Các vị đừng ngồi máy lạnh, đứng từ xa, hãy nghĩ cách cứu học trò đi, khổ lắm

12/09/2018 06:45
Thanh Sơn
(GDVN) - Tới trường, học không đảm bảo, ngủ không đủ chỗ, hỏi ngành giáo dục và chính quyền dành quan tâm cho sự nghiệp phát triển giáo dục Thủ đô đang ở mức nào?

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mỗi lớp học bậc tiểu học chỉ sắp xếp tối đa 35 học sinh.

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhiều trường công lập, đặc biệt một số trường tiểu học ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, con số này đã biến động tới 50 – 60 học sinh/lớp.

Thậm chí, do năm sinh 2012 được cho là năm "rồng vàng", năm đẹp nên tỉ lệ sinh tăng cao, khiến năm học 2018-2019 tại Hà Nội, sĩ số một số lớp học lên đến gần 70 em, có lớp 3 học sinh/bàn.

Để chuẩn bị cho năm học mới, tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018 – 2019, ông Lê Ngọc Quang – Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, thành phố Hà Nội đã xây mới 22 nghìn phòng học với 19 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,5% mức chi từ ngân sách.

Tuy nhiên, áp lực tăng dân số cơ học vẫn khiến nhiều khu vực vẫn rơi vào tình trạng thiếu trường lớp.

Và thực tế, tình trạng quá tải, vượt sĩ số lớp ở tiểu học đã và đang gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.

Trước tình hình này, Hà Nội đề xuất giao hai cô giáo phụ trách lớp trên 60 học sinh.

Là một nhà giáo (đề nghị không nêu tên) và cũng là ông nội của một cậu học trò học ở ngôi trường công lập giữa Hà Nội với sĩ số hơn 60 học sinh/lớp dù đã cách đây 3 năm nhưng khi nói về sự quá tải khiến ông không khỏi xót xa và bày tỏ lo ngại với ngành giáo dục và chính quyền Thủ đô.

Các vị đừng ngồi máy lạnh, đứng từ xa, hãy nghĩ cách cứu học trò đi, khổ lắm ảnh 1
Năm học 2018-2019, Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội) đón 1.140 học sinh lứa "rồng vàng" vào lớp 1. Đây là trường có số lượng học sinh vào lớp 1 đông nhất thủ đô.(Ảnh: VnExpress.net)

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo này tâm sự: “Gia đình tôi, vì nhà cách trường tiểu học 100m nên thời điểm đó, chúng tôi thống nhất cho cháu học gần nhà để thuận tiện đưa đón.

Tuy nhiên tôi và bố mẹ cháu đã phải thuê người giúp việc để đón cháu về ăn, ngủ ở nhà và 2h chiều quay trở lại trường học tập vì chỗ ngủ trưa không đảm bảo, nhà trường cũng khuyến khích gia đình nào có khả năng thì đón con vào buổi trưa.

Nhưng kết thúc học kỳ 1, gia đình tôi phải xin chuyển trường cho cháu sang một ngôi trường tư thục xa nhà, sĩ số đảm bảo các cháu được quan tâm và khi đó chúng tôi yên tâm cho cháu ở lại bán trú để đảm bảo việc học, ăn, ngủ cho cháu”.

Các vị đừng ngồi máy lạnh, đứng từ xa, hãy nghĩ cách cứu học trò đi, khổ lắm ảnh 2Mẹ ơi, ở lớp, trưa con chỉ được nằm nghiêng và không dám thở...

Thầy giáo này cho rằng, việc đề xuất giao hai cô giáo phụ trách hoặc tăng thêm phụ cấp đặc biệt đối với những giáo viên đứng lớp có sĩ số học sinh đông chỉ là giải pháp tình huống nhằm chia sẻ, bù đắp được một phần nào đó thiệt thòi của giáo viên nhưng học sinh thì không. 

Bởi lẽ dù có tăng giáo viên hay tăng phụ cấp mà số lượng phòng học vẫn như vậy thì sĩ số lớp học vẫn là 60-70 em, đâu có giảm.

Điều này khiến chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi tiểu học là độ tuổi hiếu động mà mỗi tiết học 35- 40 phút đòi hỏi các em phải có kỉ luật trật tự cao thì công việc và trách nhiệm đi kèm giảng dạy của mỗi giáo viên vô cùng vất vả nếu không nói vượt quá khả năng của giáo viên.

Do đó, ngay từ lúc này, các cấp chính quyền cần đặt lên bàn nghị sự và khẩn trương tìm giải pháp căn cơ san bớt sĩ số lớp học. 

Thầy giáo này nên giải pháp rằng, các nhà trường có thể tìm và thuê địa điểm gần trường để học sinh được đảm bảo quyền học tập và nhanh chóng xây dựng trường mới, tránh tình trạng số lượng các em năm nay học lớp 1 sang năm lên lớp 2 thì câu chuyện sĩ số đông vẫn là một dấu hỏi không có lời giải.

Lớp học quá đông sẽ khiến khả năng quan sát của giáo viên rơi vào tình trạng không xuể, từ đó sự sâu sát không đảm bảo.

Mặt khác, học sinh đông trong một không gian lớp học chật hẹp sẽ khiến giáo viên khó khăn trong việc tổ chức học nhóm, dạy học lấy học sinh làm trung tâm, hạn chế khả năng tương tác giữa giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học…

Các vị đừng ngồi máy lạnh, đứng từ xa, hãy nghĩ cách cứu học trò đi, khổ lắm ảnh 3Hà Nội sĩ số đông thì tăng cường giáo viên, 2 thầy/cô 1 lớp 60 em

Hơn nữa, giờ ăn, ngủ, chất lượng sống của các em từ 8h sáng đến 4h chiều bán trú tại trường cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và học trò vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi vô cùng lớn.

Các em tới trường, học không đảm bảo, ngủ không đủ chỗ thì thử hỏi ngành giáo dục và chính quyền địa phương dành quan tâm cho sự nghiệp phát triển giáo dục Thủ đô đang ở mức độ nào?

“Các vị đừng đứng từ xa, ngồi máy lạnh mà nghĩ giải pháp cứu học trò ra khỏi cảnh chen chúc này nữa mà cần xuống tận trường, lớp xem điều kiện các con học, ăn, ngủ đang khổ sở vô cùng. Xót xa lắm”, nhà giáo này cầu xin.

Thanh Sơn