Ngoài bầu Kiên, còn ai muốn đoạn tuyệt với V-League?

09/09/2011 08:36
Đỗ Âu
(GDVN) - Phản ứng của ông bầu Nguyễn Đức Kiên là ví dụ tiêu biểu để phản ánh thái độ xã hội với thực trạng của VFF và V-League.

Có thể nói là cuộc họp tổng kết V-League của VFF đã “nổi sóng” từ lúc bài phát biểu của ông bầu Nguyễn Đức Kiên bắt đầu. Bầu Kiên, không chỉ nói cho đứa con cưng có nguy cơ chết yểu HN.ACB của mình, mà còn nói thay cho nhiều người làm bóng đá chân chính khác.

Bầu Tuấn (trái) và Bầu Long gần như chẳng thu được điều gì từ HP.HN
Bầu Tuấn (trái) và Bầu Long gần như chẳng thu được điều gì từ HP.HN
Từ lâu người ta đã bình luận rất nhiều về những tiêu cực xảy ra ở giải đấu hàng đầu Việt Nam này, từ chuyện các khán đài không thể kiểm soát nạn đốt pháo cho tới việc trọng tài bắt sai, bắt thiên vị… Và những người làm bóng đá ai ai cũng lên tiếng mỗi khi có scandal xảy ra. Nhưng chẳng có điều gì tiến bộ cả, những cái tai ở VFF bị điếc nặng và màng nhĩ của họ có lẽ chẳng bao giờ hồi phục lại được.

Bóng đá: Món hàng ít lãi nhất

Sục tìm ở V-League bây giờ có toàn các CLB được các doanh nghiệp hậu thuẫn đằng sau hoặc được chính các ông bầu lắm tiền quản lý. Các nhà buôn một khi bỏ tiền ra để mua một đội bóng đá cũng có nghĩa họ chấp nhận lỗ vốn, có những người làm thế chỉ để mong được địa phương cấp đất (trường hợp của Xi măng Công Thanh trước đây là ví dụ) hoặc rửa tiền chứ không có ý định kiếm lời từ kinh doanh bóng đá.
Bỏ tiền ra sắm hẳn máy bay triệu đô, Bầu Kiên (phải) chẳng tiếc thứ gì với HN.ACB
Bỏ tiền ra sắm hẳn máy bay triệu đô, Bầu Kiên (phải) chẳng tiếc thứ gì với HN.ACB
Nhưng có những ông bầu vì niềm đam mê với túc cầu giáo mà sẵn sàng liên hệ với cả đội bóng hàng đầu nước Anh để lập học viện đào tạo trẻ những mong gây dựng lứa cầu thủ mới cho CLB của mình lẫn cho ĐTQG. Cũng vì thế mà cho đến giờ nhiều ông chủ thừa nhận rằng mình đầu tư chỉ vì thích bóng đá. Số tiền bỏ ra mỗi mùa thì cứ tăng lên, mùa chuyên nghiệp đầu tiên chỉ cần 4-5 tỷ là đủ nhưng càng về sau càng được bội lên, trong khi tiền thu về từ bóng đá chẳng đáng là bao. V-League cũng hình thành từ những đồng tiền đó.

Nhưng những việc lùm xùm trong và ngoài sân cỏ khiến CLB của họ, vì không “vận động hành lang” hoặc chi cho các trọng tài, bị thiệt thòi đủ điều để rồi cuối cùng bị văng ra khỏi môi trường bóng đá đỉnh cao.

Còn những ông bầu một khi đã bị ép quá đáng, họ sẽ tính đến việc bỏ bóng đá. Mà nếu bỏ bóng đá có nghĩa là những Mạnh Thường Quân nhận thấy rằng làm bóng đá không vui, mà không vui thì sẽ không làm nữa.
Nỗi cay đắng của các ông bầu là khi tận mắt thấy đội bóng của họ bị thua oan
Nỗi cay đắng của các ông bầu là khi tận mắt thấy đội bóng của họ bị thua oan
Nói thẳng nói thật, người giàu có cả núi tài sản, đúng như đã nói là họ làm bóng đá chỉ để cảm thấy vui sướng mỗi khi đội nhà chiến thắng. Trên đời này có cả trăm thứ cực kỳ tử tế, dễ làm mà chẳng tốn đến cả trăm tỷ như thế. Thà bỏ tiền vào những thứ đó còn hơn, chứ chi cả núi tiền để nhìn đội nhà thất trận, xem xong mà đứng chết lặng, mặt mày ngơ ngác vì nhận ra mình bị lường gạt, thì chơi bóng đá làm cái gì???

