Cần đồng nhất các văn bằng, chứng chỉ khi tuyển dụng giáo viên

24/06/2019 06:59
NGUYỄN CAO
(GDVN) - Bộ không kiểm tra được, Sở cũng không để ý, việc liên kết đào tạo, cấp chứng chỉ bát nháo như hiện nay chỉ tốn tiền giáo viên mà sinh ra nhiều tiêu cực.

Xã hội thay đổi, đất nước phát triển đi lên luôn đòi hỏi sự thay đổi của mỗi con người trong từng ngành nghề cụ thể.

Nghề giáo cũng vậy, thầy cô không chịu học hỏi, không chịu làm mới mình sẽ bị xã hội đào thải, bị chính học trò của mình lên án, tẩy chay. Đó là chân lý và những thầy cô giáo luôn hiểu rõ điều này.

Tuy nhiên, sự thay đổi không phải là mỗi năm trôi qua là lãnh đạo ngành giáo dục lại yêu cầu bổ sung chứng chỉ này, chứng chỉ khác, lãnh đạo nhà trường lại dọa thầy cô không học là sẽ bị tinh giản biên chế trong một vài năm tới.

Vì thế, giáo viên cứ mải miết đi học và “sưu tầm” những chứng chỉ theo quy định mà những chứng chỉ ấy đôi lúc chẳng có tác dụng gì.

Để có được những chứng chỉ này, giáo viên phải mất hàng tháng lương của mình. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Để có được những chứng chỉ này, giáo viên phải mất hàng tháng lương của mình. (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Việc hàng năm yêu cầu giáo viên đi bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn đối với môn mình dạy có lẽ giáo viên không có ý kiến gì bởi đó là điều thiết thực, phục vụ trực tiếp cho công tác giảng dạy hàng ngày.

Chuyện yêu cầu chứng chỉ tin học giáo viên cũng không mấy người phản đối bởi không yêu cầu thì giáo viên trẻ bây giờ họ cũng tự nguyện đi học. Mỗi tuần lên lớp, giáo viên họ đều ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Gần như bây giờ nhà giáo viên nào cũng có máy tính và sử dụng nó cho việc giảng dạy và phục vụ những công việc cần thiết hàng ngày cho bản thân mình.

Còn chứng chỉ ngoại ngữ có cần không? Cũng rất cần nhưng thực tế giáo viên có nhiều lứa tuổi, có người đã tốt nghiệp từ vài chục năm trước. Lúc đó, khi tuyển dụng không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ hoặc yêu cầu chứng chỉ A, B thì họ cũng đã đủ điều kiện để được tuyển dụng.

Bây giờ đòi chứng chỉ A2, B1 làm gì khi mà môn họ dạy chỉ có vài từ ngoại ngữ, vài tên nhân vật, hay tên các nhà khoa học thì chỉ yêu cầu họ đọc được những từ trong sách giáo khoa là ổn rồi.

Yêu cầu ngoại ngữ nâng cao thì chỉ với giáo viên dạy ngoại ngữ là cần thiết. Giáo viên ngoại ngữ môn nào nên biết sâu về ngoại ngữ môn học đó để phục vụ cho môn dạy của mình.

Nhưng, Bộ lại yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ 2 để làm gì cho khổ người học và thực tế thì chất lượng không có mà nó cũng không phát huy được tác dụng.

Trong khi, Bộ không kiểm được, Sở cũng không hay, việc liên kết đào tạo bát nháo như hiện nay chỉ tốn tiền giáo viên, sinh ra tiêu cực mà hiệu quả, chất lượng đào tạo không có.

Nếu Bộ làm cuộc điều tra, khảo sát ở các địa phương sẽ thấy một thực trạng đáng buồn.

Các trường đại học được Bộ cho phép đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ đều liên kết với các trung tâm ngoại ngữ tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên của các tỉnh, huyện lân cận để đào tạo.

Mỗi học viên đăng ký vào học ở đây phải đóng mấy triệu đồng học phí, lệ phí để học dăm bữa, nửa tháng là thi và đều đậu cả. Nhiều người không biết cái gì vẫn đậu bình thường.

