Các bị cáo khai ra người báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn

07/01/2014 12:53
Quyết Nguyễn
(GDVN) - Sáng nay, Dương Chí Dũng có mặt tại phiên tòa xét xử em trai và khai về cuộc điện thoại đặc biệt trước giờ Dũng bỏ trốn.

Như đã đưa tin, sáng nay, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài. Ngay từ sáng sớm, an ninh tại khu vực tòa án Hà Nội đã được thắt chặt.

9 giờ sáng cùng ngày, sau khi đọc xong bản cáo trạng, HĐXX đã hỏi các bị cáo nội dung bản cáo trạng đúng hay sai. Tất cả các đồng phạm của Dương Tự Trọng đều trả lời là đúng, riêng bị cáo Dương Tự Trọng trả lời là không có ý kiến gì.

Khi bước sang phần xét hỏi, hầu hết các bị cáo đều thành khẩn khai báo và nhận thức được hành vi phạm tội của mình. Riêng bị cáo Nguyễn Trọng Ánh cho biết: “Ban đầu bị cáo đi đưa đón anh Dũng, anh Trọng không nói rõ là bảo bị cáo đưa anh Dũng bỏ trốn. Vào thời điểm xảy ra vụ việc, bị cáo mới chuyển về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng. Vì thế anh Trọng không thể tin tưởng mà nhờ bị cáo đưa anh trai anh Trọng bỏ trốn. Vì vậy mong HĐXX xem xét cho bị cáo,” Nguyễn Trọng Ánh nói.

Cũng giống Nguyễn Trọng Ánh, bị cáo Phạm Minh Tuấn (bạn thân của Trọng, nguyên Giám đốc xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng) nhận thức được hành vi của bị cáo là phạm pháp. Tuy nhiên, bị cáo Tuấn cũng cho biết: “Ban đầu bị cáo không biết anh Dũng phạm tội và bị truy nã. Bị cáo phạm tội là do anh Trọng là chỗ bạn bè nhờ cậy. Bị cáo cũng không am hiểu luật pháp. Nhưng khi cán bộ điều tra giải thích thì bị cáo nhận thức được mình đã phạm tội.”

Dương Tự Trọng tại phiên tòa.
Dương Tự Trọng tại phiên tòa.

Đáng chú ý là phần khai nhận của bị cáo Vũ Tiến Sơn (nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trận tự xã hội, Công an TP Hải Phòng). Trong vụ án này, Sơn là người được Trọng bàn bạc, thống nhất và giao việc liên lạc, phối hợp, điều khiển mọi hoạt động của các bị can và các đối tượng khác tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Sau đó, Sơn đã 2 lần nhận tiền của Trọng (34.000 USD) để giao cho Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng mang sang Campuchia cho Dũng.

Khai nhận tại tòa, Sơn cho biết, Sơn và Trong không chỉ là quan hệ cấp trên cấp dưới mà hai người còn coi nhau như anh em ruột. Vào chập tối ngày 17/5, Trọng gọi Sơn vào phòng làm việc và cho biết Dương Chí Dũng đã bị khởi tố và có lệnh bắt tạm giam. Trọng bảo Sơn là cần phải đưa Dũng sang Mỹ tạm lánh một thời gian. Sau khi bàn bạc, Sơn cùng một số đối tượng khác đã ra Hà Nội đón Dũng để bắt đầu cuộc bỏ trốn của nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Đặc biệt, trong phần xét hỏi bị cáo Sơn, HĐXX hỏi bị cáo này rằng, trong lời khai của bị cáo có 2 chi tiết về người thông báo cho Dương Chí Dũng tạm lánh đi nơi khác một thời gian. Bị cáo có giữ lời khi đó không? Người đó là ai?

Sơn trả lời: “Anh Trọng bảo có ông anh thông báo cho anh Dũng tạm lánh đi một thời gian,” nguyên nguyên Phó Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP Hải Phòng khẳng định.

