Liệu có ai có thể 1-kèm-1 với Lionel Messi?

05/04/2013 06:30
Thanh Tùng
(GDVN) – Hầu hết đối thủ của Barcelona mùa này đều đã bị Lionel Messi chọc thủng lưới, nhưng ai đã làm tốt nhất việc khống chế tiền đạo người Argentina?
Lionel Messi đang là tiền đạo thể hiện tốt nhất thế giới, điều đó không thể phủ nhận. Anh mạnh ở gần như mọi mặt liên quan tới tấn công: Dắt bóng, dứt điểm, chuyền bóng, sút xa, đá phạt trực tiếp, chọc khe, giữ bóng, v.v… Chỉ có khả năng tranh bóng bổng và căng ngang/tạt bóng của Messi là yếu (mới thực hiện chính xác 5 lần trong tổng số 40 lần ở La Liga), nhưng lối chơi chạy cắt vào vòng cấm của anh cho phép anh gây đe dọa khung thành đối phương mà không phải chuyền bóng.
Nhưng có một câu hỏi thú vị là, ai có thể chặn được Messi trong những pha 1-chọi-1? Đã có ai có thể khóa được Messi trong 90 phút thi đấu?
Xem lại các trận đấu trọn 90 phút (không tính các trận ra sân từ ghế dự bị) của Messi mùa giải này (chỉ tính ở La Liga và Champions League), Messi gần như thể hiện ở mức xuất sắc ở tất cả các trận đấu. Đôi lúc anh chơi ở mức khá trước một số đối thủ như Granada (23/9/2012), Celtic (24/10/2012), Valencia (4/2/2013). 
Chỉ có 2 trận đấu mà Lionel Messi đã thể hiện dưới khả năng của mình, đó là trận gặp Celta Vigo (4/11/2012) và AC Milan (21/2/2013). Trận gặp Celta Vigo thậm chí còn chưa đến mức được coi là tệ.
Barcelona 3-1 Celta Vigo ngày 4/11/2012
Messi chạm bóng tổng cộng 81 lần, dứt điểm 5 lần và trúng đích 2, không ghi bàn thắng nào và cũng không có kiến tạo. Đây là trận đấu đầu tiên trong mùa giải 2012/13 mà Messi để mất bóng quá 5 lần trong suốt trận, khi anh kết thúc trận với 5 lần bị cướp bóng và 4 lần chuyền hỏng.
Trong trận đấu này, Messi được bố trí chơi ở vị trí trung phong, với David Villa (trái) và Pedro (phải) yểm trợ ở hai cánh. Anh trực tiếp đối đầu với cặp trung vệ Jonathan Vila & Andres Tunez, cả hai đều cao 1m86 và đều rất to con, nhưng Vila chơi không tốt bằng Tunez. Phía trước cặp trung vệ này là Borja Oubina, một tiền vệ phòng ngự cao 1m79 nặng 75kg và là một chuyên gia xoạc bóng, trung bình ghi 3.9 lần cướp bóng/trận.
Kết thúc trận đấu, cặp Vila & Tunez chỉ ở mức trung bình. Vila không cướp được bóng từ chân Messi, còn Tunez chỉ cướp bóng được 1 lần. Tuy nhiên sự phối hợp giữa cặp này với Oubina tương đối tốt. Oubina 3 lần cướp được bóng từ chân Messi, còn Vila và Tunez cắt bóng chính xác 7 lần, 4 trong số đó là các đường chuyền từ Messi.


Như vậy, để chặn Messi, Celta Vigo đã sử dụng chiến thuật double-mark (kèm đôi) với tiền đạo này. Oubina trực tiếp lao ra tranh chấp với Messi còn Vila và Munez ở phía sau bọc lót để cắt đường chuyền hoặc trực tiếp cản phá Messi nếu Oubina bị vượt qua. Chiến thuật này giới hạn tới mức tốt nhất có thể khả năng dắt bóng đột phá của Messi: anh chỉ 1 lần qua người thành công trong cả trận, và đó là vượt qua Vila.
