Cán cân giữa “bóng đá” và “thi cử”

29/06/2012 01:03
Nguyễn Gái
(GDVN) - Dạo qua một vòng tại các khu trọ của sinh viên, kí túc xá, không khí lăn cùng bóng đá Euro 2012 tràn ngập tất cả các xóm, ngõ ngách, phố phường.

Đâu đâu cũng thấy không khí rạo rực, nhộn nhịp và hào hứng của các bạn trẻ luôn đồng hành và cháy cùng Euro.

“Bóng” hay “học”?

Câu hỏi trên đã làm cho không ít bạn sinh viên phải đau đầu khi phải lựa chọn câu trả lời. Vòng chung kết Euro đang diễn ra vô cùng hấp dẫn với những trận đấu không thể bỏ qua. Mùa thi tốt nghiệp cũng đang sôi sục nhưng không khí sôi động theo guồng quay của trái bóng vẫn tiếp tục lăn tròn, tràn ngập tới tất cả các nơi, vì vậy nhiều bạn trẻ coi việc thi cử vẫn đứng sau anh trai cả là “Euro”. Nhưng cũng nhiều bạn cũng đành ngậm ngùi nuối tiếc khi phải hi sinh mùa Euro 2012, tập trung cho việc học hành để chuẩn bị cho kì thi sắp tới.

Minh Trường (Đại học Kiến Trúc) nói trong tiếc nuối: “Mình đã phải hi sinh cả mùa Euro 2012 để lo cho việc học hành, biết là tiếc lắm nhưng vẫn phải chọn vậy, vì việc học vẫn là trên hết, chứ xem bóng đá tới tận khuya mới hết, xem xong là mệt lử người còn tâm trạng đâu mà học nữa chứ”. Quang Duy (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) lại đưa ra ý kiến: "Mình cũng rất lo cho kì thi sắp tới vì chưa ôn luyện được gì cả nhưng mình không thể dập tắt niềm đam mê cháy bỏng với bóng đá được, vả lại Euro 4 năm mới có 1 lần làm sao mà bỏ được chứ".

Biết việc học là rất quan trọng nhưng nhiều bạn không thể quay lưng lại với niềm đam mê, môn thể thao mình yêu thích được. Nhiều bạn trẻ khi được hỏi về việc chọn học hay xem bóng đá rất nhiều bạn chia sẻ: làm sao bỏ được niềm đam mê với bóng đá chứ, dù có bận rộn thế nào đi nữa thì cũng phải dành một chút thời gian để thỏa mãn sở thích của mình.

Cũng có rất nhiều bạn vẫn tranh thủ thời gian ban ngày mọi lúc mọi nơi học để tối xem Euro, nhiều bạn vừa xem vừa tranh thủ những lúc quảng cáo để học bài, trong đầu luôn lo lắng cho việc học. Nhưng với Euro thì bàn tán rất sôi nổi, dù là trong giờ giảng bài trên lớp, trong bữa ăn, căngtin của trường, bất cứ chỗ nào cũng hào hứng đặc biệt là khi nói về những pha ghi bàn đẹp mắt, những cú đá, đánh đầu, lối chơi kĩ thuật có 1 không 2.

Mùa Euro năm nay, các trận đấu đều diễn ra vào đêm khuya và sáng sớm theo giờ ở Việt Nam, trận bảng diễn ra vào lúc 23h, trận 2 vào lúc 1h45 nhưng nhiều bạn không vì thế mà bỏ qua bất kì một trận đấu nào. Không khí vẫn nóng và sôi lên theo thời gian, thỉnh thoảng lại rộn lên những tiếng reo hò ầm ĩ, gào thét kèm theo đó là những tiếng vỗ tay ầm ran cả khu phố để cỗ vũ cho những pha ghi bàn đẹp mắt, những lối chơi kĩ thuật, nhưng song song với đó cũng có những gương mặt buồn bã khi đội bóng mình yêu thích để bóng lọt lưới. Dù có phải thức đến sáng thì các bạn vẫn cổ vũ nhiệt tình, vẫn cháy hết mình với Euro.

