Bồi dưỡng nhân tài nên theo hướng cá thể, đừng đầu tư hàng loạt trường chuyên

06/04/2022 06:58
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du – quận 10, trường chuyên ở Thành phố Hồ Chí Minh quá nhiều, nên thu hẹp.

Phát triển trường trung học phổ thông chuyên là một trong những chính sách được các địa phương quan tâm, chú trọng đầu tư. Bởi lẽ, các tỉnh/thành phố mà đầu tư cho hệ thống các trường chuyên chính là nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của địa phương mình.

Thế nhưng, việc đầu tư cho hệ thống trường trung học phổ thông chuyên như thế nào là hợp lý, để đảm bảo tính công bằng trong việc hưởng thụ giáo dục công cho người dân

Đặc biệt, trong thời gian gần đây có một số địa phương dự kiến chi tiền tỷ để mời giáo sư, phó giáo sư về công tác, giảng dạy tại trường chuyên.

Bàn luận về vấn đề này, Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trước hết, cần phải xây dựng trường chuyên ra trường chuyên.

Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, 1 trong 3 trường chuyên tại thành phố (ảnh minh họa: Hội phụ huynh nhà trường)

Trường trung học phổ thông chuyên Trần Đại Nghĩa, 1 trong 3 trường chuyên tại thành phố (ảnh minh họa: Hội phụ huynh nhà trường)

Có nghĩa rằng ở bên trong chuyên chỉ có học sinh chuyên, chứ không phải là mượn danh nghĩa trường chuyên để tuyển học sinh không chuyên vào trong đó, viện cớ để nhằm nâng cao đời sống của giáo viên do hệ số lương của giáo viên và ngân sách dành cho trường chuyên là đặc thù, khác hoàn toàn với trường thường.

Còn nếu gọi rằng trường chuyên là nơi để bồi dưỡng nhân tài cho đất nước thì cần phải cấp học bổng cho học sinh, đó là trách nhiệm của Nhà nước nhưng cũng cần ràng buộc trách nhiệm của người học.

Bởi lẽ, hiện nay, phần đông các học sinh chuyên sau khi tốt nghiệp đều đi du học, nên cũng cần phải cho học sinh học chuyên có trách nhiệm phụng sự cho Tổ quốc.

Khi đó, kinh phí để đào tạo một con người, dùng ngân sách Nhà nước “đổ sông đổ biển” hết. Do học sinh trường chuyên có rất nhiều quyền lợi, nên cũng cần ràng buộc phụ huynh ký cam kết, có vi phạm thì đề nghị bồi thường kinh phí đào tạo.

Về việc một số địa phương có khuynh hướng mời giáo sư, phó giáo sư về các trường chuyên giảng dạy, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng đây là việc dư thừa.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú giải thích: Thực chất, các vị có học hàm, học vị giảng dạy ở các trường phổ thông rất hạn hẹp, không nhiều, chuyên môn những người này không rộng, do phần đông đề tài nghiên cứu của những vị này đều ở lĩnh vực vĩ mô, nằm trong một lĩnh vực nhất định, còn giảng dạy ở trường chuyên thì phải có kiến thức bao quát.

Giáo viên dạy trường chuyên phải gắn kết cả 1 quá trình giảng dạy. Các giáo sư, phó giáo sư hầu như phương pháp giảng dạy không phù hợp với tâm sinh lý của học sinh lứa tuổi phổ thông, làm uổng phí nguồn nhân lực, nên chắc chắn hiệu quả sẽ không cao, làm tiêu tốn nguồn ngân sách rất lớn.

Về ý kiến cho rằng, khối tư thục cũng nên được đầu tư và xây dựng trường chuyên, thầy Huỳnh Thanh Phú cho rằng, một hệ thống giáo dục đa dạng thì cũng nên làm việc này. Nếu khối tư thục, có nhà đầu tư mà làm được thì cũng nên đồng ý.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú đề xuất: “Nếu hàng năm, hết học kỳ 1, thành phố cho phép học sinh công lập thi bổ sung vào trường chuyên, lớp chuyên thì cũng phải cho học sinh khối tư thục được phép tương tự như vậy.

Đối tượng dự thi cần phải đa dạng, khách quan, công bằng, chỉ cần học sinh có nguyện vọng thi vào chuyên là được".

Đối với các trường trung học phổ thông chuyên tại Thành phố Hồ Chí Minh, thầy Huỳnh Thanh Phú khẳng định, hiện thành phố đang đầu tư quá tràn lan.

Theo thầy Phú, mỗi địa phương cũng chỉ cần một trường trung học phổ thông chuyên là đủ, để nguồn ngân sách đầu tư cho những trường này rõ ràng.

“Chứ còn hiện nay, thành phố ngoài 3 trường trung học phổ thông chuyên, thì trong trường bình thường lại có lớp chuyên và trường trung học phổ thông chuyên cũng có lớp thường là rất rối rắm.” – thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.

Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Du, quận 10 đặt vấn đề: “Việc đầu tư cho trường trung học phổ thông chuyên như hiện nay của thành phố có xứng tầm hay không, khi một năm, học sinh lớp 12 đi thi quốc gia cũng chỉ được vài giải Nhất ở một môn, trong khi đầu tư kinh phí thì một năm vài chục tỷ đồng”.

Thành phố Hồ Chí Minh là một địa phương rất lớn, mà một môn chỉ có một vài giải Nhất, nhưng bỏ kinh phí ra quá lớn như vậy thì có nên chăng? Cần xem lại quy trình đào tạo, từ cách đào tạo, cách chọn người tài của chúng ta có thực tại hay không?

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc có nên chăng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài theo nhiều hướng khác thay vì chỉ đầu tư vào các trường chuyên, thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết: Cần phải xem rõ coi học sinh có thực tài hay không.

“Nếu học sinh thực có tài, thì nên đầu tư, bồi dưỡng theo hướng cá thể, những em có năng khiếu đặc biệt, chứ cũng không cần đầu tư, dạy chuyên hàng loạt như hiện nay. Trường nào cũng có những em có năng khiếu, nổi bật. Chúng ta nên đầu tư ngay tại chính trường của các em đang học, có cơ chế đặc biệt cho thầy cô giảng dạy”.

Nói tóm lại, thầy Huỳnh Thanh Phú nhấn mạnh, đầu tư cho một cá thể sẽ đỡ kinh phí hơn là đầu tư cho hàng loạt học sinh.

Việt Dũng