Cân trái tim

07/05/2016 06:17
Xuân Dương
(GDVN) - Điều quan trọng là khi “chúng ta chưa chết” chúng ta phải sống thế nào?

Kênh truyền hình National Geographic Chanel đang trình chiếu series phim với tựa đề “The Story of God with Morgan Freeman” (Morgan Freeman với câu chuyện về Đức Chúa), dẫn chương trình là diễn viên kiêm đạo diễn da màu nổi tiếng Morgan Freeman.

Chủ đề xuyên suốt của trong bộ phim liên quan đến sự giống và khác nhau giữa các tôn giáo, tín ngưỡng của cư dân cổ đại và hiện đại nhằm trả lời câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chết?

Một trong số các tập phim cho thấy Morgan Freeman cùng với một nữ tiến sĩ người Ai Cập thăm quan một lăng mộ đặc biệt trong đó có bức vẽ “Cân trái tim”.

Người Ai Cập cổ đại tin rằng khi sang thế giới bên kia, tất cả mọi linh hồn đều bị phán xử bởi thần Osiris mình người đầu cáo tại Đại sảnh Sự thật (Hall of Truth). 

Thần Osiris sẽ đặt trái tim của linh hồn đó một bên cân, bên kia là một chiếc lông chim, nếu trái tim nhẹ hơn lông chim, linh hồn được siêu thoát, tiếp tục cuộc hành trình như chưa từng bị chết nhưng ở một thế giới khác. 

Nếu trái tim nặng hơn lông chim, linh hồn sẽ bị quỷ dữ nuốt sống.

Với người Ai Cập cổ, sở hữu một trái tim “nặng” là kết cục tệ hại gấp nhiều lần so với cái chết, bởi người đó không còn cơ hội tiếp tục cuộc sống ở thế giới bên kia.

Thần Osiris cân trái tim tại Đại sảnh Sự thật (Ảnh: chưa rõ tên tác giả)
Thần Osiris cân trái tim tại Đại sảnh Sự thật (Ảnh: chưa rõ tên tác giả)

Các Lạt Ma Tây Tạng có quan niệm về “thần nhãn” tức là khả năng truyền đạt tư tưởng trực tiếp giữa người với người mà không cần ngôn ngữ hay bất cứ hành động nào.

Để đạt đến mức độ đó cần phải từ bỏ mọi tham lam của cải vật chất hay những suy nghĩ đen tối để có một cơ thể, một trái tim thanh khiết.

Chỉ những ai trí óc trong sạch, sáng như gương mới có thể nhìn rõ bản chất của con người và vạn vật. 

Vua chúa và tầng lớp tinh hoa cổ đại từ Đông sang Tây nhận thức một điều đơn giản, không có gì là vĩnh cửu, vạn vật có sinh, có diệt, con người ai cũng phải chết.

Chặng đường nơi trần thế chỉ như một giấc chiêm bao, sự vĩnh hằng chỉ là ảo vọng. Chính vì thế, người ta hy vọng tồn tại một thế giới khác, nơi con người tiếp tục sống những tháng ngày không ưu tư, phiền não.

Cân trái tim ảnh 2

Tham "vinh quang”

(GDVN) - “Tham vinh quang” tự thân nó sẽ đủ sức mạnh để dẫn dắt quyền lực làm những việc nên làm và cần làm.

Dù sống ở những niên kỷ sơ khai, người xưa đã nhận thấy những “trái tim trĩu nặng ưu phiền”, “những trái tim thấp thoáng kim tiền”, “những trái tim thổn thức suốt ngày dài lại đêm thâu”, những “trái tim lầm lỡ để trên đầu”  không có chỗ trong thế giới tương lai.

Loài người ngày nay, sau mấy nghìn năm tiến hóa, hiểu biết hơn loài người cổ đại trong khoa học tự nhiên, nhưng chưa hẳn là đã hơn người xưa ở lĩnh vực giác ngộ tâm thức.

Không ít người vẫn đăm đắm một ý tưởng về sự tồn tại “muôn năm” mà không cam tâm thừa nhận sự thật, rằng vật chất phát triển càng ở trình độ cao, trở thành các thực thể sống thì tuổi thọ càng ngắn. 

Con người và động vật sống dài lắm là chừng hai hoa giáp, nghĩa là khoảng 120 năm.

Thực vật ở cấp thấp hơn nên có những loại cây có thể sống hàng nghìn năm.

Trái Đất và các vì tinh tú có tuổi thọ hàng tỷ năm vì đó chỉ là vật chất đơn thuần. 

Dựa vào chu kỳ bán rã của uranium-238 (chu kỳ bán rã là khoảng thời gian mà một nửa lượng vật chất của nguyên tố này bị phân huỷ), các nhà khoa học ước tính tuổi của vũ trụ là 12,5 tỷ năm, với sai số khoảng 3 tỷ năm.

Ý thức (hay tư tưởng) chính là sản phẩm của vật chất phát triển cao - bộ não con người, vậy nên nó cũng không tránh khỏi quy luật “bán rã”.

Nếu còn phù hợp với sự phát triển của xã hội, nó trở thành động lực, khi lỗi thời, nó không còn lý do để tồn tại. 

Nói thế nhưng chẳng mấy ai cam tâm từ bỏ ánh hào quang danh vọng, níu kéo sự trường tồn không đơn giản chỉ là ảo vọng mà đôi khi nó trở nên ngu muội.

