Các tỉnh có những khó khăn gì khi triển khai tiếng Anh cho trẻ mầm non?

13/12/2022 06:39
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều địa phương đang triển khai thực hiện chương trình làm quen tiếng Anh dành cho trẻ mầm non còn nhiều khó khăn về đội ngũ giáo viên... 

Hiện nay nhiều địa phương đã và đang triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mầm non. Theo đó, nội dung trên được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định tại Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 về chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo; và Công văn số 4749/BGDĐT-GDMN ngày 23/9/2022 về việc hướng dẫn triển khai Thông tư trên với những nơi có đủ điều kiện.

Thực tế, trước khi Thông tư 50 và Công văn 4749 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ban hành, nhiều địa phương đã triển khai chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mầm non. Theo đó, tài liệu giảng dạy chương trình này là do các địa phương thẩm định.

Vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có sự hướng dẫn chỉ đạo chung, cũng như ban hành các bộ tài liệu giảng dạy do Bộ thẩm định, để các trường lựa chọn giảng dạy.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Võ Thị Phượng (Phó Trưởng phòng Giáo dục mầm non - tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Lắk) cho hay, địa phương thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ được khoảng bốn năm nay, nhưng năm vừa qua việc học chương trình này tạm ngưng do dịch Covid-19.

Trước đây, tài liệu giảng dạy là do Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định, các đơn vị giảng dạy lựa chọn trong giáo trình Sở thẩm định đó. Tuy nhiên, tháng 9 năm nay, giáo trình được Bộ thẩm định, triển khai trên toàn quốc có phần hơi muộn, nên nhiều địa phương cũng còn nhiều khó khăn trong việc triển khai.

"Từ các tài liệu tiếng Anh cho trẻ mầm non được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, sau đó các trường sẽ lựa chọn tài liệu phù hợp để giảng dạy. Việc thuê giáo viên dạy tiếng Anh đều phải xã hội hóa, dựa trên đóng góp của phụ huynh vào đầu năm học. Trong khi đó, tháng 10 vừa qua các địa phương mới triển khai thì khá bị động, về việc tuyên truyền tới phụ huynh", cô Phượng cho hay.

Theo đó, cô Phượng cho biết thêm, việc triển khai dạy học phải thông báo cho phụ huynh về mức phí đối với giáo viên nước ngoài và giáo viên Việt Nam giảng dạy. Khi phụ huynh đồng ý, nhà trường mới kí hợp đồng với giáo viên để thực hiện.

Đến nay, tại tỉnh Đắk Lắk có khoảng 20% số lượng bé tham gia học chương trình này.

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Về nguồn giáo viên, nhà trường có thể hợp đồng với các giáo viên tiếng Anh tại các trường cấp 1, cấp 2 có trình độ, chứng chỉ. Bên cạnh đó là hợp đồng với trung tâm trên địa bàn để đảm bảo việc giảng dạy.

Tuy nhiên, theo cô Phượng, nguồn giáo viên từ các trường cấp 1, cấp 2 cũng gặp khó khăn, khi các giáo viên đều đã kín lịch giảng dạy chính khóa, còn các trung tâm tiếng Anh không đáp ứng đủ số lượng giáo viên cho các trường mần non có yêu cầu.

Thông tin về việc thực hiện chương trình trên, cô Nguyễn Thị Huế (Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Glei, Kon Tum) cho hay, địa phương là nơi còn nhiều khó khăn của tỉnh Kon Tum, nên chưa tổ chức được việc đưa tiếng Anh vào trường mầm non.

Khó khăn đó không phải về cơ sở vật chất, bởi tiết dạy tiếng Anh là dạy theo giờ, có thể tận dụng phòng học khác để giảng dạy.

"Khó khăn nhất là về nguồn giáo viên, rồi đến nhu cầu của phụ huynh là ít", cô Huế cho hay.

Theo cô Huế, tiếng Anh là tiết học ngoài giờ nên phụ huynh phải đóng 10 nghìn đồng/tiết học, một tuần có hai buổi. Đây là vấn đề cần cân nhắc đối với các gia đình, bởi đời sống kinh tế, xã hội của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn.

"Huyện Đắk Glei đã bàn chủ trương đưa tiếng Anh vào trường cho trẻ mầm non làm quen được khoảng 2 năm nay, nhưng đến nay các trường không tổ chức được", cô Huế chia sẻ.

Còn tại tỉnh Tuyên Quang, thầy Vũ Văn Dũng - Trưởng phòng Giáo dục mầm non - tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang) cho biết, về việc triển khai tiếng Anh trong trường mầm non, địa phương gặp khó khăn nhất là ở chỗ không có giáo viên.

"Địa phương cho phép các trường ở vùng sâu, vùng xa, giáo viên tiếng Anh ở trung tâm mà không đến được lớp thì nhà trường có thể hợp đồng với các giáo viên dạy ngoại ngữ tại các trường cấp 1, cấp 2 trên địa bàn. Theo đó, các giáo viên này học thêm chứng chỉ giảng dạy mầm non là có thể đứng lớp", thầy Dũng chia sẻ.

Tuy nhiên, thầy Dũng cho biết, nguồn lực giáo viên dạy tiếng Anh tại cấp 1, cấp 2 ở địa phương không thể đáp ứng được hết nhu cầu của các trường mầm non, dù các đơn vị cũng có thể thuê thêm giáo viên nước ngoài để về giảng dạy.

Tuyên Quang đã đưa tiếng Anh vào các trường mầm non được khoảng 3-4 năm nay, tuy nhiên tỉ lệ phụ huynh đăng kí cho con học chỉ chiếm khoảng hơn 10%.

"Việc bố trí giảng dạy do các trường tự quản lý. Địa phương đã triển khai được chương trình trình tại thành phố và trung tâm các huyện, thị trấn", thầy Dũng cho hay.

Về mức phí học tiếng Anh trong trường mầm non, thầy Dũng cho biết, Hội đồng Nhân dân tỉnh quy định đối với tiết học do giáo viên Việt Nam dạy là 10 nghìn đồng/tiết, còn với giáo viên nước ngoài là 20 nghìn đồng/tiết.

Trong tương lai, địa phương vẫn sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích phụ huynh cho con em tham gia, để các bé được làm quen trong môi trường tiếng Anh sớm, tạo đà cho việc lên lớp 1 có thể bắt nhịp ngay với việc học tiếng Anh chính khóa.

Theo nội dung Công văn 4749 của Bộ Giáo dục, từ năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục mầm non tổ chức cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh lựa chọn, sử dụng tài liệu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt, cho phép sử dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non; không sử dụng tài liệu làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo chưa được sự thẩm định và cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong các cơ sở giáo dục mầm non.

Theo Thông tư số 50/2020/TT-BGDĐT ngày 31/12/2020 về chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo, việc cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh sẽ được tổ chức 35 tuần/năm, tối thiểu 2 hoạt động làm quen với tiếng Anh/tuần, mỗi hoạt động từ 25-35 phút.

Tùy thuộc vào điều kiện, hoạt động làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo sẽ được tổ chức linh hoạt vào các thời điểm khác nhau, phù hợp với khả năng của trẻ. Tuy nhiên, cần chú trọng phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời theo dõi và hỗ trợ trẻ giao tiếp tương tác bằng tiếng Anh kịp thời trong quá trình làm quen.

Mạnh Đoàn