Các CLB Super League nhất loạt ủng hộ VPF và bầu Kiên

07/01/2012 06:20
K.Xuân (TTO)
Khi cuộc chiến bản quyền truyền hình giữa VFF, VPF, AVG vẫn chưa ngã ngũ, các CLB tại Super League đã lên tiếng ủng hộ VPF.
Khá nhiều CLB đều cho rằng cách làm của VPF nhằm tăng giá trị hợp đồng, giảm thời gian của hợp đồng bản quyền truyền hình là hợp lý, phù hợp với thông lệ và tăng quyền lợi của các CLB về lâu dài.
Việc truyền hình trực tiếp vẫn được tiến hành trên sân Gò Đậu, Bình Dương chiều 31-12-2011
Việc truyền hình trực tiếp vẫn được tiến hành trên sân Gò Đậu, Bình Dương chiều 31-12-2011
Dưới đây là một số ý kiến.

Ông Nguyễn Minh Sơn (chủ tịch CLB Becamex Bình Dương):


VFF làm mất quyền lợi các CLB


Trong khi bản quyền truyền hình vẫn chưa ngã ngũ giữa VFF, VPF và AVG, việc tường thuật trực tiếp các trận đấu ở sân Gò Đậu (Bình Dương) vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên các bên nên sớm ngồi lại với nhau bàn bạc và đưa ra cách giải quyết để tất cả trận đấu của Super League đều được truyền hình trực tiếp. Đây là điều các CLB mong muốn nhất bởi giúp nhiều người có thể theo dõi các trận đấu, CLB có điều kiện bán được nhiều quảng cáo trên sân và nhà tài trợ cũng sẽ mặn mà hơn đối với đội bóng. Vì vậy B.Bình Dương rất ủng hộ cách làm của anh Kiên và VPF hiện nay khi tìm cách ký lại hợp đồng với giá trị cao hơn, thời hạn rút ngắn hơn.
Ông Lê Tiến Anh (chủ tịch CLB Khatoco Khánh Hòa):

Hãy để CLB được bán cái họ có

Sản phẩm của bóng đá cuối cùng là để phục vụ người hâm mộ qua việc xem trên sân cùng trên truyền hình. Và sản phẩm bán được từ bóng đá là quảng cáo. Các CLB phải đầu tư nhiều tỉ đồng cho bóng đá nhưng họ lại không được bán cái mà họ có. Giờ đây nên trả cái của các CLB về cho các CLB là quyền được bán bản quyền truyền hình các giải đấu mà họ tham gia. Điều quan trọng của bóng đá là làm sao đến được đông đảo quần chúng.

Tôi không quan tâm đến việc VFF hay VPF sẽ bán lại bản quyền truyền hình cho ai mà quan tâm đến việc giá bán phải là giá trị thật của giải đấu. Giá mà VFF bán cho AVG một năm không bằng giá tiền mua một cầu thủ thì không chấp nhận được. 28 CLB hiện nay trung bình đầu tư khoảng 1.500 tỉ đồng mỗi năm cho bóng đá, thế mà giá trị thu về chỉ là 6 tỉ đồng/năm cho bản quyền truyền hình là sự bất hợp lý. Ở các nước châu Âu, bản quyền truyền hình phải chiếm tối thiểu 60-70% nguồn thu của các CLB. Hợp đồng mà VFF ký với AVG vừa không đáp ứng được yêu cầu về tài chính, không đáp ứng sự phát triển của bóng đá VN và thời gian của hợp đồng là vô lý.

Ông Hồ Văn Chiêm (giám đốc điều hành CLB SLNA):

Sự chịu đựng cũng có giới hạn

Mỗi trận đấu chỉ cần một đài trực tiếp đã có khoảng 30 người ra, vào sân để tác nghiệp. Nếu ba đài truyền hình trực tiếp, phải có khoảng 100 người ra, vào sân để làm công tác truyền hình. Việc này hết sức khủng khiếp trong việc quản lý của ban tổ chức các sân. Tôi không đồng ý với cách làm này. Nếu sự việc vẫn tiếp tục, chúng tôi sẽ có phản ứng lên ban tổ chức giải. Sự chịu đựng của các CLB cũng có giới hạn và có thể chúng tôi không chấp nhận các đài tác nghiệp trên sân gây ảnh hưởng đến công tác tổ chức trận đấu.
Ông Phạm Văn Lệ (giám đốc điều hành CLB Ximăng The Vissai Ninh Bình): Nên giải quyết êm thấm Chúng tôi ủng hộ cách làm của VPF trong việc tìm cách nâng giá trị và giảm thời gian bản quyền truyền hình. Làm sao để có nhiều người theo dõi Super League là điều quan trọng nhất. Vì vậy VFF, VPF, AVG nên ngồi lại để thống nhất mọi chuyện cho êm thấm.Ông Huỳnh Mau (giám đốc điều hành CLB HAGL): Cổ đông kỳ vọng vào VPF Các CLB rất kỳ vọng vào VPF sẽ có phương pháp, cơ chế làm mới để mọi việc tốt hơn. Việc truyền hình trực tiếp có ý nghĩa rất quan trọng đối với các trận đấu. Trận đầu tiên trên sân Gia Lai có khoảng 6.000 khán giả là tín hiệu tốt và tạo thuận lợi trong việc bán biển quảng cáo trên sân.
K.Xuân (TTO)