Không chỉ có các bạn nam mà các bạn nữ cũng có niềm đam mê với bóng đá cũng chọn xem Euro. Nhưng khác với các bạn nam, nhiều bạn nữ xem bóng đá chỉ vì mê cầu thủ đẹp như Buffon, Ronaldo…. trong khi rất ít người biết về lối chơi hay chiến thuật, cũng có khi thấy cầu thủ mình thích đá vào là hô hào lên trong niềm sung sướng, rồi lại tiu ngỉu khi thấy cầu thủ mình yêu thích bị thương trên sân bóng. Thu Hiên (Đại học Thương Mại) và Nguyễn Huệ, Đinh Vân (Đại học Luật) có chung niềm sở thích: “Mình thấy Ronaldo là cầu thủ chơi đẹp nhất và anh ấy rất đẹp trai nên mình không bỏ bất kì trận đấu nào có anh ấy”.

Hậu quả vì tôn sùng Euro

Ngày ngủ, tối thức xem bóng đá là điệp khúc quá quen thuộc với nhiều bạn sinh viên hiện nay, nhiều bạn mai kiểm tra hay thi nhưng vẫn thức chờ xem bóng đá. Lê Việt (Học viện Báo chí và Tuyên Truyền) tâm sự: "Mình đã cố gắng ngủ để mai phải đi thi sớm nhưng không thể ngủ được, vì hôm nay là trận đấu mình yêu thích, mình chờ đợi trận đấu này lâu rồi nên không thể bỏ qua được, nên đành thức xem vậy".

Nhiều bạn sinh viên khi tham gia vào cá độ bóng đá dù là lớn hay nhỏ đều bị tác động lớn đến học tập cũng như về mặt tinh thần. Có rất nhiều bạn vì bóng đá đã bị cuốn vào vòng đỏ đen, sấp ngửa của canh bạc, học hành ngày càng đi xuống và dẫn tới tình trạng bỏ học. Bạn Lê Duy (Cao đẳng tài nguyên và môi trường) tâm sự: "Đã cả tuần nay mình không học hành gì cả, suốt ngày chỉ bóng đá: ăn, học, ngủ cũng đều có bóng đá, ngày ngủ để tối thức xem bóng đá, đến ngày thi thì đi thi, kì này chắc mình phải thi lại hết rồi". Nhiều sinh viên bị thua cá độ bóng đá còn dính vào các tệ nạn khác như trộm cắp, cướp giật của chính bạn bè và người thân của mình.

H. H, (Đại học Luật) là một trong những dân chơi dính vào các độ bóng đá từ mấy năm nay. Tiền bố mẹ cho chi tiêu H.H đã ném hết vào cá độ, đến khi hết tiền H. vay mượn tiền, laptop, điện thoại bạn bè để cắm vào hiệu cầm đồ chơi tiếp, nhưng tất cả đã hết khi đội bóng anh yêu thích đã bị thua, và anh đã bị mất hết sự tin tưởng của bạn bè và gia đình, người thân. Năm nay, mặc dù là Euro nhưng H.H chia sẻ: "Mình chỉ xem thôi chứ không cá độ nữa, mình đã phải trả giá quá đắt cho những việc mình gây ra, vì từ một sinh viên giỏi, ham học mình đã bỏ bê chuyện học hành, sẽ không bao giờ bước vào con đường đó nữa".

Nạn cá độ bóng đá đang diễn ra với nhiều hình thức khác nhau ở mùa Euro 2012. Những trận hò hét thâu đêm gây mất an ninh trật tự diễn ra thường xuyên tại các khu xóm trọ, ảnh hưởng rất nhiều đến việc học tập của sinh viên cũng như những người sống xung quanh khu xóm trọ đó. Tình trạng này sẽ tiếp tục diễn ra và ngày càng phức tạp, vì vậy cần có sự can thiệp của nhà trường cũng như của cơ quan chính quyền địa phương khu phố.

Mỗi tuần một chủ đề, tiểu mục "Nếu tôi là..." đón nhận các bài báo, phiếm luận, giả tưởng, clip... thể hiện quan điểm cá nhân, mang tính hiến kế, thể hiện sự vận động và định hướng của xã hội.

Bài viết được đăng sẽ nhận được các giải thưởng hấp dẫn của mỗi chủ đề.

Chủ đề tuần này (21-30/6): Euro 2012

 Xem chi tiết về tiểu mục tại đây

Các bài viết xin gửi về cunglambao@giaoduc.net.vn
Nguyễn Gái