Cầu thủ Việt Nam - sản phẩm lập trình đầy lỗi

24/11/2011 06:40
Đỗ Âu
(GDVN) - Cầu thủ Việt Nam thực ra cả về thể chất lẫn tinh thần còn thua xa nhiều nước bạn, nên nếu có thất bại ở Đông Nam Á cũng đừng lấy làm lạ.
Thất bại của U23 Việt Nam gần đây lại bị gán với những chuyện như nghi án bán độ hay các ngôi sao “xác trên sân bóng, hồn ở… Đại hội VFF” (Đại hội thường niên nhiệm kỳ VI), rồi cả trách nhiệm của HLV Falko Goetz cũng được bàn đến. Nhưng xem ra, vấn đề của bóng đá, và thể thao Việt Nam, nằm ở cách mà chúng ta đang làm thể thao.

Đã có ai tự đặt câu hỏi vì sao người Nhật cao hơn chúng ta, hay vì sao 1 cầu thủ Myanmar có thể dễ dàng cho Thành Lương đo ván hay chưa? Vì sao các VĐV Việt Nam không bằng về tầm vóc so với các nước bạn? Vì sao các cầu thủ Việt Nam thụ động trong tâm lý và bế tắc trước hoàn cảnh khó khăn? Và vì sao luôn có dấu hiệu của hiện tượng bè phái trong nội bộ các đội tuyển mỗi lần thi đấu quốc tế?

Tí hon muôn đời?

Nhìn U23 Việt Nam đá với Myanmar mà người viết thấy rầu. Không chỉ vì chúng ta thua đậm, mà còn vì chúng ta không đủ sức đấu với đối phương to con hơn và dũng mãnh hơn. Thành Lương bé loắt choắt cũng phải chật vật xoay xở trước đám hậu vệ áo đỏ.

Cải thiện thể hình và chiều cao của cầu thủ Việt Nam lẽ ra nên được coi là trọng tâm trong công tác huấn luyện cầu thủ nội từ nhiều năm trở lại đây. Bóng đá là thể thao, mà thể thao có nghĩa là thao diễn thể chất. Thể chất mà không tốt thì cạnh tranh với ai được?
Các cầu thủ U23 Việt Nam rất chật vật khi phải chạm trán với những đối thủ to cao
Các cầu thủ U23 Việt Nam rất chật vật khi phải chạm trán với những đối thủ to cao

Cái này thì chẳng thể trách ai ngoài các trung tâm đào tạo bóng đá địa phương. Những trung tâm này hầu hết hoạt động nhờ ngân sách, điều kiện kinh tế eo hẹp nên không có một chiến lược phát triển tầm vóc cầu thủ cụ thể. Hiếm hoi lắm thì có một học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal, nhưng có lẽ cũng phải vài năm nữa mới cho ra kết quả.

Hơn nửa thế kỷ trước, người Nhật vốn thấp lùn, nhưng ngày nay do đời sống kinh tế cao, ăn uống đầy đủ và phong trào thể thao rầm rộ nên họ đã cao lên nhiều. Vậy tại sao Việt Nam không làm được?

Những cái đầu không đủ minh mẫn

“Một cái đầu minh mẫn trong một cơ thể cường tráng”, có người Mỹ đã từng nói ngắn gọn như thế khi nói về cách làm thể thao của họ. Chỉ 11 chữ là đủ để nêu hết những điểm mấu chốt, nhưng thực hiện tất nhiên không dễ dàng gì.


Người Việt ta hay có tư duy tập thể, tức làm gì cũng phải chờ đợi số đông, dè chừng số đông. Phương Tây khác biệt ở chỗ đề cao tư duy cá nhân. Cái đó cũng được vận vào thể thao. Nếu một quả bóng bay tới gần chỗ của 2 người Mỹ, họ sẽ cùng lao vào đón lấy chứ không chờ kẻ khác bắt dù đó có là đồng đội mình đi chăng nữa.

Còn người Việt Nam? Nếu cả 2 người cùng thụ động như nhau, thì dễ cả hai sẽ không bắt được quả bóng. Như vậy là nếu cả tập thể cùng suy nghĩ như nhau thì cùng thắng hoặc cùng thất bại như nhau. Mỗi cầu thủ cần có một tư duy chiến thuật riêng cho mình, để nếu có ai sai sót trong động tác thì đồng đội bên cạnh sẽ cứu giúp kịp thời, 1 người sai sẽ có 3 người đúng đỡ cho.
Thành Lương là một trong số ít những tuyển thủ có khả năng sáng tạo trong thi đấu
Thành Lương là một trong số ít những tuyển thủ có khả năng sáng tạo trong thi đấu

Ngay cả trong phòng thay đồ và trong thời gian diễn ra giải đấu cũng vậy, cầu thủ cần biết tập trung 100% tinh thần cho trận đấu sắp diễn ra. Anh hãy nghĩ rằng: “Công việc của mình là đá bóng, và mình cần chuẩn bị để đá bóng”. Nói một cách nôm na là, việc ai người nấy lo.

