Cầm cố, cắm sổ bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật

07/02/2018 06:44
Vũ Phương
(GDVN) - Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa cho biết, thời gian qua tại một số tỉnh có hiện tượng người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, cắm ngân hàng.

Sáng 6/2, tại Hà Nội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin định kỳ về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế tháng 2/2018.

Tại hội nghị, ông Chu Minh Tộ - Trưởng ban Sổ thẻ (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã chia sẻ thông tin mới nhất về việc gần đây tại một số tỉnh như Phú Yên, Vĩnh Long, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Đăk Nông… xảy ra tình trạng một số người lao động đem sổ BHXH đi cầm cố tại các hiệu cầm đồ, ngân hàng… để vay tiền.

Đáng nói, những người này sau đó đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ mới. Việc cầm cố sổ bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động, của người nhận sổ bảo hiểm xã hội để cầm cố cũng như ảnh hưởng đến cơ quan bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp có người tham gia bảo hiểm xã hội.

Ông Chu Minh Tộ cho biết: “Luật bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn không quy định việc cầm cố, thế chấp sổ bảo hiểm xã hội và không quy định cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp người lao động đem sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, chỉ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do bị hỏng, mất.

Tại Khoản 3, Điều 19 Luật bảo hiểm xã hội quy định: Người lao động có trách nhiệm bảo quản sổ bảo hiểm xã hội.

Tại Khoản 1, Điều 96 Luật bảo hiểm xã hội quy định: Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho từng người lao động để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.

Tại Khoản 2, Điều 97 Luật bảo hiểm xã hội quy định hồ sơ cấp lại sổ bảo hiểm xã hội trong trường hợp người lao động bị hỏng, mất sổ bảo hiểm xã hội (không quy định đối với trường hợp cầm cố sổ bảo hiểm xã hội).

Tại Điều 3, Quy định về mẫu sổ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 1035/QĐ-BHXH ngày 01/10/2015 của Tổng Giám bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định: Sổ bảo hiểm xã hội được cấp cho người tham gia để theo dõi việc đóng, hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và là cơ sở để giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

Người tham gia được cấp và bảo quản một sổ bảo hiểm xã hội duy nhất; Trường hợp sổ bảo hiểm xã hội bị mất, hỏng phải thông báo với cơ quan bảo hiểm xã hội để xem xét cấp lại.

Ông Chu Minh Tộ cho biết, chủ yếu người mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố rơi vào các khu công nghiệp và thiếu hiểu biết về pháp luật. Ảnh: Vũ Phương.
Ông Chu Minh Tộ cho biết, chủ yếu người mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố rơi vào các khu công nghiệp và thiếu hiểu biết về pháp luật. Ảnh: Vũ Phương. 

Ông Chu Minh Tộ nhấn mạnh: “Những hệ lụy từ việc cầm cố sổ Bảo hiểm xã hội đối với người lao động là rất lớn.

Việc người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố được thực hiện theo thỏa thuận dân sự giữa người có sổ bảo hiểm xã hội và người cầm cố sổ bảo hiểm xã hội.

Nếu người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội do bị mất, hỏng thì không thuộc đối tượng được cấp lại sổ Bảo hiểm xã hội theo quy định. Bởi vậy cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ không cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đối với trường hợp này.

Nếu người lao động mang sổ bảo hiểm xã hội đi cầm cố, sau đó đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội với lý do bị mất, hỏng, nếu cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện thì người lao động sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo quy định tại Khoản 1, Điều 27 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với hành vi kê khai không đúng sự thật.

Đối với người, đơn vị nhận cầm cố sổ Bảo hiểm xã hội, theo quy định về hồ sơ và quy trình giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 636/QĐ-BHXH ngày 22/4/2016 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Khi giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần phải kiểm tra, đối chiếu các yếu tố về nhân thân, số sổ bảo hiểm xã hội, dữ liệu về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động đảm bảo không giải quyết hưởng trùng.

Khi cơ quan bảo hiểm xã hội quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động phải căn cứ trên dữ liệu về quá trình đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trên phần mềm nên chỉ giải quyết chế độ 1 lần, không thể giải quyết trùng lần nữa được.

Tại Khoản 3, Điều 19 Luật bảo hiểm xã hội quy định: “Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội…”. Pháp luật về bảo hiểm xã hội không cho phép mua bán, chuyển nhượng thời gian người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Điều này có nghĩa, chỉ người nào tham gia bảo hiểm xã hội thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan.

Vì vậy, nếu người lao động cầm cố sổ bảo hiểm xã hội, sau đó được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ bảo hiểm xã hội vì lý do bị mất sổ bảo hiểm xã hội và đem sổ bảo hiểm xã hội cấp lại đi giải quyết bảo hiểm xã hội một lần, khi đó người cầm cố sổ bảo hiểm xã hội sẽ không thể đem sổ bảo hiểm xã hội nhận thế chấp đi giải quyết bảo hiểm xã hội một lần mặc dù có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội nếu gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà qua đời) thì thân nhân của họ mới được hưởng chế độ tuất, người cầm cố sổ bảo hiểm xã hội sẽ không được hưởng (quy định tại Điều 67, Điều 69 Luật bảo hiểm xã hội).

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Chu Minh Tộ cho biết: “Việc cầm cố sổ Bảo hiểm xã hội có thể do người lao động thiếu hiểu biết nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền để người lao động nhận thức được vấn đề.

Có thể xuất phát từ việc họ gặp khó khăn về tài chính nên đã đem cầm sổ Bảo hiểm xã hội. Hiện số người mang sổ bảo hiểm xã hội đem cầm cố rất ít và chỉ xuất hiện tại một số tỉnh. Đặc biệt tại các khu công nghiệp.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang khảo sát và đánh giá về việc cầm cố sổ bảo hiểm trên. Đầu năm mới, chúng tôi sẽ có thông kê trên diện rộng cả nước.

Để đảm bảo quy trình quản lý sổ Bảo hiểm xã hội, chúng tôi đang xây dựng khung pháp lý để làm sao không xảy ra việc cầm cố trên. Khi xây dựng xong khung pháp lý trên nếu người lao động tiếp tục cầm cố sổ bảo hiểm xã hội là vi phạm pháp luật. Mà vi phạm pháp luật thì phải có chế tài xử lý”.

Vũ Phương