Các trường THPT ở Tuyên Quang chuẩn bị ra sao cho chương trình GDPT 2018?

19/07/2022 06:48
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều trường trung học phổ thông ở Tuyên Quang vẫn còn những khó khăn trước thềm năm học mới, đối với việc giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ được áp dụng cho lớp 10. Theo đó, cấp trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục và định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp.

Để đạt được mục tiêu trên, nhiều trường trung học phổ thông dựa trên năng lực của học sinh, đội ngũ giáo viên hiện có của nhà trường để phân lớp dựa trên tổ hợp môn lựa chọn.

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Báo Tuyên Quang)

Theo thầy Phan Trường Giang (Hiệu trưởng trường trung học cơ sở - trung học phổ thông Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) cho hay, đơn vị cũng như các trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh chưa công bố điểm chuẩn kết quả vào lớp 10.

Trước đó, về phía nhà nhà trường, đơn vị đã đến trường trung học cơ sở để thực hiện khảo sát đối với thí sinh. Sau đó nhà trường xây dựng tổ hợp cho học sinh đăng kí. Chỉ tiêu tuyển sinh của nhà trường khoảng 90 em, tuy nhiên số lượng này cũng có thể biến động do các em nộp hồ sơ vào trường khác.

Bên cạnh đó, nếu để học sinh lựa chọn tổ hợp môn sẽ có sự chênh lệch rất lớn, vì các em đa số sẽ lựa chọn tổ hợp xã hội. Điều này sẽ gây khó cho nhà trường bởi phụ thuộc đội ngũ giáo viên, nên đơn vị xây dựng 4 tổ hợp môn để cho các em lựa chọn.

"Chúng tôi định hướng 4 tổ hợp (khối A, B, C, D) cho các em lựa chọn. Nếu để học sinh lựa chọn, có thể hơn chục tổ hợp môn, nhà trường sẽ phải mở rất nhiều lớp trong khi ít học sinh", thầy Giang chia sẻ.

Theo thầy Giang, việc nhà trường chia tổ hợp môn dựa trên thực tế, sẽ tạo điều kiện để các em sau này thi tốt nghiệp và xét tuyển vào các trường đại học.

Đối với trường hợp muốn chuyển đổi môn trong tổ hợp, học sinh sẽ tự học thêm hoặc đăng kí giáo viên dạy bổ sung.

Về nhóm môn Nghệ thuật, vừa qua nhà trường cũng sáp nhập trường trung học cơ sở với trung học phổ thông, bởi vậy sẽ không thiếu giáo viên dạy nhóm môn này.

"Nhà trường cũng đã đưa nhóm môn nghệ thuật vào trong tổ hợp môn để các em lựa chọn", thầy Giang nói.

Để chuẩn bị cho việc giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường cũng đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên để giảng dạy chương trình sách giáo khoa mới cho lớp 10.

Khi được hỏi về những khó khăn trước năm học mới, thầy Giang cho hay, trang thiết bị dạy học chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn thiếu, đơn vị vẫn đang chờ Sở cung cấp.

Bên cạnh đó, đối với giáo viên dạy nhóm tổ hợp môn bậc trung học cơ sở đã được bồi dưỡng, nhưng trong năm học tới cũng khó tránh khỏi những bỡ ngỡ.

"Khối trung học cơ sở có tổ hợp môn khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa, Sinh) đòi hỏi chỉ một giáo viên đứng lớp, vì vậy nhà trường cho giáo viên đi đào tạo thêm về chuyên môn. Bên cạnh đó, tại các trường đại học hiện vẫn đang trong quá trình đào tạo giáo viên dạy tổ hợp môn. Các em này có khi còn chưa tốt nghiệp nên trường cũng chưa thể tuyển thêm đội ngũ giáo viên này", thầy Giang chia sẻ.

Cô Phan Thanh Hà (Phó hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Sơn Nam, huyện Sơn Dương) cho hay, năm nay nhà trường dự kiến tuyển hơn 500 học sinh và việc tuyên truyền về lựa chọn tổ hợp môn cũng giống như các trường khác.

Theo đó, việc tuyên truyền phải làm sao để phụ huynh và học sinh bớt được tâm lý lo lắng, không quá phức tạp, khi lựa chọn tổ hợp môn. Phụ huynh đã hiểu thì sẽ thấy được chương trình giáo dục phổ thông mới giảm áp lực học tập hơn đối với học sinh.

"Sau khi có kết quả điểm chuẩn, chúng tôi sẽ có kế hoạch xây dựng các tổ hợp môn và để phụ huynh, học sinh lựa chọn. Về nhóm môn Nghệ thuật, đơn vị chưa có giáo viên nên không đưa vào tổ hợp môn", cô Hà chia sẻ

Theo cô Hà, trước đây các lớp khối 10 vẫn học 2 ca/ngày, trong khi đó chương trình giáo dục phổ thông 2018 có nhiều sự thay đổi, đơn vị vẫn chưa có phòng học bộ môn do thiếu kinh phí xây dựng. Bên cạnh đó, trường vẫn đang chờ Sở Giáo dục cung cấp trang thiết bị giảng dạy, học tập.

"Chúng tôi có quỹ đất xây dựng phòng học bộ môn nhưng chưa có kinh phí để thực hiện", cô Hà nói.

Cô Phạm Thị Phượng (Phó hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở - trung học phổ thông Na Hang) cho hay, năm nay nhà trường tuyển sinh khoảng 70 em, nên đơn vị lựa chọn 3 tổ hợp môn (khối A, D, C) là những khối quen thuộc.

"Do số lượng học sinh ít nên nhà trường căn cứ trên số lượng giáo viên để xây dựng tổ hợp môn, tư vấn cho các em lựa chọn", cô Phượng chia sẻ.

Mạnh Đoàn