Các đám cưới siêu sang đang xát muối lên vết thương của người nghèo

10/03/2012 06:41
Thảo Lăng
(GDVN) - Ông Trịnh Hòa Bình cho rằng, chuyện các đại gia tổ chức đám cưới rình rang là khoe mẽ, thiếu tôn trọng đạo lý và ngồi xổm lên các giá trị văn hóa.

Và trong chuyện này, dân ta đã thể hiện một thói xấu của người Việt. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi của phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam với ông về vấn đề này:

Ông Bình cho rằng, hiện nay đất nước ta còn nhiều khó khăn, dân ta nhiều nơi còn đói khổ, nghèo nàn thì việc tổ chức những đám cưới với hàng xe khủng, rình rang phản ánh văn hóa không lành mạnh của một bộ phận người giàu. Và thứ văn hóa mà họ đang sử dụng đã vô tình hù dọa, xát muối lên vết thương của đại bộ phận người nghèo trong xã hội. Và tiêu tiền theo kiểu ấy, thì không thể coi là văn minh.

Bởi vì, tiêu tiền văn minh là tiêu tiền vào mục đích chính đáng và cần thiết chứ không phải cứ nhiều tiền là có thể ném tiền qua cửa sổ. Tại sao dân ta phải tỏ ra mình tiêu nhiều tiền hơn cả người nước ngoài trong khi càng ở nước tiên tiến, giàu có người ta càng sống tiết kiệm? Tại sao dân ta lại nghĩ ra những trò đua đòi như thuê Vua nhạc Pop, mua thật nhiều vàng bạc, dây chuyền đeo còng cả lưng, “gãy cả cổ”? Những trò ấy chỉ có thể coi là trò mua vui một cách kệch cỡm cho thiên hạ mà thôi. Chuyện khoe mẽ là một căn bệnh chung của một bộ phận người giàu.

Thậm chí có đại gia thực sự sắp phá sản, làm dám cưới rình rang có thể là để PR cho mình, nhưng cũng có những người chỉ có một mục đích là khoe của.  Do đó, cách tiêu tiền thiếu văn hóa cho thấy những người lớn mà không có trưởng thành, ngồi xổm lên những giá trị văn hóa, khoe mẽ, trưng diện, ồn ào một cách không cần thiết.

Ông cho rằng, tất nhiên các đại gia có thể giải thích rằng, việc tổ chức đám cưới cho con là bù trì cho con vì những thiệt thòi trong cuộc sống, hay những thiếu sót của cha mẹ. Nhưng đó chỉ là ngụy biện. Bởi nếu thực sự người ta sợ dư luận xã hội thì đã không thể hiện cung cách tiêu tiền thiếu văn minh như vậy.  Và những người giàu chân chính và văn minh thì không tiêu tiền kiểu đó.

ông Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam
ông Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam

Sau những trò khoe mẽ, trưng diện ấy, người ta sẽ thắc mắc xem vì sao những người ấy giàu, sự giàu có ấy có gì bất minh không? Và phải chăng kiếm tiền là việc quá đơn giản, dễ dàng với họ? Bởi vì chỉ khi kiếm tiền mà không tốn nhiều thời gian, tâm trí, công sức, tình cảm,… thì mới dễ bề tiêu pha mà không cảm thấy xót xa.

Tính xấu người Việt

Tuy nhiên, nói đi phải nói lại, người Việt ta cũng có rất nhiều thói hư tật xấu. Ví như làm nhà cũng cố gắng làm sau hàng xóm để làm to hơn, rộng hơn một chút, đẳng cấp một chút. Về chuyện người khác tổ chức đám cưới rình rang, người ta luôn có tâm lý tò mò xem đại gia tổ chức đám cưới là ai, tên gì, ở đâu, làm lĩnh vực gì, thậm chí tài sản, nợ nần bao nhiêu? Đó là dấu tích của những tiểu nông thuở nào vẫn đang tồn tại trong đời sống người Việt ngày nay.

