Cán bộ chưa lịch sự và sự e ngại của người dân

23/11/2017 07:15
Nhật Duy
(GDVN) - Sự giao tiếp cũng cần lắm sự sẻ chia, những ánh mắt, nụ cười nhân ái. Hãy sống cao thượng, vì mọi người thì cuộc đời và xã hội sẽ đẹp biết bao?

LTS: Bàn về văn hóa ứng xử nơi công sở, thầy giáo Nhật Duy cho rằng một bộ phận cán bộ hiện nay còn có thái độ hạch sách, ứng xử với người dân chưa được lịch sự khiến người dân e ngại.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Công sở là nơi những công chức, viên chức nhà nước được đặt trong mối quan hệ rộng: quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp; quan hệ giữa công chức, viên chức với nhân dân; giữa cấp dưới với lãnh đạo…

Điều này, đòi hỏi người mỗi công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước phải thể hiện tốt được bản lĩnh, cách đối nhân, xử thế với mọi người một cách hòa nhã và văn hóa.

Người công chức làm ở bộ phận tiếp dân là nơi nhạy cảm nhất.

Bởi hàng ngày những công chức này phải tiếp xúc với nhân dân, với mọi đối tượng có trình độ lẫn những người dân lam lũ đến yêu cầu giải đáp hay làm các giấy tờ liên quan.

Chính vì đối tượng tiếp xúc của mình có nhiều trình độ khác nhau, sự am hiểu khác nhau nên điều phải giải thích, cởi mở là yêu cầu bắt buộc.

Những người dân cả đời luôn bám lấy mảnh ruộng, thửa vườn thì khi lên công sở cũng thường khép nép, sợ sệt, một dạ hai vâng và rất hay hỏi. Bởi người dân chưa hiểu hoặc cần được giải thích.

Văn hóa ứng xử nơi công sở còn nhiều điều đáng bàn. (Ảnh minh họa: Baoxaydung.com.vn)
Văn hóa ứng xử nơi công sở còn nhiều điều đáng bàn. (Ảnh minh họa: Baoxaydung.com.vn)

Song, hiện nay những bộ phận tiếp dân đâu đó chưa làm tốt hay cố tình không làm tốt.

Người công chức ở bộ phận này hay hạch sách và tỏ vẻ ta đây là cán bộ nên có thái độ chưa đúng mực.

Có một lần, khi làm thủ tục nhập khẩu cho đứa em gái, tôi đã gặp một chuyện phiền lòng khi tiếp cận với  bộ phận tiếp dân.

Khi đã thực hiện mọi yêu cầu của cảnh sát khu vực xong, tôi được hướng dẫn của anh công an khu vực là ngày mai lên bộ phận tiếp dân để nhận lại hồ sơ.

Đúng hẹn tôi trở lại, nhìn vào trong phòng không thấy người dân nào nên tôi bước vào và thấy hai sĩ quan công an đang loanh hoay bên chiếc máy vi tính.

Tôi cất tiếng chào hỏi: “chào anh chị, anh chị cho tôi...” .

Tôi chưa hết chưa hết câu thì nhận được một giọng cực kỳ khó nghe từ một đại úy công an: “Hỏi hoài, đứng ngoài chờ đi”.

Câu trả lời của anh công an khiến tôi cảm thấy bị xúc phạm. Mình đã hỏi gì đâu, một câu nói chưa hết mà… sao họ lại có thể tiếp dân bằng một thứ ngôn ngữ như vậy chứ?

Nếu bực mình chuyện gì cũng cần thiết giấu đi nỗi bức xúc, lẽ nào những người dân lên nhận hồ sơ làm hộ khẩu mà lại cáu gắt như vậy sao?

Lâu nay, có một thực tế là người dân rất ngại đến công sở dù đó là việc chính đáng.

Không phải ngẫu nhiên mà người dân ngại, nếu thực sự cán bộ công sở liêm khiết, biết ứng xử.

Nhiều lúc đi công chứng vài thứ giấy tờ cũng ngại ngùng. Lúc nào cũng ngồi đợi, thậm chí đợi vài tiếng đồng hồ mới công chứng được vài tờ giấy.

Điệp khúc chủ tịch, phó chủ tịch đi họp hay công tác chưa về luôn được cán bộ văn phòng phát ra bằng những ngôn từ lạnh lùng, khó chịu.

Nhiều khi lên thấy họ đang vui vẻ chuyện trò hay đọc báo nhưng cứ hỏi đến công việc là thấy họ khó khăn, cáu gắt.

Ngày chuẩn bị thi đại học và khi đi xin việc làm, điều mà chúng tôi thường phải đối mặt là thường xuyên phải lên xin dấu, xin xác nhận lí lịch, xin chuyển hộ khẩu tạm trú, thường trú đến nơi khác.

Cán bộ chưa lịch sự và sự e ngại của người dân ảnh 2“Công chức robot” và sợi dây kinh nghiệm

Và, dĩ nhiên, cũng thường xuyên phải chứng kiến sự thiếu thiện chí, lạnh lùng của một số cán bộ xã, phường, cho dù mình chẳng làm gì sai sót.

Hiện nay, trong quan hệ giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp ở một số cơ quan, công sở cũng có nhiều chuyện đáng bàn.

Nhiều khi trong các cuộc họp thường đấu đá, vạch lá tìm sâu để chỉ chích nhau.

Nếu góp ý trên tinh thần giúp nhau tiến bộ thì đó là điều đáng quí và không nói làm gì.

Đằng này, nhiều chuyện chẳng đâu vào đâu cứ đem vào hội họp nói. Những chuyện cãi tay đôi, tay ba làm mất thời gian và ảnh hưởng tới rất nhiều người.

Rồi những chuyện đâu đâu, cũng ngồi bàn luận, gièm pha nhau. Ai cũng cố chứng minh mình đúng, mình phải…

Những lúc ngồi nghỉ giải lao uống ly nước mà nghe mấy chuyện này cũng thấy chán ngán.

Là giáo viên đứng lớp nên chúng tôi thường đi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, bồi dưỡng chính trị…

Các báo cáo viên cứ thao thao chê người này đến người khác, ngành này đến ngành khác.

Họ nói một cách say sưa, nhiệt tình và còn bình luận nữa để được mọi người cười, mọi người bàn luận.

Mà những lớp tập huấn, bồi dưỡng như vậy có nhiều người thì cũng có nhiều cách nghĩ và cách nghe khác nhau. Thời đại công nghệ thông tin, tiếp cận các kênh thông tin đâu có khó.

Vì vậy, nhiều khi những câu chuyện được nghe thì người nghe đã đọc và biết từ lâu rồi. Vì thế mà họ cũng có chính kiến và suy nghĩ nữa chứ.

Hơn nữa, buổi tập huấn chứ đâu phải là đơn vị cử họ đi học đến để nghe những chuyện vô bổ như vậy?

Thời đại văn minh, cũng rất cần những con người văn minh trong ứng xử. Nhiều lúc nụ cười có thể xoa dịu được mọi phiền muộn.

Đôi lúc không làm được việc nhưng bắt gặp nụ cười giải thích, chia sẻ cũng làm ấm lòng người dân.

Sự giao tiếp cũng cần lắm sự sẻ chia, những ánh mắt, nụ cười nhân ái.

Hãy sống cao thượng, vì mọi người thì cuộc đời và xã hội sẽ đẹp biết bao?

Nhật Duy