Thể thao phản ánh xã hội

Người viết thích nhất câu nói của bầu Kiên là: “Việc chủ tịch HĐ Trọng tài Nguyễn Văn Mùi có cả con trai lẫn con rể cùng thổi còi ở giải VĐQG là điều không thể chấp nhận được”.

Bầu Kiên có thể nói là đã chỉ thẳng ra một trong những điều vô lý nhất của V-League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung. Có lý đâu 3 người có mối quan hệ gia đình lại cùng nằm trong một tổ chức chịu trách nhiệm cầm cân nảy mực của một môn thể thao mà tính khách quan được đặt lên hàng đầu. Phương Tây có câu, một khi người một nhà cùng làm việc với nhau, sự đánh giá năng lực công việc sẽ… bốc mùi.
Chủ tịch hội đồng trọng tài Nguyễn Văn Mùi có con rể Võ Quang Vinh nhận danh hiệu "Chiếc còi vàng", con trai Nguyễn Trọng Thư nhận danh hiệu "Chiếc còi đồng"
Chủ tịch hội đồng trọng tài Nguyễn Văn Mùi có con rể Võ Quang Vinh nhận danh hiệu "Chiếc còi vàng", con trai Nguyễn Trọng Thư nhận danh hiệu "Chiếc còi đồng"
Nhưng có một điều đáng buồn là càng nhìn, càng xem, càng cảm nhận, càng thấy nó thậm chí còn vô lý ở nhiều mặt. Chẳng hạn như việc VFF cấm phóng viên vào trong phòng họp báo ở Lễ tổng kết, phòng họp báo mà lại không cho phóng viên làm việc. VFF không hiểu nghĩa của từ hay nội dung cuộc họp thuộc hàng “bí mật quân sự”?

Quá nhiều những sự việc vô lý như thế xảy ra, và người hâm mộ càng xem thì càng “thấm nhuần” cho đến lúc họ coi những trận bóng vô lý cũng thành hợp lý, và lại tiếp tục hàng tuần bỏ tiền ra cho những phường chèo rẻ tiền ấy. Ít ai dám nói ra những lời phản đối, mà có nói thì cũng yếu ớt, như gió thoảng qua.
Ngay cả mời báo chí đến làm việc, VFF cũng còn khuất tất
Ngay cả mời báo chí đến làm việc, VFF cũng còn khuất tất

Thế nên hành động của Bầu Kiên thực sự là đáng hoan nghênh. Nó dám vạch mặt bản chất của những bản báo cáo tổng kết vô thưởng vô phạt được soạn ra chỉ nhằm bịp công chúng như bịp trẻ lớp 1, lớp 2. Chưa có ai dám khẳng định sẽ bỏ giải một cách quyết liệt như thế, và cũng chưa có ai dám bóc mẽ sự thật về vấn đề liên quan tới ông Nguyễn Văn Mùi như thế (con rể Võ Quang Vinh được còi vàng, con trai Nguyễn Trọng Thư được còi đồng).

Thể thao nói chung là một tấm gương phản ánh bộ mặt và chất lượng xã hội. Xã hội có lành mạnh thì thể thao mới trong sạch và ngược lại. Tiếc rằng bóng đá hiện tại không được ai coi là sạch, cũng vì thế mà xã hội mới để ý, quan tâm và xây dựng ý kiến những mong nó tiến bộ hơn. Bầu Kiên cũng chỉ là một trong số những người làm việc đó.

Phản ứng của bầu Kiên chính là phản ứng của xã hội, chỉ có điều từ trước tới nay chưa có ai đủ can đảm lên nói mà thôi
Phản ứng của bầu Kiên chính là phản ứng của xã hội, chỉ có điều từ trước tới nay chưa có ai đủ can đảm lên nói mà thôi
Nhưng cái khó là người người nhà nhà góp ý nhưng VFF không chịu sửa chữa, để đến lúc một ông chủ CLB phải đe dọa cùng với các đội khác bỏ giải. Một khi bị chèn ép, bị phớt lờ như thế, chuyện những người làm bóng đá không chỉ quay lưng lại mà còn định xóa sổ cái giải đấu đầy mùi tanh kia là hệ quả tất yếu.

Bởi làm như vậy, tức là họ và cả chúng ta đã trừ đi một mầm mống xấu xí, có hại của xã hội.
Đỗ Âu