Ông nói, người Việt Nam rất thích lập kỷ lục, ví dụ không chỉ trong dịp cưới hỏi, mà những đợt như Giỗ Tổ Hùng Vương, người ta làm những bánh nhân khủng, chai rượu khủng, bánh chưng bánh giày lớn,… mà thực tế họ không ăn Do đó, vừa lãng phí, vừa tạo thói rỗng tuếch, kệch cỡm, ồn ào lập kỷ lục.

Đám nhà giàu cũng vậy, một số người thích độc đáo đặc biệt theo kiểu không ai có. Khiến cho dư luận tò mò hiếu kỳ, chính vì thế người ta phải đi giải thích nguồn cơn của điều này, tìm hiểu xem tiền bạc ở đâu chảy về?

Lý giải chuyện những đám cưới rình rang, khoe mẽ chủ yếu xuất hiện ở miền Trung, miền Nam nhiều hơn miền Bắc, ông cho rằng, điều này bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Trong đó yếu tố địa văn hóa là điều kiện tiên quyết.

Ở miền Bắc, các yếu tố địa văn hóa, do những cấu tạo địa lý, vị trí đại lý, điều kiện thiên nhiên không ưu đãi,…nên dân ở đây làm cái gì cũng khó khăn, khó nhọc, nên họ ăn tiêu rất hợp lý và tiết kiệm. Cùng kiếm tiền, nhưng người miền Bắc chỉ tính làm nhà. Ngược lại, người miền Nam thì không tính chuyện làm nhà, chỉ ăn tiêu là chính. Yếu tố này đã ngấm sâu từ lâu đời tạo thành tính cách của từng vùng miền.

Hình ảnh cô dâu, chú rể trong đám cưới "siêu khủng" ở Hà Tĩnh
Hình ảnh cô dâu, chú rể trong đám cưới "siêu khủng" ở Hà Tĩnh

Còn dân miền Trung, gần đây một số đại gia mới nổi do có những trò chộp giật, nào là đá quý, đào vàng, nào là ma túy, thuốc phiện,… Một số đại gia ở đây mới có thứ văn hóa lai căng và khoe mẽ. Và nhìn chung đại đa số người miền Trung rất nghèo khó, tính khoe mẽ không có trong tính cách của họ. Do vậy nếu nghĩ rằng dân miền Trung ăn chơi là nghĩ oan, mà thực chất chỉ có dân “anh Hai Nam Bộ” mới ăn chơi như vậy thôi.

Nhà xã hội học nói thêm, giàu nghèo là phản ánh bức tranh phân tầng xã hội. Ở mọi đất nước, quốc gia, giai đoạn, chúng ta không bao giờ kỳ vọng rằng có chuyện bình quân chủ nghĩa, chuyện có người giàu người nghèo là chuyện tất yếu. Hiện nay chúng ta đang tìm cách kéo sát khoảng cách giữa người giàu và người nghèo. Đảng và Nhà nước đang cố gắng đưa nhiều biện pháp vào từng Nghị quyết, Chính sách của đất nước.

Khoe khoang, khoe mẽ thì không có thứ luật pháp nào xử lý được. Nhưng nếu cả cộng đồng không tỏ ra  hiếu kỳ mà tẩy chay nó thì những trò này không có đất để tồn tại, ông Trịnh Hòa Bình khẳng định. 

Điểm nóng:
TP.HCM: Sắp thí điểm lệch giờ học TP HCM: Kho hàng 1.500m2 bị thiêu rụi, hàng chục tỷ đồng "bốc hơi"
Phú Yên: Con gái "báo hiếu" mẹ già bằng thuốc trừ sâu trộn chất thải Điều chỉnh vị trí sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh
Nữ sinh mất tích, gia đình bị "dội bom" tin sex Vụ đại gia “nước đá” trả dâu ở Cần Thơ: Sóng gió đã qua
Chồng Hàn Quốc bóp cổ chết cô dâu Việt vì bất đồng ngôn ngữ? Dư luận Hà Nội từng “ăn quả đắng” vì lời đồn “bệnh viện âm hồn” (kỳ 2)

Thảo Lăng