'Bún mắng, cháo chửi là do người tỉnh lẻ chứ người Hà Nội không thế'

03/07/2012 13:43
Độc giả Hoàng Minh Yến (Hà Nội)
(GDVN) - "Những người bán hàng, phục vụ nhà hàng, bán ở các chợ giờ đây đa phần là người từ các tỉnh lẻ nhập cư lên Hà Nội và chính họ đã mang theo các thứ văn hóa xấu như: bún mắng, cháo chửi, đốt vía... chứ với người Tràng An, Hà Nội gốc thì không bao giờ cư xử như vậy...", độc giả Hoàng Minh Yến chia sẻ.
Xung quanh thái độ phục vụ thiếu tôn trọng của nhân viên, chủ nhiều nhà hàng, cửa hàng đối với khách hàng trong thời gian qua nói riêng và sự xuống cấp của văn hóa ứng xử nơi cộng cộng nói chung, tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.

Một trong số ý kiến đó là của độc giả Hoàng Minh Yến (Tây Hồ - Hà Nội) với nội dung cho rằng, nhiều người đang lầm tưởng "bún mắng, cháo chửi, đốt vía..." là nét văn hóa "thanh lịch" của người Hà Nội. Nhưng thực chất đây chỉ là những nét xấu được người nhập cư từ các tỉnh lẻ đưa vào Hà Nội chứ với người Hà Nội gốc thì không bao giờ như vậy... Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải toàn bộ nội dung bài viết này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Những ngày qua, theo dõi xung quanh câu chuyện văn hóa phục vụ của mảnh đất Hà Nội đã lưu danh thành tiếng xấu như: "bún mắng, cháo chửi, đốt vía...", tôi nhận thấy rõ sự quan tâm, với rất nhiều những ý kiến trái ngược nhau của dư luận xã hội.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Quả thực, cá nhân tôi, cũng phải thừa nhận một thực tế đáng buồn về sự tạp nham, xuống cấp nghiêm trọng trong văn hóa ứng xử nơi công cộng cũng như văn hóa phục vụ của một bộ phận người Hà Nội mới đối với khách hàng.
Chính bản thân tôi, không ít lần cũng đã phải "phát hoảng" với những thái độ cư xử rất thiếu văn hóa, sẵn sàng "buông" ra những lời lẽ thô tục, tục tĩu nhất trên đời của không ít người bán hàng, phục vụ, bán ở các chợ... Tuy nhiên, là một người sinh ra và lớn lên ở chốn đô hội Hà thành này, tôi phải khẳng định rằng, thực sự rất oan uổng khi đổ tất cả những thứ văn hóa lai căng, tạp nham, xấu xí đó lên đầu toàn bộ người Hà Nội. Bởi, thực tế người Hà Nội giờ đây cũng có người nọ, người kia chứ đâu chỉ còn riêng những người được coi là gốc Hà Nội. Và như những gì tôi được chứng kiến, tìm hiểu thì thực tế, trong những người kinh doanh, nhân viên phục vụ, bán hàng ở các chợ Hà Nội hiện nay thì chỉ có một phần nhỏ là người Hà Nội gốc còn đa phần là những người từ các tỉnh lẻ di cư, nhập cư về đây. Chính sự pha tạp của hàng trăm thứ dân về Hà Nội đã đem theo những nền văn hóa làm hòa lẫn, xấu xí đi những nét văn hóa của người Hà Nội xưa. Người Hà Nội gốc như chính ông bà, bố mẹ... của tôi, dù không được học hành nhiều nhưng họ có phong cách, ăn nói, ứng xử rất thanh lịch, lễ phép, thưa gửi rõ ràng,... Trong khi giao tiếp với nhau, dù là giữa những người mới quen biết đến những người thân quen thì người Hà Nội gốc luôn rất chú trọng đến từng lời ăn, tiếng nói, các từ ngữ được sử dụng thường rất mẫu mực, lịch sự... Tôi thường được nghe trong giao tiếp của những người lớn tuổi với nhau là các cụm từ mang một nét đặc trưng của người Thăng Long, đôi khi còn rất mang tính nghi lễ và khuôn phép như: "đa tạ bác...", "xin bác thứ lỗi....", "tôi nói khí không phải...", "cảm phiền bác...". Dù rằng có mệt nhọc, có tức giận hay không bằng lòng với ai đó, việc gì đó nhưng tôi cũng chưa bao giờ nghe thấy hoặc chứng kiến những người Hà Nội gốc "văng" ra các từ ngữ tục tĩu, thô thiển mà trái lại họ vẫn rất nhẹ nhàng, ứng xử văn hóa để giải quyết... 
