Cảnh báo không thể bỏ qua về kháng kháng sinh

19/10/2016 07:15
Phương Linh
(GDVN) - Có đến 88% kháng sinh được bán mà không có đơn và tỷ lệ người dân yêu cầu được mua kháng sinh mà không có đơn cũng chiếm tỷ lệ rất cao.

Theo tổ chức y tế thế giới, nếu cứ tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ như hiện nay thì 50 năm nữa thế giới sẽ không có thuốc để chữa bệnh và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Mua thuốc không cần đơn: Chuyện quá đỗi... bình thường

Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế về việc bán thuốc kháng sinh ở các hiệu thuốc vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn.

Trong tổng số 2.953 nhà thuốc được điều tra, có đến 499/2.083 hiệu thuốc ở thành thị và 257/870 hiệu thuốc ở nông thôn có bán đơn thuốc kê kháng sinh.

Người dân mua kháng sinh để điều trị ho và sốt chiếm tỷ lệ cao nhất. Có đến 88% kháng sinh được bán mà không có đơn và tỷ lệ người dân yêu cầu được mua kháng sinh mà không có đơn cũng chiếm tỷ lệ rất cao.

Có đến 88% kháng sinh được bán mà không có đơn và tỷ lệ người dân yêu cầu được mua kháng sinh mà không có đơn cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Ảnh minh họa: Sức khỏe&Đời sống.
Có đến 88% kháng sinh được bán mà không có đơn và tỷ lệ người dân yêu cầu được mua kháng sinh mà không có đơn cũng chiếm tỷ lệ rất cao. Ảnh minh họa: Sức khỏe&Đời sống.

Trên thực tế, người dân vẫn có thói quen tự chữa trị hoặc bắt chước đơn thuốc đã có từ trước. Khi có biểu hiện bất thường về sức khoẻ như: Ho, sốt, cảm cúm, tiêu chảy..., người dân thường tự đi mua thuốc về uống, loại này không có tác dụng lại chuyển sang loại khác; khi bệnh không thuyên giảm mới đến cơ sở y tế. 

Nhiều người có bệnh còn truy cập internet, tra cứu “đơn thuốc trên mạng” và áp dụng cho bệnh của mình.

Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện còn nhận được sự “tiếp tay” của chủ các quầy thuốc khi khách hàng chỉ cần mô tả bệnh là dễ dàng mua các loại thuốc bán theo đơn tại quầy mà không cần đơn kê của bác sĩ.

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng bác sĩ kê kháng sinh cho bệnh nhân khi không thật cần thiết hoặc kê các loại kháng sinh mới nhằm điều trị nhanh hơn. 

Hãy vào cuộc từ hôm nay 

PGS Nguyễn Văn Kính cho biết, từ năm 1930 chúng ta tìm ra kháng sinh và coi đây là vũ khí diệt vi khuẩn. Chỉ vài năm sau đó vi khuẩn liên tục nhờn thuốc và kháng sinh đời mới buộc phải ra đời liên tục. 

Tình trạng này đã được báo động trên toàn cầu và tại Việt Nam cũng rất cao. Từ năm 1989 - 2005, Việt Nam có tham gia chương trình đánh giá độ nhạy cảm của kháng sinh và sau này là dự án được Thuỵ Điển tài trợ. Tuy nhiên, sau năm 2009 thì chúng ta không còn nghiên cứu kỹ. 

Theo số liệu nghiên cứu ở Việt Nam vào năm 2010, các chủng Streptococcus pneumoniae - một trong những nguyên nhân thường gặp nhất gây nhiễm khuẩn hô hấp - kháng penicillin (71.4%) và kháng erythromycin (92.1%). 

Vi khuẩn phân lập từ trẻ bị tiêu chẩy có tỉ lệ kháng cao. Đối với hầu hết các trường hợp, bù nước và điện giải là biện pháp xử trí hiệu quả nhất đối với bệnh tiêu chảy, khoảng 1⁄4 số trẻ đã được chỉ định kháng sinh trước khi đưa đến bệnh viện. 

Các vi khuẩn gram âm đa số là kháng kháng sinh (enterobacteriaceae): hơn 25% số chủng phân lập tại một bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh kháng với kháng sinh cephalosporin thế hệ 3, theo nghiên cứu năm 2000-2001. 

Theo báo cáo của một nghiên cứu khác năm 2009 cho thấy, 42% các chủng vi khuẩn gram âm kháng với ceftazidime, 63% kháng với gentamicin và 74% kháng với acid nalidixic tại cả bệnh viện và trong cộng đồng. 

Do tỉ lệ kháng kháng sinh cao, nhiều liệu pháp kháng sinh được khuyến cáo trong các tài liệu hướng dẫn điều trị đã không còn hiệu lực.

Trước tình trạng lạm dụng kháng sinh, tỉ lệ kháng kháng sinh có chiều hướng gia tăng, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn 2013-2020.

Đặc biệt, tháng 11/2015, Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam đã phát động “Tuần lễ truyền thông về phòng chống kháng thuốc” trên toàn quốc.

Tại Quảng Ninh, hoạt động truyền thông về phòng chống kháng thuốc được triển khai sâu rộng, thu hút sự chú ý và nâng cao nhận thức thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong các cơ sở y tế và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường.

Đã có 6.800 cán bộ trong toàn ngành y tế và một số bệnh nhân ký cam kết sử dụng kháng sinh có trách nhiệm.

Các cơ sở khám, chữa bệnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống kháng thuốc tại đơn vị; tăng cường kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm; sử dụng thuốc an toàn, hợp lý; thực hiện đúng quy định về việc bán thuốc theo đơn; tổ chức ký cam kết với các nội dung: Bác sĩ kê đơn hợp lý, kê đơn thuốc đúng…

Phương Linh