Cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học một cách toàn diện

11/12/2021 16:29
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là khía cạnh liên quan đến tổ chức nhân sự, tài chính tài sản.

Sáng ngày 11/12/2021, Câu lạc bộ Khối trường Đại học đã tự chủ thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Kiến nghị về cơ chế tự chủ Đại học”.

Tọa đàm “Kiến nghị về cơ chế tự chủ Đại học” được tổ chức theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: PM)

Tọa đàm “Kiến nghị về cơ chế tự chủ Đại học” được tổ chức theo hình thức trực tuyến. (Ảnh: PM)

Tham dự tọa đàm, về phía Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của Hiệp hội và Trưởng các Ban chuyên môn thuộc Hiệp hội.

Về phía Trường Đại học Kinh tế Quốc dân có Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường – Phó Hiệu trưởng nhà trường, Chủ tịch Câu lạc bộ các trường Đại học đã tự chủ; đại diện lãnh đạo các đơn vị trong trường cùng với đại diện lãnh đạo của 23 trường đại học hoạt động tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP và đại diện lãnh đạo của các trường đại học trên cả nước.

Còn nhiều vướng mắc khi thực hiện tự chủ đại học

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho biết, tự chủ đã tạo điều kiện để các trường đại học phát triển và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Điển hình trong 23 trường tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP, có nhiều trường đạt được thành tích cao.

Có thể kể đến thành công của Trường Đại học Tôn Đức Thắng khi chỉ trong một thời gian ngắn đã vươn lên mạnh mẽ, lọt vào bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu trên thế giới, khẳng định vị thế của nền giáo dục quốc gia.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định, cơ chế tự chủ còn nhiều bất cập, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ khẳng định, cơ chế tự chủ còn nhiều bất cập, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ.

“Song, những sự cố không mong muốn xảy ra ở Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng đã cho thấy những bất cập trong cơ chế tự chủ đại học hiện nay.

Tọa đàm “Kiến nghị về cơ chế tự chủ Đại học” là cơ hội để các trường cùng lên tiếng, chia sẻ thẳng thắn về những rào cản, vướng mắc trong cơ chế tự chủ, đây sẽ là cơ sở cho các báo cáo kiến nghị gửi đến các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là hướng tới Hội nghị sơ kết về tự chủ đại học sắp tới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức”, Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm.

Tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Thành – Viện trưởng Viện Đào tạo Sau Đại học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đã báo cáo tổng hợp kiến nghị của các trường đã tự chủ theo Nghị quyết 77.

Cụ thể, trong bối cảnh tự chủ trong giáo dục đại học ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, có 23 trường đại học được chọn để thực hiện thí điểm tự chủ đại học theo Nghị quyết 77/NQ-CP (24-10-2014) của Chính phủ.

Có nhiều văn bản pháp quy liên quan đến cơ chế tự chủ đại học như Luật số 34/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục Đại học; Nghị định 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật giáo dục đại học 2018; Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ “Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP "quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập".

Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động tự chủ của các trường vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trên cơ sở đó, các trường đại học đã nêu một số kiến nghị để có tự chủ đại học một cách thực chất.

Về chuyên môn, đối với công tác đào tạo, hiện mới chỉ yêu cầu các trường công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm. Để khuyến khích các trường nâng cao chất lượng đào tạo, cần công khai mức lương khởi điểm của sinh viên và mối quan hệ giữa Học phí với Mức lương khởi điểm.

Cần bình đẳng trong việc công nhận các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của các trường tự chủ với các chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo xét duyệt (của các trường chưa tự chủ).

Đối với hoạt động tuyển sinh, cần định hướng các trường tự chủ trong tuyển sinh. Đối với nghiên cứu khoa học, cần công nhận tính tương đương của đề tài nghiên cứu các cấp (Bộ, Quốc Gia) đối với các công trình có giá trị và kinh phí tương đương do các trường tự chủ tự đầu tư.

Về tổ chức bộ máy và nhân sự, các trường nêu kiến nghị áp dụng Luật Lao động thay Luật Viên chức tại các trường tự chủ; Việc điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ nên để cho các trường tự xây dựng quy trình riêng và áp dụng sau khi Hội đồng trường thông qua. Không nhất thiết phải theo Nghị định 115; Việc bổ nhiệm các chức danh giảng viên, cơ chế nâng lương, nâng hạng viên chức nên được phân cấp cho các trường tự chủ.

Đồng thời, cần định nghĩa lại tiêu chí xác định “giảng viên cơ hữu” đối với các trường tự chủ giống như các trường tư thục hiện nay; Cần hướng dẫn về mô hình các công ty trong các cơ sở giáo dục đại học; tạo điều kiện để các trường là đơn vị đào tạo (theo luật 34 và NĐ99) có thể đăng ký là tổ chức khoa học và công nghệ theo Luật khoa học và công nghệ.

Tọa đàm kết nối hơn 50 đầu cầu cùng gần 100 đại biểu, chuyên gia tham dự. (Ảnh: NEU)

Tọa đàm kết nối hơn 50 đầu cầu cùng gần 100 đại biểu, chuyên gia tham dự. (Ảnh: NEU)

Về vấn đề tài chính, Quy định mức trần học phí đang tạo ra sự không công bằng đối với học phí của các chương trình quốc tế, chương trình liên kết.

Các trường kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể trong việc công khai tài chính. Đặc biệt phân định rõ giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường, ai là người điều hành kiểm toán nội bộ.

