Cả tỉnh Nghệ An chỉ có 75 thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử

04/07/2016 07:39
Sông Lam
(GDVN) - Thí sinh không chọn Lịch sử là môn thi không hoàn toàn có nghĩa là các em chán Sử mà đó là sự lựa chọn rất thực dụng, thực tế.

Quá ít thí sinh chọn môn Sử

Chiều 3/7, theo báo cáo của Sở GD&ĐT Nghệ An, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 ở Cụm thi 26 do Sở GD&ĐT tổ chức có 19/26 trường THPT không có thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch Sử .Tại Cụm thi 26 này, số thí sinh đăng ký môn Lịch Sử chỉ có 75 em.

Cả tỉnh Nghệ An chỉ có 75 thí sinh đăng ký thi xét tốt nghiệp môn Lịch sử
Cả tỉnh Nghệ An chỉ có 75 thí sinh đăng ký thi xét tốt nghiệp môn Lịch sử

Các trường có số thí sinh đăng ký dự thi môn Sử cao nhất là: THPT Quế Phong, THPT Quỳ Hợp 1 mỗi trường có 21 thí sinh đăng ký dự thi môn Sử.

Các trường có số lượng thí sinh đăng ký môn Sử thấp dần là THPT 1/5 (huyện Nghĩa Đàn) với 19 thí sinh ,THPT Nguyễn Xuân Ôn – Diễn Châu (5 thí sinh), THPT Nguyễn Duy Trinh –Nghi Lộc (4 thí sinh) , THPT Tân Kỳ (2 thí sinh) và  THPT Hoàng Mai – Thị xã Hoàng Mai chỉ có 1 thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch Sử. 

Không chọn thi môn Lịch sử là hợp lý

Đó là một thực trạng xót xa nhưng là lựa chọn hợp lý vì 2 căn nguyên sau:
 
Thứ nhất, trong các khối thi tuyển sinh vào đại học nhiều năm gần đây, số lượng học sinh đăng ký ôn thi khối C (Văn, Sử, Địa) ngày càng suy giảm dù số lượng đăng ký thi đại học khối A, B, D tăng nhiều nhưng không có nghĩa là nó tỉ lệ thuận với thực lực và chất lượng điểm số bài thi. 

Các môn học khoa học xã hội đang bị xem thường bởi cơ hội lựa chọn khối thi, trường thi cùng với cơ may học xong ra trường để tìm kiếm công ăn việc làm thì so với các chuyên ngành khoa học tự nhiên, kinh tế, kỹ thuật sẽ phong phú hơn, rộng mở hơn và kéo theo đó là mức lương, thu nhập cũng cao hơn.
 
Các em không chọn Sử là môn thi không hoàn toàn có nghĩa là các em chán Sử mà đó là sự lựa chọn rất thực dụng, thực tế.

Thứ hai, trong 2 môn thi tự chọn là Sử và Địa thì đa số học sinh chọn môn Địa chứ không chọn Sử vì tâm lý nhiều năm qua của học trò là rất “sợ” môn học này bởi nhiều số liệu, sự kiện ngày tháng năm rất tỉ mỉ, khó nhớ.

Các em lo ngại chọn Sử vì sợ bị điểm thấp, thậm chí điểm 0 môn Sử. 

Dù trong 2 năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã có sự đổi mới trong cách ra đề thi môn Sử, không ra theo kiểu yêu cầu thí sinh trình bày, liệt kê sự kiện, kiến thức ngày tháng năm tỉ mỉ nhưng rõ ràng cái tư tưởng, tâm lý “ngại” môn Sử đã gần như “mặc định” nhiều năm qua trong suy nghĩ của rất nhiều học sinh khi lựa chọn môn Sử.

Hơn nữa, đa số thí sinh chọn môn Địa mà ít chọn Sử vì môn này dễ kiếm điểm hơn, rất hiếm hoi bị "điểm chết" (đồng nghĩa với trượt tốt nghiệp).

Khi vào phòng thi môn Địa, tất cả các thí sinh đều được mang vào phòng thi và sử dụng “tài liệu hợp pháp” là cuốn “Atlat Địa lý Việt Nam”. 

Và thí sinh chỉ cần trình độ và kỹ năng thực hành ở mức bình thường( kỹ năng nhận biết kiến thức bằng trực quan và vẽ biểu đồ) cũng có thể kiếm được một vài điểm cho môn thi này ở 1 câu hỏi và trả lời kèm theo Atlat Địa lý Việt Nam. 

Sông Lam