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Một nét rất đẹp của người Hà Nội xưa mà tôi thấy được, đó là bất cứ khi nào, ai đó làm việc gì sai thì họ sẵn sàng nhận lỗi và nói lời xin lỗi. Nhưng với những người Hà Nội mới bây giờ thôi chứ chưa nói đến những người bán hàng, phục vụ thì nụ cười còn là hiếm chứ nói đến lời xin lỗi thì quả thực là thứ quá xa xỉ... Một nét riêng dễ dàng thấy ở người Hà Nội gốc là trong lối sống rất hòa đồng, sự quan tâm, giúp đỡ lẫn nhau, tình cảm hàng xóm, láng giềng luôn được coi trọng... Điều này dường như theo tôi cảm nhận đã mất đi trong thời gian gần đây, khi mà cái cảnh nhộm nhoạm, "nhà nào biết nhà đấy" đã quá quen thuộc đối với người Hà Nội mới. Người Hà Nội gốc từ tốn, thanh lịch đến ngay từ cái cười, xỉa răng cũng phải che miệng để giữ lịch sự... Trong cách dạy con cũng vậy, như chính cha mẹ tôi luôn luôn giáo dục, dạy bảo chúng tôi phải biết được cách cư xử sao cho đúng đạo làm người, phải biết cẩn trọng trong từng lời ăn tiếng nói, trong lối sống, biết yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ người nghèo khó.... Còn nhiều lắm những nét thanh lịch, văn hóa, lịch sự của người Hà Nội gốc mà tôi không thể kể ra hết ở đây. Với tất cả những gì cá nhân tôi đã được dạy, cảm nhận về nét văn hóa, cách ứng xử thanh lịch, lịch thiệp của người Hà Nội gốc thì, tôi dám khẳng định, không bao giờ những cảnh "bún mắng, cháo chửi, đốt vía..." với khách thuộc về người Hà Nội gốc cả. Đó chẳng qua là những thứ văn hóa xấu, tạp nham được chính không ít người Hà Nội mới, nhập cư, di cư từ các tỉnh mang về mà thôi. Nói để khách quan hơn, nếu ai đó còn chưa tin, tôi dám khẳng định khi đi hỏi, chắc chắn không ít người bán cái kiểu "bún mắng, cháo chửi, đốt vía..." sẽ bao biện rằng "em đây là người Hà Lội" hay "chúng nó nói náo đấy em ạ"... Chỉ cần nghe đấy thôi, thì mọi người chắc chắn sẽ hiểu hơn những gì mà tôi muốn nói ở đây. Những nét đẹp trong văn hóa, ứng xử của người Hà Nội đã đi vào thơ văn: "Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An". Người Tràng An thật sự vẫn vậy, họ vẫn giữ được trong mình cái nét tinh hoa hun đúc ngàn năm của thủ đô linh thiêng, hào hoa này. Còn những người bán hàng, phục vụ nhà hàng, bán ở các chợ Hà Nội bây giờ, như tôi đã nói ở trên, đa phần họ chỉ là người từ các tỉnh lẻ nhập cư lên Hà Nội mà thôi. Và chính trong những chuyến di cư đó, họ đã mang theo các thứ văn hóa xấu, tạp nham, đanh đá, chua ngoa như: "bún mắng, cháo chửi, đốt vía..." chứ với người Tràng An gốc thì không bao giờ cư xử như vậy đâu..*/ Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Hoàng Minh Yến (Hà Nội)