Nhận thức được điều đó, các Pharaoh, các thiền sư Tây Tạng, các vua chúa Trung Hoa, các triết gia Đông - Tây cổ đại đều chuẩn bị cho ngày xa lìa trần thế, xem đó là quy luật không một “đấng vĩ đại” nào có thể cưỡng lại. 

Theo dòng thời gian, không có bất kỳ sự “trường tồn” nào dù là đối với một cá nhân, một thể chế, một đế chế hay một hệ tư tưởng. Nhận biết thời điểm kết thúc để chuẩn bị hành trang cho “thế giới bên kia” không bao giờ là việc dễ dàng với ai đó có “trái tim nặng”.

Cân trái tim ảnh 3

Quân vương - logic của nghịch lý

(GDVN) - Một đấng Quân Vương có tinh thần ái quốc vĩ đại, dốc lòng phục vụ nhân dân, có đức cao trọng vọng, có tài năng xuất chúng, đất nước nhất định sẽ hùng cường.

Trên con đường tìm kiếm cõi vĩnh hằng, lời phán quyết của thần Osiris là phải có một trái tim “đủ nhẹ”.

Muốn thế cần phải từ bỏ rất nhiều thứ, có 3 thứ muốn bỏ con người cần đến lòng dũng cảm của chiến binh và tư duy của bậc minh triết là từ bỏ ham muốn quyền lực, nghĩa vụ quyền lực và gánh nặng quyền lực.

Ham muốn quyền lực dễ nhận thấy với dân thường là ham muốn vinh hoa phú quý, là trở thành “ông nọ, bà kia”, là “võng anh đi trước, võng nàng đi sau”, điều này được minh chứng trong xã hội Việt Nam hiện đại bởi “bầy sâu tiến sĩ” hiện diện ngày càng đông đúc không chỉ ở những nơi “cao sang” như Viện Hàn lâm mà còn khắp các văn phòng, công sở.

Ham muốn “quyền lực tuyệt đối” có lẽ là điều ngu ngốc nhất mà con người được học hành đến nơi đến chốn thường xuyên mắc phải, bởi nó dẫn tới sự độc tôn, độc đoán, độc quyền và độc ác. 

Chính vì thế từ bỏ “ham muốn quyền lực” là điều đầu tiên cần làm, cũng là điều dễ nhất có thể làm bởi “ham muốn quyền lực” là xuất phát từ bản thân, sức ép ngoại lai để một con người tự do trở thành kẻ ham muốn quyền lực nếu có cũng là không ghê gớm đến mức đe dọa sinh mạng. 

Tự chế ngự ham muốn quyền lực, chuyển hóa nó thành những ham muốn nhân văn sẽ khiến cho bước chân con người trên đại lộ Thanh Thản trở nên nhẹ nhàng dù có hay không “cân trái tim" của thần Osiris.

Từ bỏ nghĩa vụ quyền lực và gánh nặng quyền lực lại không hề đơn giản, chẳng có kẻ lú lẫn hay ngớ ngẩn nào có thể đạt đến đỉnh cao quyền lực nếu không phải là một cá nhân siêu việt hay chí ít cũng được có một “tập đoàn siêu việt” hậu thuẫn. 

Những cá nhân được dựng lên bởi một “tập đoàn siêu việt” sẽ không thể chối bỏ “nghĩa vụ quyền lực” đối với phe cánh đã nâng đỡ mình. Có thể đến một thời điểm trong tương lai, cá nhân đó nhận thức được “gánh nặng quyền lực” đè trên đôi vai nhưng không còn đường lùi. 

Cân trái tim ảnh 4

Năm tâm tư gan ruột của một tiến sĩ về “lò tiến sĩ”

(GDVN) - Cơ sở thực tiễn và khoa học của 350 tiến sĩ/chỉ tiêu/năm cho Học viện có thuyết phục không, khi mà các hiện tượng cứ diễn ra “dài dài mãi”?

Quyền lực trở thành nấm mồ chôn vùi vĩnh viễn mọi ảo vọng.

Bên trong nấm mồ quyền lực, mọi hào quang đều tắt ngấm, con đường duy nhất từ đó có thể đi tiếp là hướng tới “Đại sảnh Sự thật”, ở đó đã có “cân trái tim” chờ sẵn.

Sẽ là sai lầm nếu phủ nhận tất cả những giá trị trường tồn như tự do, bình đẳng, bác ái… Tuy nhiên sự trường tồn đó cũng chỉ song hành cùng với sự trường tồn của nhân loại.

Một va chạm nhẹ giữa Trái Đất với một thiên thạch có thể xóa bỏ sự sống hiện tại để rồi hàng triệu năm sau loài người mới sinh ra sẽ ngơ ngác hỏi nhau “tự do là gì, bình đẳng là gì, bác ái là gì…?”.

Sự cực đoan trong cách đặt vấn đề không phải là do không nhận thấy “ánh sáng cuối đường hầm” mà chỉ dựa vào một sự thật khoa học, rằng khủng long bị tuyệt chủng gắn với những  nguyên nhân khách quan như va chạm giữa trái đất với thiên thạch khiến núi lửa phun trào...

Nếu điều đó lặp lại, không có gì đảm bảo rằng nền văn minh nhân loại sẽ không bị tiêu diệt.

Bản thân câu hỏi “điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta chết?” vốn được nêu lên để suy ngẫm chứ không phải để trả lời bởi sẽ chẳng có câu trả lời nào là thấu đáo.

Điều quan trọng là khi “chúng ta chưa chết” chúng ta phải sống thế nào?

Xuân Dương