Bóng dáng mô hình trường học mới VNEN trong chương trình mới

22/12/2020 09:09
LÊ VĂN MINH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên đã từng mừng thầm vì cứ tưởng không còn bị bắt buộc dạy theo mô hình VNEN nữa, nhưng thực tế dường như không phải vậy.

Thời điểm này, các địa phương đang tiến hành tập huấn trực tuyến đại trà chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho giáo viên phổ thông ở những modul đầu tiên.

Quan sát và trao đổi với các đồng nghiệp, người viết nhận thấy điều mà giáo viên có phần bất ngờ là những hoạt động dạy học của chương trình mới gần như kế thừa nguyên vẹn cả 5 hoạt động dạy học của mô hình trường học mới VNEN trước đây.

Vì thế, dù muốn, dù không thì tới đây giáo viên cũng phải soạn giáo án, phải giảng dạy theo mô hình trường học mới VNEN bởi giờ đây đã được Bộ "kế thừa" trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

VNEN không hợp với giáo dục Việt Nam

Những năm vừa qua, mô hình trường học mới VNEN đã từng bị một số địa phương phản đối kịch liệt. Điều này đã được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc đoàn Bình Thuận phản ánh trong chất vấn của bà với Bộ Giáo dục và Đào tạo:

"Ý kiến cử tri cho rằng: Mô hình trường học mới VNEN không hợp với "thổ nhưỡng" giáo dục Việt Nam; chương trình VNEN: giáo viên, học sinh đang "lạc đường". Nhiều tỉnh đã quyết định dừng triển khai chương trình này ở địa phương; nhiều trường, nhiều tỉnh rơi vào tình trạng"tiến, thoái, lưỡng nan"... đã gây tâm trọng lo lắng đối với các bậc phụ huynh." [1]

Ngày 18/8/2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản 4068/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017 gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị:

1. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.

2. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm. [2]

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và làm việc tại trường Tiểu học Thụy Sơn-Thái Thụy-Thái Bình dự hội nghị Sơ kết thực hiện trường học mới Việt Nam của huyện Thái Thụy ngày 7/4/2017. Ảnh: thaithuy.edu.vn.Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thăm và làm việc tại trường Tiểu học Thụy Sơn-Thái Thụy-Thái Bình dự hội nghị Sơ kết thực hiện trường học mới Việt Nam của huyện Thái Thụy ngày 7/4/2017. Ảnh: thaithuy.edu.vn.

Ngay cả Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng đã từng lên tiếng không đồng tình chương trình VNEN vì nó không phù hợp với đặc điểm giáo dục nước ta.

Thế nhưng bây giờ, trong quá trình tập huấn đại trà các modul đầu tiên của chương trình mới thì giáo viên chúng tôi đang được định hướng về các hoạt động dạy học gần như nguyên vẹn các hoạt động của VNEN.

Bóng dáng VNEN trong chương trình phổ thông mới

Theo mô hình trường học mới VNEN thì quá trình giảng dạy và học tập trên lớp của thầy và trò sẽ có 5 hoạt động chính, đó là: Khởi động; Hình thành kiến thức; Luyện tập; Vận dụng và Tìm tòi mở rộng.

Bây giờ chương trình giáo dục phổ thông 2018 cũng được triển khai bằng 5 hoạt động dạy học như sau: Khởi động; Khám phá kiến thức; Luyện tập; vận dụng, mở rộng. Như vậy, so với mô hình VNEN thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ đổi tên gọi ở hoạt động 2 mà thôi.

Nếu như trước đây chương trình VNEN gọi hoạt động này là “Hình thành kiến thức” thì bây giờ chương trình giáo dục phổ thông 2018 được gọi là “Khám phá kiến thức”.

Thực ra, tên gọi này có khác đi một chút nhưng về bản chất thì cơ bản vẫn như trước đây. Các hoạt động còn lại của mô hình trường học mới VNEN thì được giữ nguyên tên để đưa vào chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Vì thế, dù ngành giáo dục mới triển khai chương trình mới ở lớp 1 và đang tập huấn đại trà cho giáo viên để chuẩn bị thực hiện dạy lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới đây nhưng “hình bóng” của chương trình mới đã được kế thừa gần như trọn vẹn các hoạt động dạy học của VNEN.

Trước đây, chỉ có một số địa phương áp dụng chương trình VNEN còn đa số vẫn dạy chương trình năm 2000, khi dư luận phản đối mạnh mẽ thì lãnh đạo Bộ Giáo dục đã không triển khai mở rộng thêm.

Lúc đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuyển quyền tự quyết cho các địa phương, các nhà trường căn cứ vào tình hình thực tế để mở rộng, duy trì hoặc không dạy chương trình VNEN nữa.

Tuy nhiên, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ chính thức áp dụng đại trà thì những “tinh túy” của VNEN cả về mục tiêu, phương pháp và định hướng của chương trình và sách giáo khoa đã được hợp thức hóa một cách hợp pháp.

Thậm chí, một số môn học của chương trình mới ở cấp tiểu học và trung học cơ sở cũng giống với tên tên gọi của chương trình VNEN trước đây. Và, tất nhiên bây giờ đã được triển khai đại trà trên cả nước thì không còn chuyện dạy hay không dạy mà đó đã là điều bắt buộc.

Đối với dự án VNEN ngay từ bắt đầu triển khai cho đến khi một số địa phương dừng áp dụng mô hình này, nó đều nhận được sự quan tâm đặc biệt của đội ngũ thầy cô giáo trong các nhà trường phổ thông.

Việc “quan tâm” không chỉ là dự án này đã triển khai mở rộng ở nhiều địa phương và được vận dụng bằng một số phương pháp, kỹ thuật dạy học mới mà nó còn được áp dụng cho cả những trường học không thực hiện dạy chương trình VNEN.

Tuy nhiên, trước những bất cập và phản đối của nhiều phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo địa phương nên thời gian qua đã có nhiều tỉnh, trường học bỏ chương trình VNEN để quay lại chương trình, sách giáo khoa cũ (năm 2000).

Nhiều giáo viên đã từng mừng thầm vì nghĩ rằng không phải tiếp tục áp dụng mô hình VNEN một cách khiên cưỡng, đối phó, nhưng nay nó đã được vận dụng vào chương trình giáo dục phổ thông mới không chỉ cấp tiểu học mà cả 3 cấp học phổ thông, không biết Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết nghĩ thế nào, còn đứng lớp trực tiếp như người viết thực sự có rất nhiều băn khoăn, câu hỏi không lời đáp.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://quochoi.vn/vanphongquochoi/cocautochuc/Pages/trang-chu.aspx?ItemID=35299

[2]http://thaithuy.edu.vn/cong-van-van-ban/van-ban-trung-uong/cv-4068-bgddt-gdtrh-cua-bo-gd-dt-ve-trien-khai-mo-hinh-truon.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

LÊ VĂN MINH