Thất nghiệp, cầu thủ Việt về... làm nông

18/12/2012 10:50
Theo Tuổi Trẻ
(GDVN) - Có người phải “treo” giày quay về nghề nông, người về phụ gia đình bán bánh cuốn, người thì lo viết hồ sơ đi xin việc khác.

Hướng về nghề nông, phụ việc gia đình... là hướng đi của một số cầu thủ sau khi đội bóng của họ tạm ngưng hoạt động do khó khăn về tài chính...

Trò chuyện với chúng tôi, trung vệ Ngô Viết Phú (20 tuổi, cầu thủ đội Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết hiện nay anh chỉ ở nhà, không có việc gì làm, thi thoảng kiếm đội đi đá “phủi” cho đỡ ngứa chân.
Sáng 15-12, cầu thủ Bùi Xuân Quý (đội hạng nhất Bà Rịa - Vũng Tàu) phụ gia đình bó hẹ đem bán ở chợ Bà Rịa.
Sáng 15-12, cầu thủ Bùi Xuân Quý (đội hạng nhất Bà Rịa - Vũng Tàu) phụ gia đình bó hẹ đem bán ở chợ Bà Rịa.

Phụ gia đình để chờ thời

Phú kể ngày các cầu thủ nhận được thông báo cho về nhà, tạm ngưng luyện tập, hôm ấy không ai nói nhau câu gì rồi lẳng lặng thu dọn quần áo. “Buồn lắm anh ơi. Tụi tôi muốn chảy nước mắt” - Phú nói. Theo đội trẻ Bà Rịa - Vũng Tàu từ năm 2006, sáu bảy năm trời bỏ công sức, bỏ cả học văn hóa để tìm tương lai bằng đá bóng nhưng giờ đây Phú gần như trắng tay.

Đồng đội của Phú, tiền vệ Bùi Xuân Quý (20 tuổi, huyện Tân Thành), hiện đang ở nhà phụ giúp cha mẹ nhặt rau hẹ, buộc thành bó đem bỏ sỉ cho người bán buôn ở chợ Bà Rịa. Sáng 15-12, khi chúng tôi đến nhà, Quý đang hì hụi nhặt rau. “Không được đá bóng, khó chịu lắm nhưng biết làm sao bây giờ” - Quý nói.

Hiện Phú và Quý đều thủ sẵn vài bộ hồ sơ xin việc. Mới đây, khi nộp hồ sơ xin vào một nhà máy trong Khu công nghiệp Mỹ Xuân (huyện Tân Thành), Phú không được nhận vì không có bằng cấp, không có nghề gì ngoài đá bóng. Phú cho biết chờ sang năm 2013 sẽ bắt đầu lại cuộc sống mới bằng nghề mới hoặc đi học ngành gì đó. Tiền vệ trái Nguyễn Thương Hiền (27 tuổi, huyện Tân Thành) cho biết hiện ở nhà phụ gia đình bán hàng, chở hàng. Để đỡ nhớ trái bóng, Hiền đang huấn luyện cho đội bóng thiếu nhi thôn tham gia giải của thị trấn.

Với bóng đá, Phú cho biết nếu đội bóng Bà Rịa - Vũng Tàu chơi ở Giải hạng ba thì sẽ không tham gia vì đời cầu thủ ngắn lắm. Đá hay, suôn sẻ phải mất ít nhất ba năm mới trở lại giải hạng nhất, hạng nhì. Trong khi đó, việc tìm câu lạc bộ mới không hề dễ dàng. Hơn nữa, Phú không quen biết và đang còn hạn hợp đồng với đội Bà Rịa - Vũng Tàu. Tiền vệ Thượng Hiền cũng cho biết sẽ không tham gia Giải hạng ba vì khi ấy lương chỉ còn 3 triệu đồng/tháng làm sao đủ sống.

