Các "ông lớn" viễn thông nói gì về giá cước 3G sẽ tăng theo giá xăng?

26/07/2013 07:38
Hân Ni
(GDVN) - Ông Nguyễn Trọng Sơn, chuyên viên PR MobiFone cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng và trình Bộ Thông tin Truyền thông một lộ trình điều chỉnh cước 3G trong khoảng thời gian 1 năm tới”.
Vừa qua, những thông tin hành lang về việc đề xuất tăng cước 3G xuất hiện trùng hợp ngay thời điểm giá xăng dầu lên cao nhất trong lịch sử, khiến cho không ít người tiêu dùng băn khoăn: Liệu cước 3G có tăng giá theo kiểu “té nước theo xăng”?!
Trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam về việc tăng giá cước 3G trong thời gian sắp tới, bà Nguyễn Hà Thành - đại diện phát ngôn cho Viettel khẳng định: Viettel chưa có kế hoạch cụ thể về lộ trình tăng giá cước này.

Theo tính toán của MobiFone, giá cước 3G cung cấp cho khách hàng hiện nay chỉ bằng 50% so với giá thành dịch vụ.
Theo tính toán của MobiFone, giá cước 3G cung cấp cho khách hàng hiện nay chỉ bằng 50% so với giá thành dịch vụ.

Trước đó, theo tính toán của MobiFone, giá cước 3G cung cấp cho khách hàng hiện nay chỉ bằng 50% so với giá thành dịch vụ. Hơn nữa so với các nước trong khu vực thì mức cước 3G của MobiFone của Việt Nam đang ở mức rất thấp, có thể nói là thấp nhất. Cụ thể cước data của MobiFone rẻ hơn Singapore 30 lần, rẻ hơn cước của Trung Quốc 10 lần, rẻ hơn cước của Malaysia 5 lần,…

“Chúng tôi đã xây dựng và trình Bộ Thông tin Truyền thông một lộ trình điều chỉnh cước 3G trong khoảng thời gian 1 năm tới. Nguyên tắc tối cao trong việc điều chỉnh cước là đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của khách hàng và doanh nghiệp. Do đó, việc điều chỉnh cước sẽ được thực hiện từng bước để đảm bảo quyền lợi khách hàng và tránh thay đổi một cách quá đột ngột. Trước mắt, giá cước sẽ được điều chỉnh dần để tiệm cận với giá thành. Sau đó chúng tôi sẽ căn cứ vào kết quả kinh doanh, nhu cầu, khả năng chi trả của khách hàng để có những điều chỉnh tiếp theo cho phù hợp”, ông Nguyễn Trọng Sơn – Chuyên viên PR MobiFone cho biết. Theo ước tính của hãng nghiên cứu thị trường Ovum, trên thế giới với sự gia tăng của các ứng dụng nhắn tin miễn phí đã khiến các nhà mạng bị “nẫng tay trên” đến 23 tỷ USD doanh thu trong năm 2012, và dự đoán con số này sẽ tăng lên 54 tỷ USD trong năm 2016.
Tại Việt Nam, đại diện VNPT cũng từng lên tiếng cho rằng OTT (ứng dụng nhắn in, gọi điện miễn phí) đã làm thiệt hại từ 9-10% doanh thu của tập đoàn. Còn về phía Viettel, trong Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2013 do Bộ TT&TT tổ chức, nhà mạng quân đội cũng kiến nghị Bộ xem xét việc quản lý các dịch vụ OTT vì những cuộc gọi diện, nhắn tin miễn phí đã làm giảm doanh thu của Viettel đến hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Tuy vậy, theo quan điểm của MobiFone, việc phát triển của các ứng dụng OTT là thách thức để MobiFone hoàn thiện mình và khẳng định những giá trị cốt lõi tạo ra các giá trị đặc trưng chứ không phải là chặn từng ứng dụng OTT riêng lẻ. 
Để ứng phó với nguy cơ từ OTT, trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Sơn chia sẻ: Các giải pháp để MobiFone nghĩ đến sẽ là hợp tác với các nhà cung cấp OTT tạo ra các sản phẩm đặc thù cho khách hàng. Bên cạnh đó, MobiFone sẽ tăng cường các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền thoại và SMS truyền thống để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu liên tục tăng của khách hàng. 
Cũng cùng động thái như trên, thay vì chặn ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí như nhiều lời đồn thổi dấy lên trên các diễn đàn mạng thời gian gần đây, đại diện của Viettel cũng nhấn mạnh: Để cạnh tranh với OTT, nhà mạng này sẽ cung cấp thêm các dịch vụ giá trị gia tăng. “Như vậy, người tiêu dùng luôn có lợi” – Viettel khẳng định.
>> Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index
Có thể nói, câu chuyện về những ứng dụng nhắn tin miễn phí trên điện thoại - OTT (Over the Top), như Viber, WhatsApp, Line, KakaoTalk bùng nổ tại Việt Nam gây thất thu một số tiền “khổng lồ” đã khiến các nhà mạng không khỏi “đau đầu”.
Hân Ni