Cần xem lại quy định "trưng dụng tài sản" và "nổ súng tiêu diệt đối tượng"

31/10/2016 11:07
Ngọc Quang
(GDVN) - Thượng tướng Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho biết, đây là hai điểm cần phải xem xét lại trong dự thảo Luật Cảnh vệ.

Cách đây ít phút, Bộ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Tô Lâm đã trình bày dự thảo Luật Cảnh vệ tại Quốc hội.

Trong đó nói rõ mục tiêu cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bao gồm: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ;

Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ;

Uỷ viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam;

Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ;

Bên cạnh đó, khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam là mục tiêu cảnh vệ, bao gồm: Người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ;

Cấp phó của người đứng đầu Nhà nước, cơ quan lập pháp, Chính phủ, trên cơ sở có đi có lại;

Khách mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ;

Khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trên cơ sở có đi có lại.

Các kỳ họp Quốc hội là mục tiêu bảo vệ quan trọng theo dự án Luật Cảnh vệ. ảnh: quochoi.vn
Các kỳ họp Quốc hội là mục tiêu bảo vệ quan trọng theo dự án Luật Cảnh vệ. ảnh: quochoi.vn

Dự thảo luật cũng quy định khu vực trọng yếu cảnh vệ bao gồm: Khu vực làm việc của Trung ương Đảng; Khu vực làm việc của Chủ tịch nước; Khu vực làm việc của Quốc hội; Khu vực làm việc của Chính phủ;

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Bảo tàng Hồ Chí Minh; Khu di tích Phủ Chủ tịch; Quảng trường Ba Đình; Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.

Sự kiện đặc biệt quan trọng được cảnh vệ, gồm: Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; Hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng; Kỳ họp của Quốc hội;

Phiên họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Hội đồng Quốc phòng - An ninh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ;

Về lực lượng Cảnh vệ, dự thảo Luật quy định lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và lực lượng Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng, đồng thời quy định về tổ chức Cảnh vệ thuộc Bộ Công an và tổ chức Cảnh vệ thuộc Bộ Quốc phòng.

Thẩm tra dự án Luật Cảnh vệ, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh đánh giá, về cơ bản đồng tình với những nội dung do Bộ Công an trình.

Tuy nhiên, có hai điểm Ủy ban Quốc phòng An ninh đề nghị nghiên cứu, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ nhất, về sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ (Điều 23 dự thảo luật): Thượng tướng Võ Trọng Việt cho biết, đa số ý kiến cho rằng, việc nổ súng liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của con người.

Vì vậy, việc cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ nổ súng phải tuân thủ các nguyên tắc, quy định của dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.

Dự thảo Luật Cảnh vệ quy định nổ súng “để tiêu diệt” đối tượng đang có hành vi tấn công trực tiếp đối tượng cảnh vệ hoặc sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ là chưa phù hợp với nguyên tắc “người sử dụng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra” và cần bảo đảm điều kiện về “phòng vệ chính đáng” hoặc “tình thế cấp thiết” theo Bộ Luật hình sự.

Để kịp thời ngăn chặn hành vi này, nhiều khi chỉ cần sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ hoặc bắn bị thương, vì nếu đối tượng còn sống sẽ thuận lợi hơn trong công tác xác minh, điều tra, xử lý vụ việc.

Thứ hai, về huy động người, thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện để thực hiện công tác cảnh vệ (Điều 24): Thượng tướng Võ Trọng Việt cho hay,  đa số ý kiến đồng ý với dự thảo Luật quy định trong trường hợp cấp bách để bảo đảm tuyệt đối cho đối tượng cảnh vệ, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được quyền “huy động” người, phương tiện.

Về thẩm quyền trưng dụng, đa số ý kiến cho rằng, theo quy định của Hiến pháp thì trong một số trường hợp cần thiết chỉ “Nhà nước” mới có quyền trưng dụng tài sản.

Hiến định các nội dung này, tại các điều 24, 25, 26 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản đã quy định rất chặt chẽ về thẩm quyền, nội dung và trình tự quyết định trưng dụng tài sản.

Theo đó, chỉ giao một số Bộ trưởng và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền quyết định trưng dụng tài sản nhưng không được phân cấp thẩm quyền này.

Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ được “thực hiện trưng dụng tài sản, phương tiện… theo quy định của pháp luật” là chưa rõ, dễ bị lạm dụng.

Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị sửa lại trong trường hợp cấp bách, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được “trưng dụng tài sản, phương tiện… theo Luật trưng mua, trưng dụng tài sản”.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ trường hợp cấp bách cần bổ sung quyền cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ cảnh vệ được “trưng dụng” tài sản, phương tiện và quy định cụ thể về trình tự, thời hạn trưng dụng; việc bàn giao, tiếp nhận tài sản, cơ chế báo cáo, giám sát, đồng thời cần bổ sung điều quy định về sửa đổi, bổ sung Luật trưng mua, trưng dụng tài sản để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và báo cáo xin ý kiến Quốc hội.

Ngọc Quang