Ông Bùi Quang Thái (cha của tiền vệ Bùi Xuân Quý) cho biết bên sở (Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị chủ quản đội Bà Rịa - Vũng Tàu) cần nhanh chóng giải quyết dứt khoát để các cầu thủ biết đường làm ăn, kiếm việc mới. Ông Thái nói có thể xin được việc cho con trai nhưng sự thể chưa rõ ràng nên cứ để con ở nhà phụ giúp việc gia đình.

Không chỉ cầu thủ, trợ lý HLV Lê Thanh Xuân cho biết sau khi đội tạm ngưng tập luyện, ông đã về quê ở Mộc Hóa, Long An với công việc hằng ngày là “đưa rước con đi học, nấu cơm cho cả nhà”. “Đến bây giờ, lãnh đạo đội bóng cũng chỉ nói chung chung chứ chưa có phương án gì rõ ràng” - ông Xuân cho biết.

Về quê làm nông thôi

Sau khi đội Xổ Số Kiến Thiết Lâm Đồng chính thức không có tên trong danh sách bốc thăm tham gia mùa giải hạng nhất quốc gia, sáng 15-12, hơn chục cầu thủ của đội tụ tập ngồi bàn tán về tương lai của mình ở trước cửa khách sạn Pensée (nơi đóng quân của đội). Hầu hết đều thể hiện sự chán nản.

HLV Vũ Quang Bảo cho biết lẽ ra hôm nay ông phải bay về quê để làm đám giỗ mẹ nhưng đã phải hủy kế hoạch vì mấy hôm nay liên tục phải tiếp chuyện các cầu thủ về tình hình tương lai của họ và đội bóng. Võ Trọng Phú, quê Nghệ An, cầu thủ có ba năm gắn bó với đội Lâm Đồng, buồn rầu nói: “Giờ tôi cũng không biết tương lai của mình sẽ ra sao. Nếu không tìm được đội bóng mới, tôi đành phải giải nghệ trở về quê ở Nghệ An làm ruộng nuôi vợ con”.

Chuyện tiền lương đang là mối quan tâm của các cầu thủ. Theo lời cầu thủ Đặng Trần Hoàng Nhật (vợ ở quê vừa mới sinh con), tới nay đã quá hạn trả lương tháng này nhưng anh vẫn chưa nhận được lương. Nhật cho biết: “Dù đã có người hứa tìm giúp tôi đội bóng mới nhưng tôi thấy chán nản quá! Chắc thanh lý tiền lương xong, tôi sẽ trở về quê ở Long An sống với nghề nông thôi.” Về với nương rẫy cũng là lựa chọn trong dự tính của K’Brèo (gia đình trồng cà phê ở Bảo Lộc) hay K’Si (gia đình trồng cà chua ở Đơn Dương).

HLV Vũ Quang Bảo cho biết ông đã giới thiệu mười cầu thủ tốt nhất cho các đội bóng khác, nhưng tính chất bấp bênh của nghề cầu thủ trong bối cảnh hiện nay khiến nhiều người nản chí.

Đầu năm đá V-League,  cuối năm bán bánh cuốn

Vợ chồng Mạnh Tú xay bột, chuẩn bị việc tráng bánh cuốn vào sáng hôm sau - Ảnh: S.H.
Vợ chồng Mạnh Tú xay bột, chuẩn bị việc tráng bánh cuốn vào sáng hôm sau - Ảnh: S.H.

Năm vòng đấu trước khi V-League 2012 kết thúc, trung vệ Mạnh Tú (27 tuổi) bất ngờ nhận được hai tháng lương cùng quyết định thanh lý hợp đồng sớm từ CLB Khatoco Khánh Hòa.

