Cán bộ quản lí đô thị của Hà Nội có cần phải học Ths, TS ở nước ngoài?

01/06/2022 06:40
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều ý kiến trái chiều về việc Hà Nội chi ngân sách hơn 61 tỷ đồng cho cán bộ công chức, viên chức đi học sau đại học.

Theo nội dung Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030", Hà Nội nhận định công tác đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức viên chức về lĩnh vực trọng tâm của Thành phố chưa được đầu tư tập trung, trong đó có quản lí phát triển đô thị.

Hà Nội hướng đến việc cử công chức viên chức đi đào tạo sau đại học tại nước ngoài phù hợp với vị trí việc làm, lĩnh vực trọng tâm để hình thành đội ngũ chuyên gia của Đề án.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, tình cảnh sau trận mưa lớn, Hà Nội ngập lụt nhiều nơi. Ô tô "bơi" trong biển nước được cho là một trong những hậu quả của yếu kém của quy hoạch đô thị.

Vì thế, đề án trên của Thành phố Hà Nội lại càng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Đối với việc quản lý đô thị, công chức viên chức có phải đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc thậm chí là nước ngoài hay không và hiệu quả có dễ đo đếm?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (Chuyên gia kiến trúc đô thị, Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và Tiến sĩ, kiến trúc sư Lê Đàm Ngọc Tú (Trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế, trường Đại học Xây dựng miền Trung) đã có những chia sẻ xoay quanh vấn đề trên.

Cán bộ quản lý đô thị không theo kịp tốc độ phát triển?

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho hay, ông rất tán thành Đề án đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức của Thành phố Hà Nội, trong đó có vấn đề đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lí đô thị.

Thực tế, không phải bây giờ Hà Nội mới quan tâm đến vấn đề quản lí đô thị, mà cách đây khoảng 20 năm, Bộ Xây dựng đã có Học viện đào tạo bồi dưỡng cán bộ thì cũng chủ yếu tập trung đào tạo cho đội ngũ cán bộ quản lí đô thị. Tuy nhiên, việc đô thị hóa của Hà Nội diễn ra rất nhanh khiến lực lượng cán bộ quản lí đô thị không theo kịp tốc độ phát triển của đất nước.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng. (Ảnh: VOV)

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng. (Ảnh: VOV)

Từ đây nảy sinh ra nhiều vấn đề như quản lí xây dựng, quản lí quy hoạch và hậu kiểm sau quy hoạch.

"Việc Hà Nội có chủ trương đào tạo cán bộ quản lí đô thị thì tôi rất ủng hộ. Tuy nhiên phải chọn những người có tâm huyết với Hà Nội, đồng thời cán bộ được cử đi đào tạo phải là người kinh qua công tác quản lí như Thanh tra xây dựng cấp quận chứ không phải đào tạo tiến sĩ là làm việc ở cấp Sở.

Tiếp đó là đào tạo cán bộ cấp huyện mà huyện đó tương lai sẽ trở thành quận hay thành phố, theo Luật thủ đô và Luật điều chỉnh quy hoạch Hà Nội 2011", chuyên gia cho hay.

Tuy nhiên, Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cho rằng, Hà Nội không nhất thiết phải cho cán bộ đi học tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài, vì 1 người đi học ở nước ngoài bằng 4 người đi học ở trong nước. Hiện nay chúng ta có rất nhiều chuyên gia quản lí đô thị của nước ngoài nên được tiếp cận với quy hoạch của những nước tiên tiến.

Tuy nhiên, chúng ta phải làm sao quy hoạch đô thị Hà Nội là của Việt Nam, chứ không phải là mang bản sắc của những nước khác trên thế giới. Nó phải phù hợp kinh tế, khí hậu và con người Việt Nam.

Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã để cập vấn đề văn hóa rất rõ, văn hóa đây không chỉ là văn hóa phi vật thể, mà văn hóa còn thấm vào văn hóa quản lí lãnh đạo.

"Đô thị giống như một đời người, con người có gia phả nhưng tại sao đô thị không có “gia phả” của riêng mình, vì vậy cần phải trân trọng các di sản", ông Tùng chia sẻ.

"Việc gửi cán bộ đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài cũng cần phải xem xét, vì kinh phí đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài gấp nhiều lần đào tạo tiến sĩ ở trong nước", ông Tùng cho hay.

