những môn học mới.

Chương trình học được thiết kế từ 20 đến 36 tín chỉ đối với từng đối tượng cụ thể và mỗi tín chỉ đang được các trường đại học thông báo đến các nhà trường và giáo viên tiểu học, trung học cơ sở là 150 ngàn đồng.

Nguồn kinh phí bồi dưỡng được hướng dẫn lấy: từ nguồn ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng; do người học tự đóng góp.

Và, tất nhiên là tất cả giáo viên Tin học ở tiểu học và giáo viên 5 môn học: Sử, Địa, Lí, Hóa, Sinh hiện nay ở cấp trung học cơ sở, sinh viên năm cuối các chuyên ngành này ở các trường cao đẳng sư phạm đều phải tham gia học tập để có chứng chỉ.

Đây là một lực lượng rất đông đảo bởi số lượng giáo viên dạy 2 môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở chiếm tới gần nửa số môn học hiện hành của cấp học này.

Điều dĩ nhiên là nó cũng sẽ dẫn đến một nguồn thu và chi rất lớn trong quá trình bồi dưỡng và học tập xong chứng chỉ cho toàn bộ giáo viên giảng dạy đối với các môn học mới.

Nếu Bộ chủ trưởng giao việc bồi dưỡng cho các trường sư phạm sẽ giảm được rất nhiều kinh phí

Đến bây giờ, môn Tin học và Công nghệ ở cấp tiểu học và các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí ở cấp trung học cơ sở đã được thông qua rồi nên sự thay đổi về môn học là sẽ không thể xảy ra.

Bởi, ngay từ khi chương trình tổng thể, chương trình môn học còn trong quá trình dự thảo, được dư luận góp ý mà Bộ vẫn quyết tâm xây dựng các môn học này thì bây giờ mọi thứ chắc chắn sẽ được giữ nguyên.

Tuy nhiên, cách bồi dưỡng kiến thức các môn học mới cho giáo viên nên có những thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh đất nước và điều kiện kinh tế của đội ngũ nhà giáo là điều mà Bộ cần phải nghiên cứu thấu đáo.

Theo hướng dẫn của Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT; Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT; Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT thì kinh phí đào tạo được huy động từ 3 nguồn, đó là: nguồn ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng và do người học tự đóng góp.

Chúng tôi nhẩm tính, với giá mà các trường đại học sư phạm đang thông báo hiện nay là 150 ngàn đồng/ 1 tín chỉ, người học ít nhất là 20 tín chỉ, nhiều nhất là 36 tín chỉ. Số tiền tương đương với mỗi chứng chỉ sẽ 3 triệu và 5,4 triệu đồng.

Vậy, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho toàn bộ giáo viên Tin học ở cấp tiểu học; giáo viên Sử, Địa, Lí, Hóa, Sinh ở cấp trung học cơ sở thì số lượng phải lên đến hàng trăm ngàn giáo viên.

Nếu lấy mức bình quân của 2 con số 3 triệu và 5,4 triệu thì sẽ là 4,2 triệu đồng/ 1 chứng chỉ và nếu bồi dưỡng cho khoảng 100 ngàn giáo viên sẽ ra con số khoảng trên 400 tỉ đồng chi trực tiếp cho kinh phí đào tạo. Ngoài ra, khi tham gia các khóa học này chắc chắc giáo viên còn phải chi thêm nhiều khoản tiền khác nữa trong quá trình học tập.

Nếu bây giờ, Bộ chủ trương giao nhiệm vụ cho các trường sư phạm, khoa sư phạm ở các tỉnh đảm nhận việc đào tạo này bằng hình thức đào tạo miễn phí cho giáo viên tiểu học, trung học cơ sở dạy đối với các môn học mới thì chắc chắn sẽ có nhiều cái lợi.

Thứ nhất: khối trường đại học sư phạm, khoa sư phạm ở các địa phương hiện nay vẫn do ngân sách nhà nước trả lương và họ thuộc biên chế của các đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt, trong những năm qua nhiều trường sư phạm địa phương không tuyển được sinh viên. Chỉ có một số trường đại học sư phạm trọng điểm mới tuyển đủ số lượng được Bộ giao chỉ tiêu.

Trong khi, giảng viên cũng đang được giao định mức giảng dạy trong từng năm. Chính vì thế, nếu các trường, khoa sư phạm đảm nhận việc đào tạo, bồi dưỡng các môn học mới cho giáo viên phổ thông theo số tiết định mức cũng là cách làm phù hợp.

Nếu thừa số lượng theo định mức thì giảng viên sẽ hưởng tiền dư giờ theo quy định hiện hành. Số tiền chênh lệch thừa giờ này sẽ không đáng kể so với mức giá mà các trường đại học sư phạm báo giá hiện nay.

Thứ hai: Bộ chủ trương thiết kế vừa học trực tuyến, vừa học trực tiếp khi bồi dưỡng các chứng chỉ này. Nó vừa giảm áp lực học tập và giảng dạy cho giáo viên phổ thông và giảng viên đại học. Việc học trực tiếp sẽ bố trí vào thời điểm hè của các năm học.

Thứ ba: Nếu Bộ giao cho các trường, khoa sư phạm ở các địa phương tự bồi dưỡng cho giáo viên trong tỉnh (thành) sẽ giúp cho chi phí giảm bớt và những tiêu cực cũng không xảy ra.

Nếu làm được như vậy, giảng viên ở những trường sư phạm địa phương cũng đảm bảo được công việc hàng năm mà điều quan trọng là ngân sách nhà nước, kinh phí các nhà trường hoặc giáo viên không phải đầu tư một khoản tiền quá lớn.

Hơn nữa, phần lớn các địa phương hiện nay đều có trường, khoa sư phạm nên việc làm này khá thuận lợi bởi việc điều động, giao nhiệm vụ không quá khó khăn đối với lãnh đạo Bộ và các Ủy ban nhân dân các tỉnh (thành).

Đất nước đang trải qua một giai đoạn rất khó khăn về kinh tế, đời sống của giáo viên cũng vậy nên giảm bớt được chi phí trong lúc này là điều rất cần thiết mà Bộ nên hướng đến. Đừng để cái gì ngân sách cũng phải chi tiền, cái gì cũng quy ra chứng chỉ để yêu cầu giáo viên đóng tiền đi học thì lãng phí quá!

HƯƠNG MAI