Suối Giàng: Dự án duyệt rồi nhưng trường vẫn nằm trên giấy

06/04/2012 06:00
Kim Ngân
(GDVN) - Hơn 120 học sinh tiểu học Suối Giàng hàng ngày phải học nhờ nhà văn hóa của 2 thôn với điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn, khó khăn.
Thiếu lớp học, 2 năm trường tiểu học nhờ nhà văn hóa
Nhà văn hóa nhỏ xập xệ, nằm nghiêng trên đỉnh đồi của trung tâm xã Suối Giàng và thôn Giàng B là nơi “tìm chữ” của hơn 2 lớp học lớp 4, lớp 5 của trường tiểu học Suối Giàng B (xã Suối giàng, huyện Văn Chấn, Yên Bái) hơn 2 năm nay.
Theo ông Trần Thanh Sơn (hiệu trưởng trường Tiểu học Suối Giàng) cho biết trường có 348 em, có 10 lớp trong đó có 6 lớp học ở trung tâm xã, còn lại 4 lớp phải học nhờ nhà văn hóa. Hai năm nay, nhà văn hóa của 2 thôn dành cho hơn 120 em học cả ca sáng và chiều. 
Hơn 30 em tiểu học ở xã Suối Giàng, Văn Chấn hàng ngày vẫn phải học trong điều kiện không có đèn chiếu sáng của nhà văn hóa thôn (ảnh Kim Ngân).
Hơn 30 em tiểu học ở xã Suối Giàng, Văn Chấn hàng ngày vẫn phải học trong điều kiện không có đèn chiếu sáng của nhà văn hóa thôn (ảnh Kim Ngân).
Nhà văn hóa không có thiết bị chiếu sáng, không có điện, bàn ghế cũ nát…Thỉnh thoảng thôn có việc gì phải họp, đành phải cho các cháu học bù ngày cuối tuần.
“Trước mắt đến năm 2013, nhà trường vẫn phải học nhờ nhà văn hóa. Cơ sở vật thiếu thốn, nhà được dựng rất lâu rồi, không đảm bảo kiên cố cho các em học lâu dài được. Chúng tôi đã kiến nghị lên lãnh đạo tỉnh và được chấp thuận xây trường mới”, hiệu trưởng trường cho biết.
Được biết, khu nội trú cho 93 em học sinh tiểu học cũng phải mượn tạm trạm y tế cũ của xã để cho các em ăn ở hơn 2 năm qua.

Trường vẫn nằm trên “giấy”…

Hiệu trưởng trường tiểu học Suối Giàng cho biết khu đất mà tỉnhYên Bái dành cho xây trường tiểu học và khu nội trú với tổng diện tích khoảng 3000 mét vuông cách trung tâm xã 2 cây số.
Tuy nhiên, ông Thanh Sơn cho biết thêm rằng đất được tỉnh cấp cho nằm trong diện quy hoạch khu du lịch nên vẫn chưa di dời được. Ông Sơn giải thích rằng do diện tích đất đó chưa “sạch” nghĩa là chưa được đền bù, san lấp…
Cũng theo ông Sơn thì ông đã cùng Phòng Tài nguyên Môi trường cũng đã xuống đo đạc diện tích, huyện và tỉnh cũng đã ký giấy tờ để xây trường. Tuy nhiên 2 năm nay vẫn chưa thấy “động tĩnh” gì.
Đến bao giờ 120 em lớp 4, lớp 5 mới không phải học ở nhà văn hóa của thôn này nữa?
Đến bao giờ 120 em lớp 4, lớp 5 mới không phải học ở nhà văn hóa của thôn này nữa?
Ông Sơn giải thích rằng vì chưa đền bù được diện tích cây chè, đất cho người dân và nhà nước chưa có vốn đầu tư. “Đang chờ ngân sách của nhà nước. Theo dự đoán thì đến năm 2014 – 2015 mới có thể có ngân sách để đầu tư xây trường…”, ông Sơn cho hay.

Đấy là dự đoán của ông Sơn. Còn thực tế thì chưa biết đến bao giờ ngôi trường mới thành hiện thực.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Kim Ngân