Thực tế thì đầu hiệp 1 trận đấu này Messi đã có tới 3 cơ hội dứt điểm khác nhau, ở các phút 11, 15 và 19, nhưng cả 3 đều không thành bàn do đi trượt hoặc bị thủ môn Varas cản phá. Tuy nhiên kể từ sau phút 19, Messi phải tới phút 50 mới có cú dứt điểm tiếp theo, và đó là một quả đá phạt trực tiếp. Pha dứt điểm cuối cùng đến ở phút 69, một cú đá từ ngoài vòng cấm bị block. 
Cũng cần lưu ý rằng, cho tới phút 26 Barcelona đã dẫn 2-1, và đến phút 61 Barcelona đã ghi được 3 bàn thắng và Messi không bị áp lực phải ghi bàn thêm nữa. Khoảng thời gian Messi không dứt điểm từ phút 19 tới phút 50 cũng trùng khớp với thế trận trên sân, rằng Barcelona đã dẫn trước và ở thế điều khiển.
Như vậy, có thể nói sự phối hợp giữa các cầu thủ phòng ngự của Celta Vigo chỉ góp phần hạn chế ảnh hưởng của Messi trong trận đấu, chứ không ảnh hưởng gì tới toàn cục thế trận, đặc biệt là sau khi Barcelona vượt lên dẫn 2-1 ở phút 26. Khi Barcelona đã dẫn bàn, Messi cũng không có lý do gì phải quá sức mà ghi bàn.
AC Milan 2-0 Barcelona ngày 21/2/2013
Đây là trận đấu sẽ còn được nhắc đến trong một thời gian nữa, bởi AC Milan đã giữ sạch lưới và chiến thắng một cách thuyết phục Barcelona. Ở trận đấu này, Lionel Messi được bố trí đá trung phong, với Iniesta (trái) và Pedro (phải) yểm hộ 2 cánh. Bên phía AC Milan, Mexes & Zapata là cặp trung vệ, và trước mặt họ là Massimo Ambrosini. 
Kết thúc trận đấu, Messi sút 2 lần nhưng trượt hết, 4 lần qua người thành công, bị cướp bóng 4 lần và chuyền hỏng 2 lần. Messi chạm bóng 80 lần tổng cộng.
Bên phía Milan, Mexes cướp bóng 4 lần và cắt bóng 2 lần, Zapata cướp bóng 1 lần và cắt bóng 2 lần. Nhưng nhân vật chính phải là Massimo Ambrosini, cướp bóng 7 lần và cắt bóng 6 lần.


Để chặn Messi, hàng phòng ngự Milan lùi về sâu nhưng dàn hàng rất dày ở khu vực ngoài vòng cấm trong khoảng cự ly 30m, và Ambrosini án ngữ ở trước khu 16m50. Messi trong 2 lần dứt điểm ở các phút 10 và 63 đều có vị trí dứt điểm là ngoài vòng cấm. Ở cú sút thứ nhất, anh bị Zapata block được, còn ở cú sút thứ 2 là một quả đá phạt trực tiếp đi lên khán đài.
Ambrosini không đủ tốc độ để kèm Messi và bị vượt qua 4 lần, nhưng khoảng cách giữa Ambrosini và Mexes & Zapata là hợp lý để cặp trung vệ này có thể ngay lập tức xông vào cướp bóng khi Messi vừa vượt qua Ambrosini. Messi là người để mất bóng (cả bị cướp và chuyền hỏng) nhiều nhất của Barcelona ngày hôm đó.
Việc bắt chặt trung phong Messi đã góp phần không nhỏ trong việc AC Milan giữ sạch lưới, và họ đã tận dụng tốt những cơ hội có được để ghi 2 bàn thắng.
Valencia 1-1 Barcelona ngày 4/2/2013
Messi cũng được xếp đá trung phong ở trận đấu này, cũng với Iniesta và Pedro ở 2 cánh. Đối đầu với anh là cặp trung vệ Ricardo Costa & Adil Rami, ở phía trước là hai tiền vệ phòng ngự Victor Ruiz và Tino Costa.