Theo Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, quy hoạch đô thị được duyệt giống như là định hướng, cẩm nang, mục tiêu. Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị có nêu chúng ta phải xây dựng hệ thống đô thị của Việt Nam bền vững, thì những cán bộ phải nắm được mục tiêu hướng đến người dân sống trong đô thị phải được hạnh phúc.

Hạnh phúc ở đây chính là nơi họ sống ở đô thị như quê hương của mình. Chúng ta phải cải tạo khu vực ngõ ngách trong khu vực trung tâm Thành phố, để người dân thuận tiện tiếp cận giao thông công cộng.

Ví như việc cấm xe máy là chưa phù hợp, chúng ta phải cấm phương tiện tư nhân trong đó có cả ô tô.

Bên cạnh đó, vấn đề cấm khó thành hiện thực vì nhiều cư dân Thủ đô sống trong ngõ ngách không tiếp cận được phương tiện công cộng. Vì vậy phải có quy hoạch để giao thông của Hà Nội trở thành “ô bàn cờ”.

Vấn đề lựa chọn đối tượng cán bộ quản lí đô thị để đào tạo cũng là một vấn đề. Chúng ta phải đào tạo làm sao để cán bộ để gần dân, bởi không có gì bằng chính quyền sát dân.

Ví như việc dân xây nhà trái phép hay lấn chiếm vỉa hè…. thì chính quyền chắc chắn đều phải nắm rõ, chứ không phải chờ đến khi cơ quan báo chí phát hiện sai phạm trong xây dựng thì chính quyền lại tổ chức đập phá. Khi người dân đào móng xây nhà thì chính quyền ở đâu? Vì vậy điều rất quan trọng là cán bộ phải có sự tâm huyết và gần với dân.

Cán bộ quản lí đô thị học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài là cần thiết

Theo Tiến sĩ - Kiến trúc sư Lê Đàm Ngọc Tú (Trưởng phòng khoa học và hợp tác quốc tế, trường Đại học Xây dựng miền Trung), bà đồng tình việc cử công chức viên chức đi học quản lí đô thị sau đại học tại nước ngoài. Bởi lẽ, tại các nước tiên tiến sẽ có công cụ tiên tiến, quy trình quản lí cũng chặt chẽ hơn.

"Những người quản lí sẽ là người trình và ra các quyết định, thì họ phải hiểu cách quản lí đô thị của các nước tiên tiến, hoặc ở những nơi khác. Vì vậy, nên cử công chức viên chức đi học sau đại học tại nước ngoài, nhất là trong lĩnh vực quản lí phát triển đô thị", Tiến sĩ Tú cho hay.

Đối với nguồn chuyên gia nước ngoài về quản lí phát triển đô thị tại Hà Nội, Tiến sĩ Ngọc Tú cho rằng đây cũng chỉ là nguồn ngoại lực, còn việc đào tạo cán bộ là nguồn nội lực để vận hành hệ thống.

Việc đào tạo sau đại học tại nước ngoài, sẽ giúp cán bộ có trải nghiệm để hiểu được việc vận hành đô thị của nước ngoài như nào, từ đó có chính sách phù hợp hơn đối với đô thị của Hà Nội.

Trước nội dung Đề án không nêu rõ thông tin về việc bố trí việc làm cho người đi học sau đại học về nước, Tiến sĩ Tú cho rằng, cần phải có sự ràng buộc đối với cán bộ để họ về cơ quan công tác. Bên cạnh đó, những người đi nghiên cứu cũng cần phải chọn những đề tài xuất phát từ vấn đề trong quản lí thực tiễn tại Hà Nội, để khi họ học xong thì hiệu quả áp dụng sẽ cao hơn.

"Hiện nay một số xu hướng trên thế giới như đô thị xanh, đô thị thông minh...hay là xây dựng cơ sở dữ liệu quản lí đô thị thì những mảng này thì chúng ta chưa có đầu tư. Tại Hà Nội là đầu tầu kinh tế, chính trị của cả nước, thì còn nhiều vấn đề như ngập úng, kẹt xe... cũng cần có giải pháp về hệ thống cấp thoát nước, hay là giải pháp trong thiết kế đô thị", Kiến trúc sư, Tiến sĩ Lê Đàm Ngọc Tú chia sẻ.

Mạnh Đoàn