Bồi dưỡng thường xuyên, những điều giáo viên cần biết

30/06/2019 08:01
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Công tác bồi dưỡng được giáo viên quan tâm nhiều nhất chính là Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

LTS: Trong bài viết này, thầy Sơn Quang Huyến sẽ giải đáp thắc mắc cho những ai quan tâm về công tác bồi dưỡng thường xuyên của ngành giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Không ít giáo viên còn mơ hồ về công tác Bồi dưỡng thường xuyên của ngành giáo dục.

Giáo viên tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bắt buộc hằng năm, phát triển nâng cao nghề nghiệp. Bồi dưỡng thường xuyên, một phương thức giáo dục nghiệp vụ, kĩ năng cho nhà giáo. 

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng đối với giáo viên theo Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP quy định.

Gồm có 4 hình thức bồi dưỡng:

- Bồi dưỡng tập sự.

- Bồi dưỡng theo tiêu chuẩn Chức danh nghề nghiệp.

- Bồi dưỡng trước khi bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý;

- Bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bắt buộc hàng năm (Bồi dưỡng thường xuyên).

Hoạt động bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên không phải nộp kinh phí.

Giáo viên tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bắt buộc hằng năm, phát triển nâng cao nghề nghiệp. Ảnh minh họa: http://pgdtxphoyen.thainguyen.edu.vn
Giáo viên tham gia bồi dưỡng, cập nhật kiến thức bắt buộc hằng năm, phát triển nâng cao nghề nghiệp. Ảnh minh họa: http://pgdtxphoyen.thainguyen.edu.vn

Công tác bồi dưỡng được giáo viên quan tâm nhiều nhất chính là Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp được quy định trong Thông tư số 26/2012/TT-BGDĐT, đối với ngành Giáo dục gọi là bồi dưỡng thường xuyên.

Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp là quy định mới, được thực hiện sau khi Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Viên chức có hiệu lực.

Đây là hình thức bồi dưỡng áp dụng đối với viên chức của tất cả các ngành/lĩnh vực (trước đây trong lịch sử quản lý, sử dụng viên chức không có hình thức bồi dưỡng này).

Hình thức bồi dưỡng này đáp ứng nhu cầu tự thân của mỗi giáo viên, tích lũy đủ tiêu chuẩn nhằm mục đích thăng hạng Chức danh nghề nghiệp.

Đối với ngành Giáo dục, đến năm 2017, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện việc ban hành các văn bản, quy định và hướng dẫn thực hiện công tác bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thì các địa phương mới bắt đầu triển khai công tác bồi dưỡng.

Ở Diên Khánh, giáo viên đi học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không mất tiền
Ở Diên Khánh, giáo viên đi học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không mất tiền

Nếu không có nhu cầu thăng hạng, giáo viên chỉ cần tham gia bồi dưỡng một lần duy nhất, để đảm bảo đáp ứng yêu cầu của hạng đã được bổ nhiệm (giữ hạng).

Bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp phải đóng tiền có đúng không?

Theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 1/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được quy định đối với cán bộ, công chức và viên chức được quy định khác nhau.

Trong đó, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng viên chức được quy định từ các nguồn: do viên chức, nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các nguồn khác bảo đảm.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức là nữ, là người dân tộc thiểu số.

Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 101/NĐ-CP năm 2018, Bộ Tài Chính đã ban hành Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Thông tư số 36/2018/TT-BTC, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được quy định đảm bảo từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, đóng góp của viên chức và các nguồn khác theo quy định của pháp luật.

Căn cứ các hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Tài Chính, việc thu tiền học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn Chức danh nghề nghiệp của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng là không sai.

Mức thu cụ thể đối với từng khóa học, ở từng cơ sở đào tạo bồi dưỡng có thể có sự khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Có địa phương không thu, nơi thu nhiều, thu ít làm dư luận nghi nghờ là điều khó tránh khỏi.

Việc thu tiền không minh bạch, quá cao so với lương của giáo viên; thời gian thực dạy cuả giảng viên; công tác tổ chức thiếu chuyên nghiệp, chụp giật gây tác động tiêu cực lên dư luận.

Mặt khác, nội dung của chương trình trùng lặp, dẫn đến nghi ngờ có cần Chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp không?

Vì vậy, để khỏi mất tiền oan, giáo viên cần đối chiếu các chứng chỉ cần thiết của hạng mình đang giữ, muốn thăng, có kế hoạch tham gia bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp phù hợp.

Đời sống giáo viên đang khó khăn, các cấp chính quyền nên tạo điều kiện cho giáo viên được bồi dưỡng miễn phí trên cả nước.

Tài liệu tham khảo:

//vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=190962

//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-26-2012-TT-BGDDT-Quy-che-boi-duong-thuong-xuyen-giao-vien-mam-non-145015.aspx

//thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Nghi-dinh-101-2017-ND-CP-dao-tao-boi-duong-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-319214.aspx

//thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-36-2018-TT-BTC-huong-dan-lap-du-toan-quan-ly-kinh-phi-dao-tao-can-bo-cong-chuc-383277.aspx

Sơn Quang Huyến