Messi kết thúc trận đấu với 1 bàn thắng, 5 cú dứt điểm (trúng 1), 3 lần qua người thành công, 3 lần bị cướp bóng và chạm bóng tổng cộng 72 lần. 3 lần dứt điểm của Messi đến từ ngoài vòng cấm và 2 lần bị block, trong khi cú dứt điểm trong vòng cấm phút 50 đi quá cao. Cú sút còn lại là quả penalty thành bàn ở phút 39.
Hàng phòng ngự của Valencia chơi khá tốt trong trận này, đặc biệt là Adil Rami khi đã 3 lần cướp bóng và cắt 5 đường chuyền. Ricardo Costa có 3 lần cướp bóng và 3 lần cắt bóng, nhưng đã để cho Messi vượt qua 1 lần. Hai tiền vệ phòng ngự Ruiz và Costa chủ yếu làm nhiệm vụ cắt đường chuyền, cả hai không ai trực tiếp kèm Messi.


Có một điều đáng chú ý là, quả penalty chính là lần đầu tiên Messi dứt điểm trong trận đấu, còn thời gian trước đó Messi không tung ra được bất kỳ cú đá nào và những gì anh nỗ lực làm được là cầm bóng đột phá để buộc đối phương phạm lỗi, nhưng những tình huống cố định mà Messi kiếm được không tạo ra đột biến nào hết.
Bước sang hiệp 2, nhịp độ trận đấu đẩy cao do Barcelona cần thắng và Messi đã thực hiện 4 lần dứt điểm trong hiệp đấu này. Tuy nhiên Valencia trong tình thế cầm hòa đã chủ động chơi phòng thủ và các cầu thủ Valencia sẵn sàng lăn xả vào để ngăn chặn đối phương sút bóng. Tiền đạo Roberto Soldado thậm chí còn chủ động phạm lỗi ngay với cầu thủ Barca ở giữa sân để làm gián đoạn các pha lên bóng, và Adil Rami luôn theo sát Messi.
Kết luận
Trong những ví dụ nêu trên, Adil Rami là người kèm trực tiếp Messi khá nhất nhưng anh cũng phải cần tới sự trợ giúp đắc lực của các đồng đội xung quanh. Messi trong những trận đấu này đều rơi vào tình trạng bị kèm đôi bởi trung vệ và tiền vệ phòng ngự của đối phương, và khoảng không di chuyển của anh bị đẩy ra xa vòng cấm khiến Leo thường phải chuyển sang giải pháp sút xa.
Cũng vì lý do đó, có thể khẳng định rằng việc kèm Messi 1-kèm-1 là một phương án khá mạo hiểm bởi trình độ kỹ thuật của Lionel Messi là vượt trội so với rất nhiều hậu vệ, do đó cách tốt nhất để ngăn cản anh là đẩy tiền đạo này ra xa khỏi khu 16m50 càng lâu càng tốt. Mà để thực hiện cách này thì chỉ có một phương án hợp lý nhất, đó là huy động các trung vệ lẫn tiền vệ phòng ngự bao bọc xung quanh vòng cấm địa.
Những ví dụ trên đều có điểm chung, đó là Messi đá ở vị trí trung phong cắm. Kỹ thuật của anh xuất sắc, nhưng thể hình không phải điểm mạnh của anh và dễ dàng bị khống chế khi phải tranh bóng bổng với các trung vệ cao to, đặc biệt là khi bị nhiều người kèm cùng lúc. Thể hiện của Messi ở vị trí này thực tế không tệ, nhưng khi anh là đối tượng nguy hiểm nhất mà Barcelona có, đối thủ sẽ càng tập trung phong tỏa tiền đạo này hơn.
Do vậy, có thể kết luận rằng gần như chưa ai có thể kèm 1-chọi-1 với Lionel Messi trong mùa giải này, và cũng chưa đội nào có gan để làm điều đó. Thay vào đấy là những giải pháp an toàn hơn mà chủ yếu là kèm đôi.
Thanh Tùng