Tại sao mỗi kỳ AFF Cup hay SEA Games trôi qua thất bại là lại có nghi án bán độ hay lục đục nội bộ này nọ? Và tại sao mỗi lần như vậy một nhóm cầu thủ thường bị chỉ mặt gọi tên là liên quan tới scandal? Chúng ta chưa từng thấy một scandal nào ở các đội tuyển đi thi đấu quốc tế mà chỉ có một cá nhân bị liên đới, mà hầu hết đều đến từ một tập thể nào đó. Lần nào cũng vậy, tư duy tập thể làm mục ruỗng nội bộ, thậm chí có cả hiện tượng nhóm cầu thủ bất mãn với HLV (một cầu thủ thì đố có dám).

Điều mà các cầu thủ bóng đá ở các nước phát triển được đánh giá cao về độ chuyên nghiệp hơn chúng ta, đó là bởi vì họ hoạt động và suy nghĩ độc lập ngoài sân cỏ và chỉ mang tinh thần tập thể khi làm việc theo nhóm mà ở đây là ra sân đá bóng. Ngay cả trên sân, họ cũng có tư duy của riêng mình theo hướng mà họ cho là đúng đắn để giành chiến thắng. Khi gặp bế tắc, một khoảnh khắc sáng tạo của cá nhân rõ ràng là cần thiết để tạo đột biến.

Như vậy, họ không chỉ có sự minh mẫn và tập trung trong lúc thi đấu mà còn có sự sáng tạo cần thiết trong những hoàn cảnh khó khăn. Đó là điều cầu thủ Việt Nam chưa học được, hoặc môi trường sống khiến họ không thể được như vậy khi phải lo chuyện cơm áo gạo tiền cùng cả tỷ thứ linh tinh khác.

Đóng góp thấp cho “Thể thao thành tích cao”

Dư luận vài ngày nay đã bình luận nhiều về thất bại của U23 Việt Nam và trách nhiệm của HLV Falko Goetz cũng như VFF. Nhưng dường như ít ai nhận ra rằng, chính các cầu thủ Việt Nam chưa thực sự được đào tạo một cách chuyên nghiệp cả về chuyên môn lẫn tác phong ngoài sân cỏ. Mà trách nhiệm này đâu chỉ thuộc về những người đào tạo, cả xã hội cũng hời hợt với giáo dục thể chất đấy thôi. Và đừng ai phủ nhận rằng chúng ta không mang ít nhiều tư duy tập thể trong mình.


Đất nước chúng ta đã phát triển chậm so với nhiều nước trong khu vực khoảng 10-20 năm và thậm chí hơn nữa, kinh tế vẫn còn lạc hậu… Nhưng điều nguy hại nhất tới thể thao đó là cách suy nghĩ của những người xây dựng. Hời hợt và thờ ơ theo kiểu ăn xổi ở thì. Bóng đá vẫn còn là một môn thể thao “may mắn” khi được quần chúng quan tâm, còn những môn thể thao khác?
Cầu thủ Việt Nam có tiềm năng, nhưng chừng nào chưa được huấn luyện bài bản về thể chất và tinh thần, chúng ta còn thua kém
Cầu thủ Việt Nam có tiềm năng, nhưng chừng nào chưa được huấn luyện bài bản về thể chất và tinh thần, chúng ta còn thua kém

Xin được lấy một ví dụ: chúng ta có cử tuyển bóng rổ nam đi tham dự SEA Games 26 (lần đầu tiên), nhưng đó thực chất là đội bóng rổ TP.HCM. Đội tuyển bóng rổ Quốc gia đã “chết” từ 6 năm rồi, mà nguyên nhân là vì chính sách đãi ngộ nhỏ giọt của đủ mọi cấp và sự hờ hững của đại bộ phận người dân với môn thể thao này. Các tuyển thủ còn chật vật chạy tiền để chữa trị chấn thương thì làm sao có thể chuyên tâm tập luyện và cải thiện điểm yếu chiều cao được? Hãy nhập vào từ khóa “đội tuyển bóng rổ việt nam” trên Google, bạn sẽ thấy bài viết gần nhất về đội tuyển này là năm 2003, thời điểm Việt Nam đăng cai SEA Games 22.

Người viết lo ngại rằng thể thao Việt Nam trong tương lai có thể sẽ còn dậm chân tại chỗ nếu chờ đợi vào các tổ chức thể thao cũng như cộng đồng. Các tổ chức thể thao trực tiếp đào tạo VĐV chủ yếu là cấp địa phương, mà như đã đề cập, phải chắt bóp với nguồn ngân sách bèo bọt chứ chẳng dám nghĩ đến những dự án tương lai.

Còn trông chờ sự góp sức của xã hội? Vô vọng. Nếu các bậc phụ huynh coi cách các cháu nhỏ tiểu học vác cái cặp nặng những 4-5kg đến trường để nhồi đầy đầu những kiến thức vượt cấp là rèn luyện thể thao, có lẽ Hồ chủ tịch cũng phải ngã ngửa người vì bật cười trong lúc nâng tạ.

Mang được một đội U23 Việt Nam như thế này đi thi đấu có lẽ cũng đã là đúng với công sức của những người đào tạo và đóng góp của cộng đồng rồi, phàn nàn làm chi? Trừ khi có ai hiểu biết về tâm lý học có khả năng tẩy não cầu thủ, biến họ thành những robot đá bóng, khi đó chúng ta mới làm bá chủ Đông Nam Á được.
Đỗ Âu