Vô tình, Bộ đang giao cho các trường đại học và các trung tâm ngoại ngữ tư thục, các trung tâm thường xuyên cái cần câu và những “những con mồi” là giáo viên đang công tác trong các trường công lập.

Hiện nay, các trường phổ thông có mười mấy môn học, mỗi môn học đều có một vị trí riêng, mỗi môn học đều có những giáo viên được đào tạo chuyên sâu để đảm nhận công việc mình được phân công.

Điều ai cũng biết là khi tuyển dụng thì các cấp đứng ra tuyển dụng đã thấy họ đủ yêu cầu đáp ứng công việc mới tuyển dụng. Nhưng, tuyển dụng vào rồi thì lại liên tục phải bổ sung thêm rất nhiều những chứng chỉ vô bổ khác.

Chúng tôi thiết nghĩ, giáo viên phổ thông thì việc cần thiết nhất là môn họ đã được đào tạo như thế nào, họ đã được các trường sư phạm đánh giá kết quả qua văn bằng, bảng điểm ra sao.

Những loại văn bằng như ngành Giáo dục, Nội vụ đang đòi hỏi hiện nay xem chừng không phải là điều quan trọng và có phần vô bổ.

Các chứng chỉ về bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp cũng vậy, ai có nhu cầu thi thăng hạng thì học, không có yêu cầu thì thôi.

Việc các trường đại học, cao đẳng sư phạm địa phương lâu nay đang tuyển sinh không được. Bây giờ, họ lại được tạo điều kiện để đào tạo và cấp chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cho giáo viên.

Cần đồng nhất các văn bằng, chứng chỉ khi tuyển dụng giáo viên ảnh 3Tiền luyện thi và lệ phí thi chứng chỉ A2, B1 hiện nay tương đương 2 tháng lương

Mỗi thầy cô học phải đóng 2-3 triệu đồng học vào mấy buổi chủ nhật là xong. Nhiều trường khi tuyển sinh học viên đều cam kết đậu. Thậm chí chỉ cần đăng ký học, nộp tiền là có chứng chỉ.

Thử hỏi, những việc đào tạo như thế này sẽ đem lại ích lợi gì cho giáo viên và ngành giáo dục đây?

Phải chăng, ngành giáo dục đang có hơn 1 triệu giáo viên, họ là những “khách hàng tiềm năng” nên Bộ Giáo dục luôn tạo điều kiện cho các trường đại học, cao đẳng cung cấp các “dịch vụ” cho giáo viên?

Khi Bộ ban hành các Thông tư, hướng dẫn cũng đồng nghĩa sớm hay muộn thì giáo viên cũng đều phải học để hoàn thiện văn bằng, chứng chỉ cho hồ sơ của mình.

Thiết nghĩ, chất lượng giáo dục đang là hồi chuông báo động cho ngành giáo dục, điều này được thể hiện rất rõ trong kỳ thi tuyển sinh 10 và thi trung học phổ thông quốc gia- đó mới là vấn đề cốt lõi mà lãnh đạo ngành giáo dục cần hướng tới.

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục thì cần thiết thay đổi cách quản lý ở cấp vĩ mô, tạo điều kiện cho giáo viên bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, chuyên môn về môn học mà giáo viên đang đảm nhận.

Những văn bằng, chứng chỉ cần đồng nhất với khi tuyển dụng giáo viên. Khi đã tuyển dụng rồi thì quan trọng nhất là giáo viên đó dạy môn học được phân công như thế nào. Điều này được thể hiện qua việc đánh giá, xếp loại giáo viên hàng năm.

Chuyện bồi dưỡng, học thêm những văn bằng, chứng chỉ mà biết trước nó sẽ không có hiệu quả, tạo nên tiêu cực thì Bộ cũng cần thiết nghiên cứu kỹ lưỡng, hãy để giáo viên họ tự nguyện học nếu họ cảm thấy cần và thiết thực.

Đồng lương giáo viên còn chật vật mà cứ liên tục phải đầu tư đi học, đầu tư mua chứng chỉ như lâu nay e rằng không phù hợp mà càng tạo thêm tiêu cực trong đào tạo và làm cho đội ngũ giáo viên thêm chán nản.

NGUYỄN CAO