Không thể “ăn mày” với hồi ức của một thời đá bóng, sau thời gian đắn đo, Mạnh Tú quyết định mở cửa hàng bán quần áo trẻ em, giày xuất khẩu, giày đá bóng, túi xách... trên mạng. Sau hai tháng kinh doanh không khấm khá, Mạnh Tú mở tiệm bán bánh cuốn. May là trước đó, sau khi V-League 2011 kết thúc, hai vợ chồng Mạnh Tú về Nam Định thọ giáo một nghệ nhân bánh cuốn nổi tiếng trong mười ngày để học cách thức chế biến, làm nhân bánh, tráng bánh, xay gạo... Cứ tưởng học để nấu nướng trong gia đình khi rảnh rỗi, nào ngờ lúc túng ngặt, vợ chồng Mạnh Tú đã thuê mặt bằng mở tiệm bánh cuốn trên đường Nguyễn Thị Thập (Q.7, TP.HCM).

4g sáng họ đến tiệm, 5g30 mở cửa đón khách. Dù chỉ mới khai trương khoảng một tuần nhưng khá đắt khách. Mạnh Tú kể: “Chỉ bán tới 10g trưa hay hơn một chút là hết. Trừ mọi chi phí cũng lãi khoảng vài trăm ngàn đồng. Tuy thu nhập không bằng thời đá bóng nhưng mình làm chủ được thời gian và quan trọng nhất là luôn gần gũi cùng gia đình”.

Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ vào trưa 15-12, Mạnh Tú nói: “Chưa lúc nào bóng đá VN gặp cảnh khốn cùng như lúc này. Dù sao số phận của tôi còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác là còn có chút đỉnh tiền bạc và nghề nghiệp để kinh doanh kiếm sống qua ngày...”.

Thành Lương, Công Vinh chưa có bến đỗ

Công Vinh vẫn thất nghiệp.
Công Vinh vẫn thất nghiệp.

Gần một tháng tuyên bố giải tán, hầu hết cầu thủ, HLV của CLB bóng đá Hà Nội và CLB bóng đá trẻ Hà Nội (do bầu Kiên sở hữu) đều rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhiều cầu thủ đã về nhà từ tháng 8 đến nay. CLB cũng tuyên bố không trả lương cho cầu thủ kể từ tháng 12 này dù hợp đồng của họ vẫn còn với Công ty cổ phần thể thao ACB.

Hậu vệ Hồng Nam cho biết đã về Nghệ An từ tháng 8 sau khi mùa giải 2012 kết thúc. Nam tâm sự: “Thất nghiệp bốn tháng nay, tôi về Nghệ An đi đá phủi và trông con giúp vợ. Tôi tính bỏ nghề vì chắc không xin được việc nhưng chuyển sang nghề khác thì khó quá vì không có bằng cấp”. Hằng ngày Hồng Nam, Trần Đình Hưng, Nguyễn Hải Nam, Phạm Hải Nam (những cầu thủ CLB bóng đá Hà Nội gốc Nghệ An) vẫn tham gia đá phủi ở Nghệ An để chờ việc làm.

Ông Hoa Mạnh Hưng, nguyên HLV trưởng CLB bóng đá Hà Nội, buồn bã cho biết vẫn chưa thể tìm được công việc và khả năng cũng mong manh do các CLB V-League, hạng nhất hầu hết đã có HLV. Ông Lê Khắc Chính, giám đốc điều hành Công ty cổ phần thể thao ACB, cho biết đến ngày 15-12 chưa có cầu thủ nào thông báo tìm được bến đỗ mới, cũng không có CLB nào đến tuyển cầu thủ.

Tiền đạo Công Vinh cho biết vẫn chưa liên hệ với CLB nào. Trước đó CLB Hà Nội T&T cho biết Thành Lương có liên hệ để về Hà Nội T&T nhưng CLB này vẫn chưa quyết định. Ông Nguyễn Quốc Hội, chủ tịch CLB Hà Nội T&T, cho biết: “Quân số của CLB tôi đã đủ. Do đó, nếu giá cả của Thành Lương hợp lý may ra Hà Nội T&T mới mua lại”.

Theo Tuổi Trẻ