Dương Chí Dũng khai rằng một đồng chí đã mật báo thông tin có lệnh khởi tố, tạm giam đối với Dũng để Dũng biết và bỏ trốn.
Dương Chí Dũng khai rằng một đồng chí đã mật báo thông tin có lệnh khởi tố, tạm giam đối với Dũng để Dũng biết và bỏ trốn.

Ngay sau phần khai của Sơn, Trọng được gọi lên trước vành móng ngựa để tòa xét hỏi. Liên quan đến lời khai của Sơn nói trên, Trọng trả lời rằng: “Bị cáo không có ý kiến gì. Bị cáo không phủ nhận cũng không thừa nhận. Gia đình bị cáo xảy ra chuyện đột ngột khiến bị cáo không còn nhớ gì nữa.”

Sáng nay, Dương Chí Dũng cũng được đưa ra tòa để đối chất. Liên quan đến người mật báo thông tin bị khởi tố và có lệnh bắt tạm giam để Dũng biết và bỏ trốn, Dương Chí Dũng khai: Ngày 17/5/ 2012, Dũng có gọi điện cho một người quen. Khoảng 17 – 18h00 thì người quen kia gọi điện lại cho Dũng thông báo Chính phủ đã nghe báo cáo về những sai phạm ở Vinalines và có quyết định khởi tố, tạm giam Dũng. Người quen kia đã bảo Dũng tạm lánh đi một thời gian rồi bảo Dũng tắt máy điện thoại. Sau đó Dũng đã bỏ trốn.

“Tôi đã bị tuyên án cao nhất là tử hình. Vì vậy những lời khai nói trên của tôi là trung thực, khách quan. Xin tòa xem xét cho em tôi (tức Dương Tự Trọng – PV). Em tôi đáng thương. Hiện giờ có thể em tôi không còn khả năng nhớ được điều gì thật,” Dương Chí Dũng nói.

Sau lời khai của Dương Chí Dũng, tòa tạm nghỉ trưa. Báo Giáo Dục Việt nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới độc giả.

Bị cáo Vũ Tiến Sơn.
Bị cáo Vũ Tiến Sơn.

Trước đó, như đã đưa tin, trong các ngày 12 – 13 - 14 và 16/12 vừa qua, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Cố tình làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra ở Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).  Kết thúc phiên toà, HĐXX đã tuyên án tử hình đối với Dương Chí Dũng, nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam. 

Trong quá trình xét xử vụ án nói trên, HĐXX cũng đề cập đến vấn đề Dương Chí Dũng bỏ trốn vào tháng 5/2012, ngay khi Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định khởi tổ bị can và có lệnh bắt tạm giam đối với Dũng. Theo đó, Dũng khai rằng, khoảng 6h00 tối ngày 17/5/2012, Dũng đã nhận được một cuộc điện thoại từ người thân. Nội dung cuộc điện thoại này nói rằng: “Anh hãy tạm lánh đi đâu đó một thời gian. Cơ quan điều tra đã quyết định khởi tố và có lệnh bắt anh rồi!”

“Sau khi nghe vậy, tôi hoảng quá, vội vàng bỏ đi luôn mà không suy nghĩ gì cả. Tôi bỏ đi không phải vì sợ tội và để trốn tránh trách nhiệm. Nếu không có cuộc điện thoại đó thì tôi không bao giờ bỏ đi,” Dũng khẳng định.

Khi HĐXX hỏi ai là người đã báo tin trong cuộc điện thoại nói trên, Dũng nói: “Điều này bị can đã khai với Cơ quan điều tra trong một vụ án khác rồi. Nếu tòa yêu cầu bị can phải khai thì bị can sẽ khai. Nhưng nếu không, bị cáo xin phép được không nói ở đây, vì ở đây, bị cáo đang khai về vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản. Hơn nữa, nói ra điều này ở đây có thể tạo dư luận không tốt.”

Cho tới hôm nay thì nhân vật bí ẩn nói trên đã dần dần lộ diện như đã nói ở trên./.

Quyết Nguyễn