PGS. TS – Nhà văn Ngô Văn Giá:

Căn tính nông dân ở người Hà Nội gây ra 'văn hóa bún mắng, cháo chửi'

04/07/2012 06:34
Thành Chung
(GDVN) - “Chính cái mặt trái của căn tính nông dân quen chửi bới vẫn đang tồn tại trong một bộ phận người Hà Nội; cùng sự nhốn nháo của đời sống đô thị hiện nay, khiến cho người nào cũng sống căng thẳng, ăn nói bạo lực hơn. Rồi trình độ dân trí thấp, sự thiếu văn hóa kinh doanh… đã dẫn đến cái văn hóa xấu bún mắng, cháo chửi ở đây”…, PGS.TS - nhà văn Ngô Văn Giá nhấn mạnh.
Xung quanh câu chuyện về văn hóa phục vụ của không ít nhân viên, chủ nhà hàng, cửa hàng dành cho khách hàng trên mảnh đất Hà Nội đã lưu danh thành tiếng xấu như: "bún mắng, cháo chửi, đốt vía...", tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.
Để bạn đọc có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn về câu chuyện này, phóng viên báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với PGS.TS – nhà văn Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn – Báo chí (trường ĐH Văn hóa Hà Nội) xung quanh vấn đề này."người nào cũng sống căng thẳng, ăn nói bạo lực?"
PGS.TS - nhà văn Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viêt văn - Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.
PGS.TS - nhà văn Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viêt văn - Báo chí, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội.

Theo PGS.TS - nhà văn Ngô Văn Giá cho biết, tuy chưa trực tiếp phải hứng chịu cảnh “bún mắng, cháo chửi” ở các quán hàng tại Hà Nội nhưng ông cũng đã không ít lần được nghe, chứng kiến không ít khách hàng, đồng nghiệp, bạn bè phải chịu đựng những cảnh tương tự như vậy phản ánh lại.

“Bún mắng, cháo chửi quả thực đang là một thực tế đáng buồn, nó biểu hiện cho sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử, thiếu văn hóa trong kinh doanh của một bộ phận người Hà Nội mới hiện nay”, PGS.TS – nhà văn Ngô Văn Giá cho hay. 
Cũng theo PGS.TS - nhà văn Văn Giá, việc xuất hiện những cảnh “bún mắng, cháo chửi” này, đang cho thấy một nghịch lý trong kinh doanh: “Lẽ ra trong cơ chế kinh tế thị trường, khách hàng luôn được coi là thượng đế. Nhưng hiện nay có một bộ phận không nhỏ các chủ nhà hàng, cửa hàng, thậm chí đến các nhân viên lại đảo ngược lại vị trí, tự cho mình cái quyền làm thượng đế rồi mắng mỏ, cạnh khóe, thậm chí chửi đổng, xúc phạm, hành hung khách hàng”.
Về nguyên nhân của “văn hóa chửi” trong kinh doanh của một bộ phận người ở Hà Nội, PGS. TS – nhà văn Ngô Văn Giá nhấn mạnh: “Đầu tiên phải nói đến, đó chính là do cái mặt trái của căn tính người nông dân quen chửi bới vẫn đang tồn tại trong một bộ phận người Hà Nội hiện nay.

Và thứ nữa là sự nhốn nháo của đời sống đô thị hiện nay đã khiến cho người nào cũng sống căng thẳng, ăn nói bạo lực hơn, trắng trợn hơn… Bên cạnh đó, cũng phải nói đến, là do trình độ dân trí thấp, một bộ phận các chủ nhà hàng, nhân viên không được giáo dục đến nơi đến chốn, thiếu đi văn hóa trong kinh doanh… Những điều đó dẫn đến văn hóa xấu lưu danh như bún mắng, cháo chửi”
Giải thích cho sự đông khách của những quán ăn kiểu “bún mắng, cháo chửi” này, PGS.TS – nhà văn Văn Giá cho rằng: “Người ta đến ăn uống, mua sắm, ai cũng sẽ tâm niệm và mong muốn nhận được sự chu đáo, ân cần của nhân viên, chủ hàng dành cho mình. 
Còn có một số người khi đi ăn, thấy những cảnh mắng chửi của chủ hàng nhưng vẫn đến, điều đó, thể hiện thái độ thờ ơ, bỏ ngoài tai, coi không là gì cả, mà hơn thế đó là, những người đó coi mình cao hơn người bán hàng, coi những người bán chỉ là thứ không thèm chấp. 
Còn với ai đó mà còn cho rằng thích thú những cảnh bún mắng, cháo chửi này thì đó là sự thích thú bệnh hoạn, không chấp nhận được”.
Trước một số ý kiến cho rằng, văn hóa “bún mắng, cháo chửi” là do người tỉnh lẻ mang tới chứ không phải là nét văn hóa của người Hà Nội gốc, PGS.TS – nhà văn Văn Giá nhận định:
“Ở đâu cũng có người tốt, người xấu, người thanh lịch, bất lịch sự, tôi không bênh người Hà Nội gốc nhưng đa số họ vẫn thẩm thấu được nét văn hóa thanh lịch, tao nhã của người Tràng An nên số lượng sẽ ít hơn. Còn người dân từ các tỉnh lẻ khác di cư về thủ đô mang theo mặt trái của căn tính nông dân thích chửi bới thì chắc chắn số lượng người rơi vào bún mắng, cháo chửi là nhiều hơn”.
Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet
Ảnh minh họa/ Nguồn: Internet

