Bức ảnh ông lão vá xe bên đường và những 'trăn trở trong cuộc sống'

29/11/2012 07:30
T.L
(GDVN) - Nếu ai thường xuyên bắt xe bus tại trạm gần bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) sẽ không lấy làm lạ lẫm với một người sửa xe đạp. Nói đúng hơn là một ông lão sửa xe vỉa hè. Với dáng vẻ gầy gò, còm cõi, khoác bên ngoài bộ đồ đã sờn rách.
Hà Nội đã vào đông. Cái rét càng trở nên cắt da cắt thịt khi những cơn gió lạnh buốt táp vào mặt. Ai cũng tìm mọi cách giữ ấm cho mình bằng những bộ đồ xúng xính, những chiếc khăn quàng cổ thật đẹp, những đôi găng tay hay những đôi giày thật ấm. Dòng người càng trở nên hối hả, vội vã hơn bao giờ hết. Nhưng đâu đó, những mảnh đời thầm lặng vẫn ngồi kia. Lặng lẽ.  
Ông lão sửa xe gần trạm xe bus bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: Đàm Thị Thùy)
Ông lão sửa xe gần trạm xe bus bệnh viện Thanh Nhàn. (Ảnh: Đàm Thị Thùy)
Nếu ai thường xuyên bắt xe bus tại trạm gần bệnh viện Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) sẽ không lấy làm lạ lẫm với một người sửa xe đạp. Nói đúng hơn là một ông lão sửa xe vỉa hè. Với dáng vẻ gầy gò, còm cõi, khoác bên ngoài bộ đồ đã sờn rách.  Ông lão ngồi bên một gốc cây ven đường. Không biển hiệu, không một dòng chữ giới thiệu về công việc. Nhưng dường như bất kỳ ai khi nhìn thấy đều đoán chính xác ông làm gì. Chiếc bơm cũ đặt ngay trước mặt chính là dấu hiệu duy nhất để mọi người gọi tên. Chiếc bơm ấy dường như có tuổi đời bằng với tuổi nghề của ông. Nó cũ kỹ, lỗi thời nhưng lại được đặt ở vị trí ngay trước nơi ông ngồi. Tuy cũ, nhưng nó chính là “chiếc cần câu cơm”, là gia sản của cả đời ông lão.  Đôi mắt ông lão sâu hoắm, đợi chờ sẽ có một người khách xuất hiện. Khi phương tiện chủ yếu của mọi người là xe máy, thì những chiếc xe đạp càng trở nên hiếm hoi. Và càng hiềm hoi hơn khi có một người dừng lại nhờ ông sửa giúp. Đó chỉ là những trường hợp hi hữu hỏng xe dọc đường. Vì vậy, mà công việc của ông ngày một khó khăn hơn.  Bởi vậy, khoản thu nhập thường ngày của ông cũng chẳng được là bao. Ngồi cả buổi, may mắn thì bơm được dăm cái xe, vá được vài cái xăm. Hôm nào gặp trời mưa thì không được gì. Khó khăn dường như được in hằn trên đôi mắt ấy, trên dáng hình ấy. Ngay chỗ ông lão ngồi, một chiếc xe đạp dựng sát gốc cây. Chiếc xe đạp cũng cũ như chiếc bơm kia vậy. Một bên là chiếc “cần câu cơm”. Còn một bên là phương tiện bấy lâu nay của ông lão. Trên chiếc ghi – đông xe đạp treo nào túi là túi. Trong đó, không gì khác ngoài những dụng cụ sửa xe và một bọc túi ni lông do ông gom nhặt.  Ông lão lặng lẽ ngồi đó, co ro trong chiếc áo khoác mỏng đã sờn, núp dưới chiếc nón lá đã cũ. Con người nhỏ bé ấy chống trọi với cái lạnh giá của mùa đông Hà Nội.  Cuộc đời ông giống như một thước phim quay chậm, ngày qua ngày, hết đông rồi sang hè. Khi Hà Nội đã có quá nhiều đổi khác, khi những con người hối hả hòa mình vào bộn bề cuộc sống. Thì đâu đó vẫn còn những con người như ông. Nguyên vẹn. Không đổi khác.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
T.L