Các trường cao đẳng Y Dược gặp nhiều khó khăn, cần giải pháp chính sách căn cơ

23/06/2021 15:29
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 23/6, câu lạc bộ các trường cao đẳng Y Dược trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm trực tuyến.

Dự tọa đàm có Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; lãnh đạo văn phòng, các ban thuộc Hiệp hội cùng đại diện lãnh đạo của 41 trường cao đẳng y dược, trung cấp y dược trên cả nước.

Mở đầu cuộc tọa đàm, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ thay mặt Hiệp hội hoan nghênh đại diện của các trường trong câu lạc bộ khối cao đẳng Y Dược đã tham gia rất đầy đủ và nhiệt tình với hoạt động của câu lạc bộ. Đặc biệt, thời gian qua và hiện nay các trường ngành y nói riêng trong đó các trường đại học, cao đẳng đã đóng góp tích cực trong việc phòng, chống dịch COVID-19.

Theo Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ, tọa đàm là dịp để các trường bàn bạc về chức năng, nhiệm vụ của câu lạc bộ trong thời gian tới nhất là khi Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã và đang kiến nghị chuyển quản lý nhà nước hệ đào tạo cao đẳng về Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi quản lý như hiện nay đã khiến cách trường cao đẳng không được hưởng các chính sách của bậc giáo dục đại học.

Ngày 23/6, câu lạc bộ các trường cao đẳng Y Dược trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm trực tuyến (ảnh: Thùy Linh)

Ngày 23/6, câu lạc bộ các trường cao đẳng Y Dược trực thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm trực tuyến (ảnh: Thùy Linh)

Tại tọa đàm, lãnh đạo nhiều trường cao đẳng y dược đã chia sẻ nhiều khó khăn về công tác tuyển sinh; xây dựng chương trình – giáo trình; kiểm tra đánh giá cũng như khâu tổ chức quản lý kể từ năm 2017 khi chuyển về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Nhiều trường trước đây chưa bao giờ phải về từng trường phổ thông để tuyển sinh thì mấy năm nay đều phải về tận cơ sở, chưa kể trước đây tuyển sinh “chung” thì rất dễ dàng, học sinh quen với cách đăng ký nguyện vọng trong hệ thống của giáo dục đại học, giờ các em phải tự đăng ký theo các trường nên chiến dịch tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn.

Tuyển sinh giảm dẫn tới nguồn thu giảm khiến việc "giữ chân" giảng viên giỏi, giảng viên có kinh nghiệm rất khó. Họ cứ làm đơn xin nghỉ nếu sau 45 ngày Nhà trường trả lời hay không thì họ cũng đi.

Nhất là chương trình khung của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ yếu là thực hành tay nghề vì tốt nghiệp là cử nhân thực hành nên 70% thời gian học là thực hành, do đó nhiều nội dung bị cắt giảm dẫn tới nhiều thầy cô chuyển công tác.

Ngoài ra, từ khi về “mái nhà” Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khiến việc liên thông từ cao đẳng lên các bậc học cao hơn bị chững lại vì quản lý nhà nước thuộc hai hệ thống khác nhau.

Và từ năm 2017 hệ cao đẳng không còn chức danh giáo sư, phó giáo sư nữa vì không thuộc hệ đại học…

Lắng nghe ý kiến từ các trường, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội nhận thấy còn rất nhiều vấn đề khúc mắc cần giải quyết, muốn vậy thì trước tiên cần đưa bậc cao đẳng về hệ giáo dục đại học để hưởng mọi chính sách từ giáo dục đại học.

Thùy Linh