Về quản lý tài sản, đối với các dự án đầu tư có cấu phần xây dựng, sử dụng vốn hợp pháp của trường để đầu tư và để liên kết, kinh doanh, cần để trường là chủ đầu tư, Hội đồng trường phê duyệt.

Thêm một vướng mắc lớn hiện nay là trường đại học tự chủ chưa được quyền sử dụng tài sản cho thuê. Các trường cũng kiến nghị việc định mức sử dụng tài sản, các định mức kinh tế kỹ thuật khác, các trường được tự quyết sau khi công khai.

Có thể khẳng định, cơ sở pháp lý về tự chủ đại học còn thiếu đồng bộ, trường đại học tự chủ là đối tượng điều chỉnh của nhiều Luật như: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Xây dựng, Luật Viên chức, Luật đầu tư công, Luật ngân sách nhà nước, Luật công chức - viên chức và các Luật về Thuế, Tài chính, các Nghị định của Chính phủ... gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

Chính vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, điều chỉnh các Luật, quy định chồng lấn, tạo điều kiện cho việc thực hiện cơ chế tự chủ mọi mặt trong trường đại học được thông suốt

Còn nhiều cách hiểu chưa đúng với tinh thần tự chủ

Buổi tọa đàm cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của đại diện lãnh đạo của 23 trường đại học hoạt động tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP.

Theo đó, lãnh đạo các trường đều nêu ra những vướng mắc liên quan đến vấn đề tổ chức nhân sự; tài chính tài sản. Đặc biệt mặc dù đã tự chủ nhưng các trường vẫn phải thực hiện theo cơ chế xin - cho, trình báo cáo và chờ phê duyệt. Điều đó cho thấy thực tiễn tự chủ đại học còn muôn vàn khó khăn, thách thức.

Đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học chia sẻ những vấn đề về tự chủ đại học. (Ảnh: PM)

Đại diện lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học chia sẻ những vấn đề về tự chủ đại học. (Ảnh: PM)

Trao đổi cùng các thầy cô tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhận định, vấn đề nổi cộm hiện nay là còn rất nhiều quan điểm lẫn lộn, hiểu sai tinh thần tự chủ.

Thứ nhất, khi đã thực hiện tự chủ, cần phải xác định trao quyền tự chủ cho ai, ai là chủ sở hữu của trường đại học công lập tự chủ?

“Lâu nay, chúng ta vẫn nói trường công thuộc sở hữu Nhà nước. Nhưng từ năm 2015, theo theo Bộ Luật dân sự 2015, đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập, chủ sở hữu là toàn dân, là cộng đồng xã hội. Và Nhà nước chỉ là đại diện cho chủ sở hữu.

Tuy nhiên, đối với các trường đại học công lập, Luật số 34/2018 đã khẳng định, Hội đồng trường là đại diện cho chủ sở hữu và các bên liên quan. Như vậy, với trường đại học công lập tự chủ thì đại diện cho chủ sở hữu không phải là Nhà nước mà chính là Hội đồng trường”, Tiến sĩ Khuyến khẳng định.

Thứ hai, vẫn còn sự lẫn lộn giữa việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học với việc phân quyền quản lý với các cơ sở giáo dục đại học; lẫn lộn giữa việc trao quyền tự chủ cho các trường với việc bắt buộc các trường phải tự túc về tài chính.

Không được đánh đồng tự chủ đại học với tự túc nguồn lực, Nhà nước không nên cắt ngân sách với các trường tự chủ, ngược lại, cần tăng cường hỗ trợ ngân sách đối với các trường thực hiện tự chủ thành công.

Thứ ba, cần phải thực hiện tự chủ có lộ trình, chuyển từ cơ chế chủ quản sang cơ chế tự chủ.

Thứ tư, cần nhìn nhận Hội đồng trường là khâu đột phá để các trường đi vào tự chủ. Nếu chưa thành lập được Hội đồng trường hay không có Hội đồng trường thứ thiệt thì không nên vội vàng bàn đến câu chuyện tự chủ.

Thứ năm, cần phải tiến tới xóa bỏ cơ quan chủ quản, xóa bỏ sự tồn tại của một cơ quan trung gian đang can thiệp trực tiếp vào các hoạt động của trường, để trao quyền đó cho Hội đồng trường. Thực hiện điều này vẫn hoàn toàn đảm bảo sự quản lý của Nhà nước và sự lãnh đạo của Đảng. Bởi lẽ, sự tồn tại và can thiệp của cơ quan chủ quản như giấy phép con gây cản trở hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học và cần phải loại bỏ. Đây là vấn đề quan trọng mà các trường đại học, các cơ quan quản lý cần nhận thức một cách đúng đắn, rõ ràng.

Kết thúc tọa đàm, Giáo sư Hoàng Văn Cường đã tổng kết 3 vấn đề lớn về những kiến nghị cơ chế tự chủ của các trường đại học.

Một là cần trao quyền tự chủ cho các trường đại học một cách toàn diện, từ lĩnh vực học thuật, tổ chức nhân sự đến tài chính tài sản.Cần có cơ chế mở, không nên áp dụng quy định của các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập nói chung vào các trường đại học tự chủ.

Hai là xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản; thay đổi quyền chủ quản/ nội dung quản lý nhà nước với các trường tự chủ để không còn tồn tại tình trạng xin - cho như hiện nay.

Ba là phải có tiếng nói chia sẻ trong nội bộ các trường đại học để có sự đồng thuận, thống nhất giữa các trường, tạo ra thành công trong hoạt động tự chủ và tạo ra tiếng nói đồng thuận để kiến nghị lên cơ quan quản lý Nhà nước.

Phạm Minh