Cách lôi kéo học sinh thích môn Hóa của cô giáo ở Phú Thọ!

08/02/2020 06:43
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo cô Nga, thách thức lớn nhất trong dạy học môn Hóa học là càng ngày số học sinh theo học các môn tự nhiên càng ít.

Cô giáo Hoàng Thị Thúy Nga, giáo viên bộ môn Hóa học của Trường Trung học phổ thông Hiền Đa, Cẩm Khê (Phú Thọ) luôn trăn trở để có những bài dạy hay, thu hút học sinh yêu thích môn Hóa.

Đặc thù học sinh nơi trường cô Nga giảng dạy là ở vùng quê nên học sinh ít có điều kiện để tiếp cận các kiến thức hóa học như các bạn ở thành phố. Trước đây, học sinh ít có điều kiện để thực hiện các thí nghiệm thực tế.

Cô giáo Hoàng Thị Thúy Nga (ảnh Trinh Phúc).
Cô giáo Hoàng Thị Thúy Nga (ảnh Trinh Phúc).

Tuy nhiên, từ năm học 2018 – 2019, nhà trường đã hoàn thành xong phòng học bộ môn, trong đó trang bị đầy đủ các dụng cụ, hóa chất, các thiết bị vòi rửa, buồng rửa nên các tiết học Hóa sinh động hơn, học sinh được làm các thí nghiệm hóa học hơn.

Ngoài ra, hiện nay các thí nghiệm ảo trên công nghệ thông tin khiến tiết học hóa không đơn điệu. Việc trình chiếu như thế các em rất hào hứng, phấn khởi để ghi nhớ kiến thức dễ hơn.

Cô Nga cho rằng, Hóa học là môn thực nghiệm, có tính liên hệ với thực tế nên trong từng bài dạy cô luôn cố gắng lồng ghép kiến thức thực tế, hiện tượng hàng ngày để cho học sinh dễ dàng ghi nhớ.

Theo cô Nga, thách thức lớn nhất trong dạy học môn Hóa học là càng ngày số học sinh theo học các môn khoa học tự nhiên càng ít.

Giáo viên chủ nhiệm nhiều lúc phải như người chị, người mẹ của học sinh!
Giáo viên chủ nhiệm nhiều lúc phải như người chị, người mẹ của học sinh!

Một khóa chỉ có một lớp nên việc tạo hứng thú cho học sinh học bộ môn Hóa là không thể đồng đều với tất cả các lớp.

“Cơ bản chỉ những lớp các em có hứng thú về khoa học tự nhiên, các em sẽ học tập tích cực. Còn những lớp cơ bản học sinh rất thụ động trong quá trình học” – cô Nga chia sẻ.

Cách thi mới, học sinh có quyền chọn phân ban, nên khi các em chọn phân ban về khoa học xã hội thì các môn tự nhiên các em học với tính chất rất thụ động.

Tuy khó khăn, nhưng cô Nga luôn tìm ra các phương án mới để giúp học sinh có hứng thú học hóa học để các em có kiến thức nền.

Việc dạy hướng dẫn các em bám sát chương trình sách giáo khoa, những nội dung khó tinh giản hoặc bỏ chứ không đầu tư quá sâu lượng kiến thức đó.

Khi dạy học cô Nga thường gắn với các kiến thức thực tiễn để các em thấy gần gũi hơn.

“Nhiều học sinh học với mục đích duy nhất lấy tấm bằng cấp ba nên tôi thường động viên, khích lệ các em học bộ môn làm thế nào để có thể lấy được điểm số vượt qua được kỳ thi một cách tốt nhất chứ không tạo ra sức ép học tập” – cô Nga nói.

Cũng theo cô Nga, với những học sinh không phân ban thì mục đích dạy học là không tạo cho các em sức ép quá lớn.

Trước thắc mắc về việc nếu duy trì việc dạy như vậy có đảm bảo được chất lượng đại trà môn Hóa hay không cô Nga cho biết: “Đối với học sinh theo xã hội thì định hướng với các em chỉ học những phần nhận biết.

Còn các em học khối tự nhiên thì giáo viên phải đầu tư nhiều hơn. Khi dạy học cần nói rõ với học sinh phần nào rơi vào mức độ dễ hay khó để học sinh nhận thức được và đưa ra mục đích học của mình”.

Trinh Phúc