Mặc dù “bún mắng, cháo chửi” đang là một thực tế biểu hiện cho sự xuống cấp của một bộ phận người Hà Nội mới nhưng PGS.TS – nhà văn Văn Giá vẫn trấn an: “Cho dù thế, văn hóa của người Hà Nội, một mặt là thẩm thấu tất cả những cái hay, cái tinh túy của nơi khác.

Mặt khác sau khi thẩm thấu nó kết tinh, tạo ra vẻ đẹp văn hóa đô thị và đến lượt nó, nó có khả năng lan tỏa, cảm hóa những cái xấu, cái dở từ nơi khác đến. Đó là điều chắc chắn”.
"Sẽ phải học rất nhiều từ văn hóa phục vụ của người Sài Gòn"
Là người đã từng có dịp được đi nhiều nơi cả trong nước và trên thế giới, PGS.TS - nhà văn Ngô Văn Giá nhận xét: “Dù rằng ở nhiều nơi khác cũng có những cảnh thô bạo với khách hàng nhưng về cơ bản ở Hà Nội vẫn là chiếm chủ yếu.

Ở nhiều nước, ngay như nước Lào bên cạnh chúng ta thôi thì, thái độ phục vụ với khách hàng cũng rất ân cần, lịch sự chứ không có những kiểu mắng chửi như ở chúng ta”
PGS.TS – nhà văn Văn Giá cũng đánh giá: “Ngay cả văn hóa phục vụ giữa Sài Gòn và Hà Nội cũng có nhiều cái khác biệt. 
Tôi đã đi và thấy từ các cửa hàng ăn, ngôi chợ của Sài Gòn đều có thái độ phục vụ rất ân cần, lịch sự, chu đáo, thân thiện. Họ sẵn sàng cho ta nếm, thử các thứ đồ, rồi mua hay không thì tùy...

Còn nếu như ở ngoài Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng, vào buổi sáng sớm, nếu ai mà đi vào cửa hàng hoặc chợ mua hàng mà nếm, thử thì nhân viên, chủ hàng sẽ có thái độ rất vô văn hóa, lườm nguýt, chửi bới, thậm chí đốt vía ngay trước mặt khách…
Thực tế người buôn, kẻ bán ở Hà Nội sẽ còn phải học rất nhiều từ thái độ, phong cách, văn hóa phục vụ khách hàng của người Sài Gòn”.
Cũng theo PGS.TS – nhà văn Văn Giá, để có thể xóa được “văn hóa bún mắng, cháo chửi” này, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ, kiên nhẫn của truyền thông trong việc tuyên truyền, nhà trường, gia đình trong việc giáo dục, sự ý thức, nêu gương của những người lớn đối với con trẻ; đồng thời là sự quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra và xử phạt thật nghiêm những hàng quán, người vi phạm. "Và một vai trò không thể thiếu đó là ý thức của chính những khách hàng khi vào ăn tại các nhà hàng này cần phải được nâng cao; cần tẩy chay những nhà hàng nào có bún mắng cháo chửi, tố giác với các lực lượng chức năng về các hành vi vô văn hóa đó", PGS.TS - nhà văn Văn Giá chia sẻ.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết, những hình ảnh, đoạn video về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Thành Chung